Chiếc thuyền ngoài xa của tác giả Nguyễn Minh Châu là tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bài viết sau sẽ phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm, mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm:
Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm rất tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu. Tác phẩm thể hiện tài năng và bản lĩnh nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong thời kì đổi mới: hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người trong cuộc sống đời thường. Đoạn kết tác phẩm đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc đặc biệt là chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm.
Tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm là chi tiết khép lại truyện ngắn và là một trong những chi tiết đắt giá nhất thể hiện được quan niệm về cuộc sống và nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Bức ảnh nghệ thuật được nhiếp ảnh gia Phùng chụp ở bãi biển đã trở nên nổi tiếng, trở thành tác phẩm nghệ thuật lí tưởng. Đó là bức ảnh hoàn mĩ, là kết tinh của vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên, tài năng và sự may mắn của người nghệ sĩ. Bức ảnh có sự kết hợp giữa con người và cảnh vật, bức ảnh đó từng mang đến hạnh phúc cho Phùng và còn đủ sức thuyết phục dành cho những người sành nghệ thuật. Qua một thời gian, khi nhìn vào bức ảnh, Phùng đầy những trăn trở, suy tư bởi anh là người hiểu hơn ai hết sự thật tàn khốc đằng sau một khung cảnh hoàn hảo. Sau một bức ảnh nghệ thuật là những góc khuất tối tăm của cuộc đời, đó là hiện thực trần trụi với cuộc sống lam lũ mà trung tâm là hình ảnh người đàn bà xấu xí, thô kệch đang bước những bước chậm rãi, bàn chân đặt trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.
Qua tình huống truyện đặc sắc, tác giả Nguyễn Minh Châu đã thể hiện được những quan niệm sâu sắc về cuộc đời và nghệ thuật, giữa người nghệ sĩ với con người. Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật chân chính nếu như phản chiếu được hiện thực cuộc sống của con người. Người nghệ sĩ cần là người dám nhìn sâu, nhìn thẳng vào hiện thực bằng cái nhìn trải nghiệm, đồng cảm với cuộc sống của con người. Trách nhiệm của người nghệ sĩ không chỉ là sáng tạo nên cái đẹp mà còn cần kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật không phải những gì quá cao siêu, trừu tượng mà đó chính là những số phận, những cuộc đời cụ thể, người nghệ sĩ cần cúi xuống thật gần những số phận để lắng nghe, thấu hiểu, khi đó nghệ thuật sẽ trở thành nghệ thuật giá trị nhất.
Chỉ với một chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm, nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ khép lại, đặt dấu chấm cho một câu chuyện mà còn tổng kết được những giá trị tư tưởng, gợi mở ra những suy tư, chiêm nghiệm ở cảm nhận của người đọc
2. Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm hay nhất:
Sau khi rời vùng biển với khá nhiều ảnh, người nghệ sĩ đã có một tấm được chọn vào bộ lịch năm ấy. Mỗi lần đứng trước tấm ảnh được chọn trong bộ lịch, người nghệ sĩ đều thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy hình ảnh người đàn bà nghèo khổ, lam lũ ấy bước ra từ bức tranh.
Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp đó vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ sẽ vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh. Đây là một người đàn bà vùng biển cao lớn với tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông… Chất thơ, vẽ đẹp lãng mạn của cuộc đời, cũng là biểu tượng của nghệ thuật hiện hình trên nền giấy lung linh ánh sáng. Nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà với dáng vẻ thô kệch xấu xí, gương mặt tái nhợt và mệt mỏi dường như buồn ngủ đang bước ra khỏi tấm ảnh”… rồi hòa vào dòng người. Đây chính là hiện thân của những lam lũ, là sự thật cuộc đời khốn khó.
Bức ảnh được chọn trong bộ lịch thể hiện nghệ thuật chân chính. Nghệ thuật chân chính là không thể tách rời cuộc sống, nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời.
3. Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm ý nghĩa:
Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu viết về chuyến đi của một nghệ sĩ nhiếp ảnh để tìm tới những vẻ đẹp chân thực của nghệ thuật. Đoạn cuối trong tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc những giá trị bài học sâu sắc.
Sau khoảnh khắc bắt gặp được hình ảnh chiếc thuyền đang tiến vào bờ, được tôn vinh vẻ đẹp nên nhờ một bầu không gian rộng mở của biển cả và ánh sáng ban mai của nắng mặt trời. “Mũi thuyền in một nét mơ hồ, lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”. Cảnh sắc huyền ảo, tinh khôi được điểm tô cả những hoạt động, nét sống của con người với “vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum”. Khi kết thúc chuyến đi, cùng một câu chuyện đời được kể bởi người đàn bà làng chài, tác giả đã bổ sung vào bộ lịch năm ấy bằng hình ảnh của chiếc thuyền ngoài xa. Tấm ảnh này “được treo nhiều nơi nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”. Nhưng Phùng vẫn có những chút băn khoăn, gợn lòng vì thực tế những gì anh đã chứng kiến trong chuyến đi công tác đã khiến anh có phần hụt hẫng. “Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.”
Nhân vật Phùng vẫn dành biết bao thời gian, tâm tưởng suy nghĩ về người đàn bà hàng chài với “tấm lưng áo bạc có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm”. Anh luôn tưởng sau khi đất nước thống nhất, tự do, nhân dân đã có được cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn… nhưng ở nơi đây, một cuộc sống kham khổ, lam lũ, bữa đói bữa no cùng những trần đòn roi của người chồng vũ phu vẫn đang tiếp diễn mỗi ngay trên bờ biển. Gạt bỏ lại tất cả nỗi đau khổ, túng nghèo, có những lúc họ vẫn chấp nhận, mỉm cười với hạnh phúc ấy, vì họ tin rằng đó là nơi họ có thể tìm được một chỗ dựa khi mỏi mệt. Qua đoạn kết, tác giả muốn cởi bỏ một lớp vỏ về những sự thật của cuộc sống. Không phải là cảnh đẹp lúc ban mai làm ngây ngất lòng người mà phía sau đó còn là những mảnh đời “ đen trắng”. Dù không hoàn toàn xám xịt, đen tối nhưng vẫn gây sự ám ảnh, không thể thoát khỏi những băn khoăn, lo nghĩ. Tấm ảnh vẫn ở đó, ngay ngắn trên vách tường nhưng Phùng vẫn nhìn thấy người đàn bà ấy ra khỏi tấm ảnh với “bước chân chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất, hòa lẫn trong đám đông…”. Mặc dù cuộc sống cá nhân họ thế nào thì khi ra ngoài xã hội, người đàn bà ấy vẫn rất bản lĩnh, tự tin hòa nhập và tiếp tục hành trình cuộc sống của mình. Một cuộc đời thầm lặng, vô danh của người đàn bà hàng chài đã vô tình giúp cho tác giả cùng những đọc phải suy ngẫm, soi xét lại bản thân những tính cách và phẩm chất cần có của con người.
Nguyễn Minh Châu đã để lại một dấu ấn vào trong lòng người đọc bằng những hình ảnh thật đẹp và những triết lý của cuộc sống. Cuộc sống không chỉ toàn là một màu hồng, sống trong đời cần phải biết mở rộng tầm mắt ra muôn nơi, ngừng than phiền về cuộc sống và phải biết cố gắng, phấn đấu và trở thành những con người tốt đẹp hơn.