Thừa kế là một trong chế định quan trọng theo quy định của bộ luật dân sự. Vậy thừa kế là gì? Phân tích các đặc điểm của pháp luật thừa kế?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thừa kế là gì?
- 2 2. Quyền thừa kế là gì?
- 3 3. Đặc điểm của pháp luật thừa kế:
- 3.1 3.1. Pháp luật về thừa kế ra đời rất sớm:
- 3.2 3.2. Pháp luật về thừa kế có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật về quyền sở hữu:
- 3.3 3.3. Pháp luật về thừa kế tập trung chủ yếu trong Bộ luật Dân sự, một số văn bản liên quan:
- 3.4 3.4. Pháp luật về thừa kế được quy định tương đối toàn diện và có kết cấu chặt chẽ:
1. Thừa kế là gì?
Thừa kế tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người, thừa kế được hiểu là việc chuyển dịch tài sản (của cải) của người chết cho người còn sống theo truyền thống, phong tục tập quán của từng dân tộc. Người hưởng tài sản có nghĩa vụ duy trì, phát triển giá trị vật chất, giá trị tinh thần và truyền thống, tập quán mà hệ trước để lại. Trong xã hội có giai cấp, quan hệ thừa kế là đối tượng điều chỉnh của pháp luật, Nhà nước điều chỉnh quan hệ thừa kế nhằm đạt được những mục đích nhất định.
Quan hệ thừa kế tồn tại song song với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Mặt khác, quan hệ sở hữu là quan hệ giữa người với người về việc chiếm hữu của cải vật chất trong xã hội, trong quá trình sản xuất, lưu thông phân phối của cải vật chất.Sự chiếm hữu vật chất này thể hiện giữa người này với người khác, giữa tập đoàn người này với tập đoàn người khác, đó là tiền đề để làm xuất hiện quan hệ thừa kế.Sở hữu cũng là một yếu tố khách quan xuất hiện ngay từ khi có xã hội loài người và cùng với thừa kế, chúng phát triển cùng với xã hội loài người.
2. Quyền thừa kế là gì?
Theo nghĩa hẹp, quyền thừa kế là quyền của cá nhân để lại tài sản của mình sau khi chết cho người khác.
Theo nghĩa rộng, quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người khác theo ý chí của người đó khi còn sống hoặc theo một trình tự nhất định. Mặt khác, các quy phạm pháp luật ghi nhận và quy định trình tự thực hiện và bảo vệ các quyền của người có tài sản, quyền của người thừa kế và các chủ thể khác trong quan hệ thừa kế.
Thừa kế với tư cách là một quan hệ pháp luật dân sự trong đó các chủ thể có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong quan hệ này, người có tài sản, trước khi chết có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác . Những người có quyền nhận di sản họ có thể nhận hoặc không nhận di sản ( trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
Đối tượng của thừa kế là các tài sản , quyền tài sản thuộc quyền của người chết để lại ( trong một số trường hợp người để lại tài sản có thể chỉ để lại hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản). Tuy nhiên , một số quyền tài sản gắn liền với nhân thân người đã chết không thể chuyển cho những người thừa kế ( tiền cấp dưỡng, tiền lương hưu…) vì pháp luật quy định chỉ có người đó mới có quyền được hưởng.
3. Đặc điểm của pháp luật thừa kế:
3.1. Pháp luật về thừa kế ra đời rất sớm:
Ngay từ thời kỳ La Mã Cổ Đại đã có pháp luật về thừa kế, PL Về TK thời kỳ này được khắc trên phiến đá để mọi người cùng hiểu mà làm theo. Khi nghiên cứu về vấn đề này các nhà khoa học pháp lý đã nhận định: “thừa kế là sự di chuyển tài sản của người chết cho một hoặc một số người sống khác. Quyền thừa kế với tư cách là một chế định pháp luật của Nhà nước, xuất hiện trên cơ sở chấm dứt quyền sở hữu của một người đã chết và sự chuyển giao mang tính tổng thể tài sản của người đó cho những người còn sống..
Ở nước ta, pháp luật về thừa kế có thể đã tồn tại ở thời Hùng và đa số các sử gia và các nhà luật học đều nhất trí rằng: “pháp luật nước ta đã có từ trước thời Lê và đã được điển chế đến thời Lý, Trần.” Như vậy, pháp luật về thừa kế Việt Nam đã xuất hiện từ lâu, nó trở thành một chế định quan trọng của pháp luật thời bấy giờ. Điều đó được thể hiện qua các tài liệu về lịch sử của các sử gia, Bộ luật QTHL, dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ… Tuy nhiên, pháp luật về thừa kế thời kỳ này chỉ bảo vệ giai cấp thống trị, củng cố, duy trì quyền sở hữu của những người có của.
3.2. Pháp luật về thừa kế có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật về quyền sở hữu:
Thừa kế và sở hữu là hai phạm trù kinh tế có mầm mống và xuất hiện ngay trong thời kỳ sơ khai của xã hội loài người, tồn tại song song trong mọi hình thức kinh tế – xã hội. Trong phạm vi một chế độ xã hội, hai phạm trù này gắn bó chặt chẽ với nhau mỗi phạm trù là tiền đề và cũng chính là hệ quả đối với nhau. Nếu sở hữu là yếu tố đầu tiên để từ đó làm xuất hiện thừa kế thì đến lượt mình thừa kế lại là phương tiện để duy trì, củng cố và xác định quan hệ sở hữu.
Nếu sở hữu và thừa kế là hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau song song tồn tại bên nhau thì pháp luật về thừa kế với pháp luật về quyền sở hữu cũng có mối quan hệ hết sức mật thiết với nhau. Thông qua việc quy định hình thức sở hữu về tài sản của cá nhân và theo đó pháp luật quy định cho họ các quyền năng trong lĩnh vực thừa kế. Hay nói cách khác, pháp luật về sở hữu là cơ sở cho việc ban hành các văn bản pháp luật về thừa kế.Vì vậy, pháp luật về thừa kế luôn mang một bản chất giai cấp sâu sắc, nó luôn là phương tiện để duy trì, củng cố quyền sở hữu ở những xã hội mà chính bản thân nó đang tồn tại.
Trong xã hội phong kiến hoặc trong xã hội chủ nô, những xã hội dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thì pháp luật về thừa kế là một trong những công cụ pháp lý quan trọng để duy trì sự bóc lột sức lao động người khác và củng cố địa vị xã hội của những người thừa kế. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ dựa trên nền tảng công hữu hoá tư liệu sản xuất. Thừa kế là sự kế thừa thành quả lao động của cá nhân gia đình và các giá trị văn hoá của thế hệ này đối với thế hệ khác, nên pháp luật về thừa kế, trước hết nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, thành quả lao động của họ được chuyển sang cho những người thừa kế của họ.
Mặt khác, pháp luật về thừa kế còn là một trong những phương tiện để củng cố và phát triển các quan hệ hôn nhân gia đình, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể trong lĩnh vực thừa kế, qua đó góp phần bảo đảm quyền sở hữu chính đáng mọi cá nhân trong xã hội.
Như vậy, cùng với sự hình thành và phát triển Nhà nước và pháp luật của chế độ tư hữu thì sở hữu và thừa kế đều là những phạm trù pháp luật và giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau.
3.3. Pháp luật về thừa kế tập trung chủ yếu trong Bộ luật Dân sự, một số văn bản liên quan:
Thừa kế là một chế định của pháp luật dân sự, do đó nó cũng mang những đặc điểm chung của Bộ luật Dân sự, như đều là xuất phát từ quan hệ tài sản, đều phản ánh một cách sinh động phong tục, tập quán, đạo đức của người Việt Nam, là công cụ pháp lý quan trọng bảo đảm sự bình đẳng tự nguyện và an toàn pháp lý của các chủ thể, đáp ứng nhu cầu vật chất, và tinh thần của các thành viên trong xã hội…
Do đó, đa số các quy phạm pháp luật về thừa kế được quy định chủ yếu trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, do quan hệ thừa kế cũng có mối quan hệ chặt chẽ với quan hệ về sở hữu, quan hệ hôn nhân huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ đất đai… cho nên các quy định pháp luật về thừa kế còn được quy định rải rác trong một số văn bản liên quan như Luật Đất đai, Luật đầu tư,
3.4. Pháp luật về thừa kế được quy định tương đối toàn diện và có kết cấu chặt chẽ:
Khi xây dựng PLVTK chúng ta đã học tập nhiều kinh nghiệm của cha ông và các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Đức, Nga… vì vậy, pháp luật về thừa kế ở Việt Nam tương đối toàn diện có cấu trúc chặt chẽ. Pháp luật về thừa kế được chia thành 5 nhóm.
Ngoài nhóm (1) quy định vấn đề chung về thừa kế, làm cơ sở để dẫn chiếu các nhóm quy định cụ thể. Trong mỗi nhóm cụ thể đều có các quy định chung quy định các vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc của phần đó, sau đó mới quy định các vấn đề chi tiết, các cấu trúc này thuận tiện cho việc tra cứu và áp dụng pháp luật về thừa kế.