Trong xử phạt vi phạm vi phạm hành chính, hiểu rõ nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt là điều cần thiết. Đây là yếu tố đầu tiên quyết định cho việc xử phạt đúng pháp luật.
1. Xác định thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền quản lí.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 31 đến Điều 40 của pháp lệnh có thẩm quyền xử lí vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực ngành mình quản lí. Việc quy định nhiều chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể dẫn đến trường hợp trong một vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều chủ thể. Trường hợp này thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được pháp luật xác định thuộc về người thụ lí đầu tiên. Vấn đề này bổ sung và tạo điều kiện để hiểu rõ hơn về khía cạnh thẩm quyền xử phạt khi áp dụng nguyên tắc xử lí vi phạm hành chính được quy đinh tại khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002; “ Một vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần” tránh trường hợp nhiều người cùng xử phạt một vi phạm hành chính.
2. Xác định thẩm quyền xử phạt theo mức tối đa của khung phạt tiền.
Trong việc xử phạt hành chính, mức phạt tiền thể hiện sự đánh giá của Nhà nước đối với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi ( mặc dù không cao ) qua đó thể hiện sự nghiêm khắc và tính giáo dục ý thức pháp luật đối với người vi phạm và đối với xã hội nói chung. Việc quy định khung phạt tiền đối với vi phạm hành chính là không thể thiếu và việc xác định mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt là một trong những tiêu chí xác định thẩm quyền xử phạt là hoàn toàn chính xác.
Khoản 2 Điều 42 Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002 quy định: ‘ Thẩm quyền xử phạt của những người từ Điều 28 đến Điều 40 pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung phạt tiền quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể”. Với cách quy định của Điều 42 Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002, mọi người đều dể dàng hiểu rằng khi áp dụng hình thức phạt tiền, để xác định thẩm quyền, người xử phạt phải quan tâm xem hành vi vi phạm hành chính đó có thuộc thẩm quyền xử phạt của mình hay không mà không phải để ý đến tổng số tiền phạt chung của nhiều hành vi vi phạm.
Ví dụ: Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 15/2003/NĐ – CP xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, quy định : Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a. Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông của người kiểm soát giao thông:
b. Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
c. Không báo hiệu trước khi vượt; chuyển hướng đột ngột ngay trước đầu xe người khác…
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nếu trong thực tế các hành vi vi phạm đã xảy ra và người ra quyết định xử phạt là chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ ( Điều 28 Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính) thì người chiến sĩ công an đó đã xử phạt vượt quá thẩm quyền của mình tức là đã vi phạm luật mặc dù có thể mức phạt tiền trên thực tế được áp dụng cho các trường hợp nêu trên đều không quá 100.000 đồng. Theo pháp luật hiện hành, nếu vi phạm hành chính có khung phạt tiền kéo dài qua ranh giới thẩm quyền của hai cấp xử phạt thì thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm đó sẽ thuộc thẩm quyền của cấp xử phạt cao hơn mà khoản 2 Điều 57 Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002 quy định: “ …Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đó được quy định đối với hành vi đó…” Như vậy, trong trường hợp khung phạt tiền kéo dài qua danh giới thẩm quyền của hai cấp xử phạt thì mức trung bình của khung phạt tiền nên quy định ở mức không còn thuộc về thẩm quyền của cấp dưới nữa. Quy định như vậy sẽ hợp lí hơn, phân định rõ ràng hơn về thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi có khung phạt tiền kéo dài qua danh giới của hai cấp xử phạt, tránh được những sai lầm không đáng có.
3. Xác định thẩm quyền xử phạt theo hình thức xử phạt
Ngoài hình thức, mức phạt được quy định với từng hành vi thì việc xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi còn phụ thuộc vào thẩm quyền quản lí, cụ thể là: “ Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau thì quyền xử phạt thuộc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm” ( điểm c khoản 3 Điều 42). Quy định này của pháp lệnh là hợp lí. Ủy ban nhân dân là cơ quan quản lí có thẩm quyền chung, quản lí tất cả các lĩnh vực trong địa phương mình, do đó việc xác định chủ tịch ủy ban nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp một người thực hiện nhiều vi phạm thuộc lĩnh vực quản lí khác nhau là tạo điều kiện để việc xử lí vi phạm hành chính được nhanh chóng, kịp thời và chính xác.
Trong xử phạt vi phạm vi phạm hành chính, hiểu rõ nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt là điều cần thiết. Đây là yếu tố đầu tiên quyết định cho việc xử phạt đúng pháp luật. Việc xác định thẩm quyền xử phạt phải được đồng thời xác định theo ba tiêu chí đã nêu trên đã phân tích.