Đọc Mưa xuân II của Nguyễn Bính, ta có lẽ không thể quên cái nhựa sống mãnh liệt, cái mưa xuân phảng phất len lỏi trong từng cảnh vật con người. Con người luôn trân quý thiên nhiên, cũng như thiên nhiên luôn mang đến những điều kì diệu cho cuộc sống.
Mục lục bài viết
1. Giới thiệu tác giả và tác phẩm:
1.1. Tác giả:
Nhà thơ Nguyễn Bính (1918 – 1966), quê ở làng Thiện Vịnh, xã Đồng Động (nay thuộc xã Công Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1943, Nguyễn Bính vào Nam Bộ rồi ở lại tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia công tác văn nghệ và báo chí ở Hà Nội, Nam Định. Thơ của Nguyễn Bính mang đậm phong vị dân gian, đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương đất nước và tình người đằm thắm, thiết tha. Ông là một người thông minh, nhạy cảm với thời đại đầy biến động, luôn muốn bảo tồn và duy trì những giá trị truyền thống của dân tộc.
Nhà thơ có hồn thơ đậm chất quê hương, ông nhạy cảm với thời đại đầy biến động, đặc biệt là sự xáo trộn của văn chương, thể hiện sâu sắc nỗi day dứt không yên của tâm hồn thiết tha với những giá trị cổ truyền đang có nguy cơ bị mai một. Vì thế, tác giả đã đào sâu, tích hợp và phát huy một cách xuất sắc những truyền thống dân gian trong sáng tạo Thơ mới. Thơ ông mang đậm chất quê, hồn quê trong cả nội dung và hình thức, là sự hòa quyện giữa giọng điệu quê, lối nói quê, lời quê. Gắn bó, thấu hiểu con người thôn quê Việt Nam, dù viết về hình ảnh, cảnh sắc, con người nào thì tất cả đều thắm đượm một tình quê, duyên quê, hồn quê….
Một số tác phẩm tiêu biểu của tác giả:
– Trước Cách mạng tháng 8: Tâm hồn tôi (1937), Lỡ bước sang ngang (1940), Hương cố nhân (1941), Mười hai bến nước (1942), Cây đàn tỳ bà (truyện thơ – 1944).
– Sau Cách mạng tháng 8: Ông lão mài gươm (1947), Gửi người vợ miền Nam (1955), Tiếng trống đêm xuân (truyện thơ – 1958), Cô Son (chèo – 1961), Đêm sao sáng (1962), Người lái đò sông Vị (chèo – 1962)…
1.2. Tác phẩm:
Mùa xuân II xuất bản năm 1958, in trong Nguyễn Bính toàn tập – NXB Hội Nhà văn 2017, có phương thức biểu đạt là biểu cảm
Bố cục bài gồm 2 phần:
+ Phần 1: Vẻ đẹp của thiên nhiên khi mùa xuân đến.
+ Phần 2: Tâm trạng và hành động của con người khi mùa xuân đến.
Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, đất trời trong một chiều mưa xuân. Tác giả miêu tả sự sống bừng tỉnh, sinh sôi nảy nở của muôn loài qua một buổi mưa xuân. Hình ảnh thơ sinh động, mộc mạc, gần gũi, sử dụng lối nói gián tiếp, sử dụng nhiều hình ảnh nhân hóa, lối nói ví von.
2. Soạn bài Mưa Xuân 2:
Câu 1: Em cảm nhận như thế nào về hình ảnh thiên nhiên được miêu tả qua bài thơ?
Thiên nhiên miêu tả rất sinh động: Cơn mưa xuân đã mang đến sự sống mới cho muôn loài cỏ cây, hoa lá, loài vật.
Thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sức sống:
– Cây cam, cây quýt cành giao nối; tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần; bươm bướm bay không ướt cánh; cỏ dại nở hoa xanh; trâu kềnh bụng; cò bay là mặt ruộng…
– Con người: Người đi trẩy hội đầu phơi trần như để tận hưởng cơn mưa xuân.
Câu 2: Tác giả thể hiện cảm xúc gì trong bài thơ?
Tác giả rung động trước sự thay đổi của thiên nhiên sau cơn mưa xuân. Ông đã mượn lời thơ để miêu tả lại sự sinh sổi nảy nở của muôn loài, cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến trước khung cảnh thiên nhiên trong cơn mưa xuân.
Câu 3: Cách cảm nhận của tác giả về thiên nhiên gợi cho em suy nghĩ gì về mối giữa con người với tự nhiên?
Cách cảm nhận của tác giả về thiên nhiên gợi cho em suy nghĩ giữa con người với tự nhiên có sự hòa quyện lẫn nhau. Cảnh sắc thiên nhiên tươi mới, tràn đầy sức sống cũng khiến cho con người có tâm hồn phấn chấn hơn. Con người sống giữa thiên nhiên, quấn quýt và tác động qua lại lẫn nhau như những người bạn thân thiết suốt một cuộc đời.
3. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Mưa xuân 2:
3.1. Vẻ đẹp của thiên nhiên khi mùa xuân đến:
– Thời gian: buổi chiều ấm áp
– Cảnh vật:
+ gió thoảng đưa, mưa bụi rắc thưa thưa
+ tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần, lơ lửng mù sương phảng phất mưa
=> Thể hiện sự tươi mới sống động, vừa hào hứng e lệ trước cảnh sắc mùa xuân. Bầu trời như phủ một sắc trắng mờ ảo của những hạt mưa xuân, chúng đậu trên từng cành cây kẽ lá.
– Thiên nhiên:
+ cây cam quýt cành giao nối, lá đón mưa
+ Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh, bãi lạnh bờ dâu sẫm lá tơ
= > Cây cối trong vườn cũng đua nhau đâm chồi nảy lộc, khoe sắc hưởng ứng mùa xuân.
– Sử dụng từ láy “tà tà”, “thưa thưa”
= > Nhấn mạnh sự e lệ của thiên nhiên, thiên nhiên như khoác trên mình một chiếc áo mới, đất trời thì như đang có sự chuyển biến thêm nhiều sức sống hơn, như đang báo hiệu mùa xuân thực sự đến rồi.
3.2. Tâm trạng và hành động của con người khi mùa xuân đến:
– Xa xa là những đàn cò trắng đang xếp hàng bay đi, những đoàn xe lửa thì nối đuôi nhau chở khách.
+ Xe lửa về Nam chạy chạy mau, một toán cò bay thành hàng chữ nhất
=> Tất cả đã tạo nên một bức tranh mùa xuân nhộn nhịp và tràn đầy sức sống.
– Con người cũng hòa vào không khí mùa xuân khi xúng xính váy áo đi trẩy hội. Mỗi dịp xuân đến là đâu đâu cũng tưng bừng mở lễ hội, tiếng trống đánh vang lên khắp các đường làng.
+ Người đi trẩy hội tóc phơi trần.
+ Vang tiếng trống hội đình
= > Từ hành động của con người ta thấy được tâm trạng: háo hức, hào hứng và vui mừng khi chuẩn bị đón mùa xuân của con người nơi đây.
= > Kết luận:
– Tác giả đã cảm nhận mùa xuân ở tất cả mọi khía cạnh tinh tế, nhạy cảm của mình để cảm nhận mùa xuân đến một cách trọn vẹn nhất. Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính lúc nào cũng tràn ngập màu sắc, ngập tràn niềm vui và sự rộn ràng. Tất cả đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hòa hợp với đất trời, báo hiệu một năm đầy khởi sắc.
4. Cảm nhận về bài thơ Mưa xuân 2:
Mùa xuân là mùa những cành mai, cành đào khoe sắc, những cành mai chớm nở. Tác giả Nguyễn Bính đã đem đến một mùa xuân tươi mới, căng tràn nhựa sống như thế qua tác phẩm “Mưa xuân II”. Bài thơ là những cảm xúc, những cái giản dị mà tác giả đã cảm nhận được khi mùa xuân đến.
Mưa xuân phảng phất, mưa lớt phớt bay, mưa len lỏi vào từng cành cây kẽ lá, như đang thức tỉnh từng loài cây thức dậy sau những ngày mùa đông giá rét. Những từ láy “tà tà” “thưa thưa”, “phau phau” như cho thấy cảnh vật đang cùng hòa mùa vào mùa xuân, cùng hưởng trọn cái sự mát mẻ, cái nhựa sống mà mùa xuân mang đến. Vần liền “đưa” “thưa” diễn tả mưa xuân đang bay trong gió, mang hương thơm, mang nhựa sống của cảnh vật đi khắp nơi. Tác giả hỏi “Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân?”, mưa xuân có ít, có lớt phớt bay không rõ ràng, nhưng cái mát lành, dễ chịu mà nó mang lại thì vẫn luôn len lỏi trong không khí. Những hình ảnh tơ nhện, buơm bướm, những người đi trẩy hội như không biết mưa xuân đang đến. Nhưng những âm thanh về tiếng trống hội đình thì chỉ khi xuân đến mới xuất hiện. Thiên nhiên thay đổi, từ cằn cỗi ở mùa đông thì nay khi mưa xuân đến những cây cam cũng bắt đầu trổ mầm, cỏ cũng nở hoa xanh. Thiên nhiên thay đổi, con người cũng thay đổi theo. Thiên nhiên thay đổi con người cũng bừng sức sống. Con người gắn bó với thiên nhiên, cùng cảm nhận những chuyển giao, những ban tặng tốt lành mà mùa xuân mang đến. Tác giả đặt từng cảm xúc, lưu luyến, chìm đắm trong từng hạt mưa xuân. Đó là sự chân quý đặt trong từng lời văn. Nguyễn Bính từng thì thầm về tác phẩm của mình rằng “Tôi yêu và trân quý lắm những gì mà thiên nhiên đem lại cho con người, nó len lỏi, nó hiện hữu trong cả cuộc sống của tôi”.
Mưa xuân là những hạt mưa nhỏ li ti trắng xóa mang đến cảm giác thật mát lành. Nó không ồ ạt như mưa mùa hè, mà nhẹ nhàng phảng phất bay trên bầu trời. Hình ảnh những cây cam, những đàn bươm bướm, những người đi trẩy hội đang được hòa mình vào mùa xuân, được hưởng trọn cái không khí mùa xuân mang lại. Mưa xuân đến là lúc những cành cam trổ mầm, là những bờ cỏ dại nở hoa xanh, là những bụi sương mù phảng phất bay trong gió sớm. Tất cả đã đem lại một không khí mùa xuân bừng sức sống, dồi dào mà cũng thật căng tràn nhiệt huyết.Cụm từ nhân hóa “ngửa lòng bàn tay” như thấy rằng tất cả cảnh vật cũng đang chìm đắm, đang tận hưởng sự dễ chịu mà mùa xuân mang đến. Những âm thanh của trống hội đình, tiếng xe lửa, tiếng đàn cò bay như là âm thanh sống động mà chỉ mùa xuân mới có vậy. Nguyễn Bính đã miêu tả mùa xuân với mưa xuân len lỏi qua từng ngõ ngách, sau đó là mang đến âm thanh những hình ảnh sống động đẹp đẽ. Ôi cái khung cảnh mùa xuân thật khiến lòng người mê đắm.
Qua bài thơ “Mưa xuân II” của Nguyễn Bính, ta như được chìm đắm vào thế giới mùa xuân với rực rỡ âm thanh và hình ảnh căng tràn sức sống. Cái nhẹ nhàng, cái phảng phất, cái bừng nở làm thức tỉnh cảnh vật, tất cả đã tạo nên một bài thơ rất đẹp về mùa xuân.