Hiện nay có rất nhiều các tổ chức rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Vậy như thế nào là mất cân đối tài chính? Khi một tổ chức mất cân đối tài chính thì phải làm gì? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Tài chính là gì?
– Tài chính ra đời và tồn tại trong những điều kiện kinh tế xã hội, lịch sử nhất định khi mà ở đó xuất hiện hàng hóa, tiền tệ và xuất hiện Nhà nước
– Kinh tế chính trị Mac – LêNin đã chỉ rõ tài chính là một phạm trù kinh tế khách quan, thuộc phạm trù phân phối. Quá trình tái sản xuất xã hội gồm 4 khâu: Sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Tài chính thuộc khâu phân phối và các quan hệ phân phối được thực hiện dưới hình thức giá trị. Như mọi phạm trù kinh tế khách quan khác, tài chính có lịch sử phát sinh, phát triển của nó. Tài chính cũng chính là một phạm trù lịch sử.
– Tài chính là thuật ngữ thuộc phạm trù kinh tế, phản ánh quan hệ phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị được phát sinh trong quá trình hình thành, tạo lập và phân phối các quỹ tiền tệ nhằm đạt mục tiêu của các chủ thể ở mỗi điều kiện nhất định.
2. Chức năng của tài chính:
2.1. Chức năng của phân phối tài chính:
– Phân phối tài chính là sự phân chia tổng sản phẩm quốc dân theo những tỷ lệ và xu hướng nhất định cho tiết kiệm và tiêu dùng nhằm tích tụ, tập trung vốn để đầu tư phát triển kinh tế và thỏa mãn các nhu cầu chung của Nhà nước, xã hội và các cá nhân.
– Chức năng phân phối là chức năng vốn có của tài chính, thể hiện bản chất của tài chính trong đời sống kinh tế, xã hội khi phân phối giá trị của của cải xã hội. Nhờ vào chính chức năng này mà các nguồn lực đại diện cho những bộ phận của cải xã hội được đưa vào những mục đích sử dụng khác nhau, bảo đảm những nhu cầu khác nhau và những lợi ích khác nhau.
– Đối tượng của phân phối tài chính là toàn bộ của cải xã hội được biểu hiện dưới hình thức giá trị, là tổng thể các nguồn tài chính có trong xã hội.
– Chủ thể phân phối của tài chính là những người có thể tham gia trực tiếp vào quá trình phân phối các nguồn lực tài chính trong xã hội.
– Tuy nhiên các chủ thể phân phối phải thỏa mãn một trong các tiêu thức sau:
+ Có quyền lực chính trị: Đây là tiêu thức biểu hiện chủ thể phân phối là Nhà nước. Nhà nước có quyền lực chính trị chính vì thế Nhà nước có thể huy động, phân phối và sử dụng một phần các nguồn lực tài chính của chủ thể khác nhau trong xã hội để đáp ứng nhu cầu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
+ Có quyền sử dụng nguồn tài chính: là những người không có quyền sở hữu vốn tiền tệ nhưng họ được trao quyền sử dụng vốn tiền tệ. Ví dụ họ là người đi vay vốn ngân hàng để hoạt động.
+ Có quyền sở hữu các nguồn tài chính. Chủ thể ở đây là những người chủ của vốn tiền tệ. Họ có quyền sở hữu nguồn tài chính nên họ có quyền chủ động trong quá trình sử dụng nguồn tài chính để đáp ứng yêu cầu hoạt động của mình.
– Phân phối tài chính luôn gắn liền với việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định. Phân phối tài chính được biểu hiện bằng sự vận động của các nguồn tài chính từ quỹ tiền tệ này sang quỹ tiền tệ khác. Nó liên quan đến việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ khác nhau của các chủ thể trong xã hội.
– Vậy kết quả phân phối tài chính là sự hình thành và sử dụng nhất định các quỹ tiền tệ cho những mục đích khác nhau của các chủ thể trong xã hội.
2.2. Chức năng của giám đốc tài chính:
– Giám đốc tài chính là quá trình kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hoạt động tài chính nhằm phát hiện các ưu điểm để phát huy và những tồn tại cần khắc phục trong toàn bộ quá trình phân phối nguồn tài chính.
– Chức năng giám đốc tài chính cũng là chức năng vốn có của tài chính, đó là khả năng khách quan để sử dụng tài chính làm công cụ kiểm tra, giám đốc bằng đồng tiền với việc sử dụng các chức năng, phương tiện thanh toán và phương tiện cất trữ tiền tệ.
– Đối tượng của giám đốc tài chính là toàn bộ quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ, quá trình vận động của các nguồn tài chính.
– Chủ thể của giám đốc tài chính cũng là chủ thể của phấn phối tài chính. Trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của mình, các chủ sở hữu thực hiện kiểm tra, giám sát bằng đồng tiền một cách thường xuyên, liên tục. Chủ thể của giám đốc tài chính có thể là Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội, hộ gia đình.
– Giám đốc tài chính có tính thường xuyên, liên tục, toàn diện và rộng rãi, kịp thời. giám đốc tài chính mang tính chất rộng rãi vì hoạt động phân phối của tài chính diễn ra trên phạm vi rất rộng.
3. Mất cân đối tài chính là gì?
Mất cân đối tài chính là tình trạng mà một tổ chức rơi vào tình trạng gặp khó khăn về dòng tiền khi thanh toán nợ và thậm chí rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Khi xảy ra tình trạng này doanh nghiệp sẽ phải đối diện với những hậu quả rất tiêu cực như việc bị chủ nợ dừng cho vay vốn hoặc cho vay vốn với lãi suất tăng cao. Khách hàng có thể sẽ rời bỏ công ty, các nhà cung cấp sẽ đòi hỏi việc thanh toán tiền mặt ngay do lo ngại phía công ty sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm đã cam kết, giá cổ phiếu thì sụt giảm.
Do đó, việc kiểm soát tài chính của các nhà quản lý tài chính cần được thực hiện tốt, hoàn thiện nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững và tránh rơi vào tình trạng mất cân bằng tài chính.
Cá nhân cũng có thể rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính. Lý do chủ yếu ở đây là vì đại đa số cá nhân vẫn chưa được trang bị kiến thức quản lý tài chính cá nhân bài bản. Cá nhân cần quản lý tài chính một cách khoa học bằng các phương pháp chuyên môn, đa số cá nhân hiện nay thường phân bố nguồn tiền dựa vào cảm hứng. Ví dụ: Tiết kiệm tiền để mua nhà nhưng hôm sau lại rút tiền để mua điện thoại mới.
Chính vì thế dù là tổ chức hay cá nhân thì cũng cần phải đảm bảo sự cân bằng trong quản lý vốn, quản lý chi tiêu. Tránh tình trạng mất cân đối tài chính.
4. Nguyên nhân gì dẫn đến một tổ chức mất cân đối tài chính:
– Thứ nhất: Đầu tư không tuân thủ nguyên tắc dẫn tới mất cân đối vốn:
+ Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối tài chính xuất phát từ những quyết định đầu tư trong quá khứ đã không tuân thủ nguyên tắc cân đối kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vay vốn.
+ Các tổ chức tăng trưởng quá nóng vội dẫn đến việc vay nợ để thực hiện dàn trải các dự án đầu tư.
+ Đối với nhiều tổ chức, lúc mang một vài dự án kinh doanh thua lỗ, vay nợ lớn và không có nguồn trả nợ sẽ dẫn tới tổ chức đó rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.
+ Hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp sở hữu các nhà quản lý tài chính nhiều năm kinh nghiệm nhưng họ lại bị giới hạn ở nhiều mảng như kế toán, thuế và các quyết định đầu tư là do ban quản lý lãnh đạo biểu quyết. Do đó ý kiến của các nhà quản lý chưa được lắng nghe.
– Thứ hai: Những tác động từ bên ngoài:
+ Sự mất cân bằng về tài chính cũng bị tác động từ những cú sốc bên ngoài kéo dài một cách dai dẳng.
+ Nó là tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau như việc sụt giảm đột ngột của như cầu thị trường đầu ra. Cũng có thể do sự dư thừa công suất hoặc sự thay đổi công nghệ dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường giảm mạnh.
+ Những cú sốc mạnh bên ngoài với những yếu kém nội tại bên trong là yếu tố lâu dài tích tụ lại và lúc phối hợp lại sẽ dẫn đến hậu quả là mất cân bằng tài chính.
5. Tổ chức cần làm gì khi mất cân đối tài chính?
– Khi đã rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính thì tổ chức cần tái cấu trúc toàn diện, trong đó mảng tài chính sẽ cần được thay đổi để giúp tổ chức tái lập lại tình trạng thăng bằng tài chính. Tái cấu trúc tài chính là khởi động vô cùng quan trọng giúp tổ chức từng bước thăng bằng lại tài chính và đưa ra những liệu pháp phù hợp. Tổ chức có thể thoái vốn khỏi những khoản đầu tư kém hiệu quả hoặc các khoản đầu tư không trọng yếu để trả bớt nợ.
– Một biện pháp khác để tổ chức có thể làm khi mất cân đối tài chính đó là những cổ đông góp thêm vốn phối hợp với việc những chủ nợ sẽ cho phép tái cơ cấu nợ.
– Trong trường hợp thị trường đầu ra được phục hồi mạnh mẽ cũng giúp doanh nghiệp có thể tái cơ cấu nợ một cách tích cực hơn.