Trong khổ thơ thứ 5, 6 của bài thơ, với hình ảnh của những chiếc xe không có kính, Phạm Tiến Duật tiếp tục khắc hoạ thêm về sự tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh, qua đó càng tô đẹp thêm vẻ đẹp của những người lính lái xe. Dưới đây là bài văn mẫu phân tích khổ thơ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính siêu hay.
Mục lục bài viết
- 1 1. Dàn ý phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
- 2 2. Dàn ý phân tích khổ thơ thứ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
- 3 3. Đoạn văn phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
- 4 4. Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn:
- 5 5. Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất:
1. Dàn ý phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về tác giả Phạm Tiến Duật
– Giới thiệu Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
– Giới thiệu khái quát nội dung khổ thơ 5, 6 trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Thân bài
a, Sau chặng đường gian khổ trải đầy mưa bom bão đạn người lính lái xe vẫn có khoảng thời gian yên bình:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.”
+ Câu thơ “Những chiếc xe từ trong bom rơi” đã gợi ra cho người đọc sự gan góc của những chiếc xe khi phải vượt qua muôn vàn thử thách. Vượt qua chặng đường có “bom rơi” những chiếc xe lại trở về với nhau họp thành “tiểu đội”.
+ Trong suốt đoạn đường vào Nam, dù chỉ có vài giây phút ngắn ngủi gặp nhau nhưng cũng đều trở thành bạn bè “Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới”.
+ Một cử chỉ hành động bắt tay thân thiết qua giây phút ngắn ngủi gặp nhau đó trở nên thật thú vị “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”.
b, Hình ảnh người lính trên đường ra trận có cùng chung điểm tựa, chung tâm hồn và chung sinh hoạt.
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm.”
– Hình ảnh “Bếp Hoàng Cầm” vô cùng thân quen, đó là tín hiệu báo hiệu sự đoàn tụ, sum vầy sau quãng đường hành quân đầy gian lao vất vả.
– Tất cả đều trở thành một gia đình ấm áp, toát nên vẻ của tình yêu, tình đời cùng nhau gắn keo sơn, chứa chan tình yêu thương.
Kết bài
– Khẳng định giá trị bài thơ.
– Nêu cảm nghĩ của bản thân.
2. Dàn ý phân tích khổ thơ thứ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
Mở bài
– Giới thiệu tác giả và Bài thơ về tiểu đội xe không kính
– Giới thiệu khổ thơ 5, 6.
Thân bài
a, Hình ảnh của những chiếc xe không kính
– Những chiếc xe đi từ trong chặng đường có bom rơi, bị bom đạn tàn phá dẫn đến biến dạng.
=> Hiện thực vô cùng khốc liệt, dữ hội của chiến tranh.
– Những chiếc xe họp thành cùng “tiểu đội”, cùng thực hiện nhiệm vụ chi viện cho miền Nam về vũ khí, quân lương.
=> Sử dụng nghệ thuật nhân hóa góp phần làm cho những chiếc xe trở nên có sự sống và có tình cảm như người chiến sĩ.
b, Tình đồng chí và đồng đội
– Gặp nhau và trở thành bè bạn trên chặng suốt “dọc đường đi tới”.
– Cái bắt tay thắm thiết chứa đựng đầy ý nghĩa qua “cửa kính vỡ”. Đó không chỉ là lời san s cho nhau vượt qua những khó khăn thử thách mà còn là lời động viên tiếp thêm sức mạnh để vượt qua chặng đường gian lao ở phía trước.
– Cùng sẻ chia sẻ những điều ngọt bùi có cuộc sống:
+ Sum vầy bên bếp Hoàng Cầm thân thuộc.
+ Cùng chung bát đĩa, tình cảm thân thiết như một gia đình.
=> Kết nối những tâm hồn người lính càng thêm gắn bó với nhau
c, Niềm tin mạnh mẽ quyết tâm chiến đấu
– Cụm từ “lại đi” được lặp đi lặp lại đến hai lần thể hiện được niềm tin quyết tâm cùng với lí tưởng vô cùng cao đẹp.
– Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” thể hiện cho sự hòa bình trong tương lai của cả dân tộc.
=> Những người lính mang trong mình một lí tưởng chung vô cùng cao đẹp là giải phóng miền Nam ruột thịt thống nhất nước nhà.
Kết bài
– Khẳng định lại giá trị của 2 khổ thơ 5,6
3. Đoạn văn phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một bản hùng ca về những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khốc liệt. Trong khổ thơ thứ 5 và 6 của bài thơ, với hình ảnh của những chiếc xe không có kính, Phạm Tiến Duật tiếp tục khắc họa thêm về sự tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh, qua đó càng tô đẹp thêm vẻ đẹp của những người lính lái xe. “Những chiếc xe từ trong bom rơi” là hình ảnh gợi cho ta cảm nhận được một không khí dữ dội và tàn khốc của chiến tranh, những chiếc xe bị biến dạng, méo mó, thậm chí là bị hủy hoại bởi bom đạn của kẻ thù. Dù trải qua sự tàn phá của bom đạn, của “bom giật, bom rung”, thế nhưng những chiếc xe ấy vẫn anh dũng, kiên cường tiến về phía trước, tiến về miền Nam. Những người lính chiến đấu, họ đến từ những vùng miền khác nhau và họ không quen biết nhau, nhưng họ lại có chung một tình yêu nước, một lòng đi đến độc lập tự do. Những người lính họ gặp nhau trên “suốt dọc đường đi tới” do đó mà họ đã coi nhau như người thân và bạn bè. Hình ảnh của những cái bắt tay nhau qua “cửa kính vỡ” chứa đựng thật nhiều ý nghĩa, nó vừa là cái bắt tay của niềm vui, hạnh phúc khi đồng đội gặp gỡ nhau, vừa là những lời động viên, khích lệ, san sẻ những khó khăn, thử thách, tiếp thêm sức mạnh cho nhau để cùng nhau bước tiếp và vượt qua những chặng đường gian khó và đầy cam go phía trước. Nếu như những người lính có dịp gặp nhau nhờ những cái bắt tay trong khổ thơ thứ 5 thì khi sang đến khổ thơ thứ 6 tình đồng chí đồng đội ấy lại càng trở nên khăng khít và bền chặt hơn khi họ có những giây phút nghỉ ngơi bên nhau. Ở giữa trời bếp Hoàng Cầm được dựng lên vừa để làm chín thức ăn vừa là sự kết nối của những tấm lòng lại với nhau, làm cho tình đồng chí đồng đội càng trở nên thắm thiết và bền chặt. Sau những chặng đường vất vả và đầy cam go của chiến tranh những người lính lái xe mới có dịp hội ngộ, họ cùng nhau chia sẻ những bữa cơm thiếu thốn, dùng chung bát đĩa nhưng ấm tình đồng chí đồng đội. Tình yêu nước và lòng căm thù giặc là động lực to lớn để những người lính lái xe tiến về miền Nam bất chấp những nguy hiểm của bom đạn thì tính đồng chí, đồng đội chính là nguồn sức mạnh to lớn, cũng như ý chí kiên cường để giúp họ thêm mạnh mẽ xông pha chiến trường. Sau khi họ được gặp mặt là một bữa cơm thân mật với những giây phút nghỉ ngơi chóng vánh và sau đó họ lại tiếp tục lên đường tiến về miền Nam. “Lại đi, lại đi trời xanh thêm” câu thơ này gợi cho ta thấy được một hành trình liên tục của những chiếc xe cũng như một sự quyết tâm rất lớn của những người lính lái xe luôn kiên cường tiến về miền Nam. “Trời xanh” là hình ảnh vừa biểu tượng cho sự sống và hòa bình vừa mang ý nghĩa của niềm hy vọng về một chiến thắng và một tương lai tươi sáng phía trước. Với sự quyết tâm và kiên cường mạnh mẽ của mình, những đồng chí chiến sĩ tiến về miền Nam để mang tự do, hòa bình về cho dân tộc. Bằng giọng thơ độc đáo trẻ trung và có sự linh hoạt trong cách biến hóa, Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật lên hình ảnh của những người lính lái xe luôn tràn ngập niềm tin và hi vọng về tương lai tươi sáng cũng như làm hiện lên sự tàn khốc của chiến tranh.
4. Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn:
Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ nổi bật và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ Ông mang giọng điệu hồn nhiên tinh nghịch và trẻ trung. Bài thơ về Tiểu đội xe không kính là một trong số đó, bài thơ được in trong tập “Vầng trăng quầng lửa”. Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã cho người đọc thấy được sự tàn khốc của chiến tranh cũng như thấy được hình ảnh của những người lính lái xe Trường Sơn với sự kiên cường bất khuất và tinh thần lạc quan về một tương lai tươi sáng.
Dù vẫn còn đó những khó khăn và những sự khốc liệt của chiến tranh trên con đường tiến về miền Nam, nhưng các anh vẫn mạnh mẽ, vui vẻ, hiên ngang, lạc quan và hồn nhiên yêu đời:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.”
Hôm nay các anh có thể gặp lại đồng đội sau những tháng ngày lái xe gian khổ giữa rừng mưa bom đạn, chịu nhiều cực khổ trên con đường Trường Sơn. Những cái bắt tay đầy ắp tình đồng chí, đồng đội. Những cái bắt tay vội vàng ấy như tiếp thêm động lực và sức mạnh để các anh luôn tiến về phía trước dù cho có gặp phải nhiều khó khăn, thử thách. Các anh là những con người kiên cường, anh dũng và bất quất. Ở giữa rừng, họ cùng nhau dựng bếp nấu bữa cơm ấm tình đồng chí, đồng đội:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm.”
Họ vẫn lạc quan và vui vẻ giữa sự gian khổ và khốc liệt của chiến tranh. Họ xem nhau là gia đình, là anh em ruột thịt, là bạn bè và cùng dùng chung bát đĩa, cùng chia sẻ bữa cơm thiếu thốn với nhau. Biện pháp tu từ ẩn dụ “xanh thêm” kết hợp với phép điệp từ “lại đi” giống như một lời động viên khích lệ và cổ vũ cho các anh luôn mạnh mẽ kiên cường để tiến về phía trước, và nó cũng giống như màu xanh của hi vọng, của hòa bình, của độc lập tự do. Trong 2 câu thơ cuối Phạm Tiến Duật đã thể hiện một niềm hi vọng đến cháy bỏng của các chiến sĩ lái xe luôn lạc quan vui vẻ và anh dũng trên tuyến đường trở về miền Nam:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
“Trái tim” là hình ảnh hoán dụ chưa đầy ắp tình yêu thương. Mỗi trái tim nhỏ của từng chiến sĩ sẽ tạo thành một trái tim lớn luôn hướng về miền Nam về những trái tim ấy luôn chất chứa nỗi căm hờn đối với kẻ thù. Bởi chiến tranh đã làm cho nhân dân ta phải lâm vào cảnh khó khăn gian khổ, mất đi người thân. Bằng cách dùng từ độc đáo và ngòi bút tinh tế nhà thơ đã góp phần truyền tải những cảm xúc đến lòng người đọc.
Bằng ngòi bút tinh tế sâu sắc kết hợp với những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ và điệp ngữ, Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật lên những hình ảnh của người lính lái xe kiên cường, anh dũng, lạc quan trên tuyến đường Trường Sơn tiến về miền Nam. Bài thơ cũng tái hiện về sự tàn khốc của cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt và những con người dũng cảm, kiến cường đã làm nên lịch sử dân tộc.
5. Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất:
Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Năm 1969 ông sáng tác “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” và được trao tặng giải Nhất trong cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ. Trong bài thơ điển hình là khổ thơ thứ năm và thứ sáu không chỉ thể hiện một hiện thực vô cùng khốc liệt của cuộc chiến tranh mà còn làm nổi bật hình tượng người lính với phẩm chất, lí tưởng cao đẹp.
Sau những chặng đường gian lao thử thách với mưa bom bão đạn đầy mưa tuôn gió bụi, những người lính vẫn có những phút giây yên bình:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.”
Hình ảnh gan góc của “Những chiếc xe từ trong bom rơi” đã vượt qua thử thách những chặng đường “bom giật, bom rung” rồi những chiếc xe ấy lại cùng nhau quây quần họp thành một “tiểu đội”. Mười hai chiếc xe của tiểu đội xe không kính cứ vậy kể sao cho hết tiểu đội trên đường ra chiến trường khốc liệt? Trong suốt dọc đường vào đất miền Nam ruột thịt, dù chỉ gặp nhau trong những giây phút ngắn ngủi nhưng những người lính lái xe đều là bạn bè ở trong suốt dọc đường phía trước “Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới”. Đồng thời con đường đi tới phía trước chính là một con đường của chính nghĩa càng đi lại càng gặp được nhiều bè bạn đáng quý.
Không những vậy, những giây phút được gặp mặt nhau ấy thật trở nên thú vị biết bao nhiêu khi qua cái “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”. Cái bắt tay thật cảm động và vô cùng thân thiện cùng với biết bao nhiêu điều muốn nói. Đó chính là niềm vui của những người lính khi vừa thoát khỏi đoạn đường gian khổ hiểm nguy. Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ động viên nhau sẻ chia cùng nhau để quyết tâm nắm chắc vô lăng để đưa xe về được đến đích. Chỉ một cái bắt tay nhau thôi cũng đủ để cho họ sẻ chia cho nhau, thông cảm cho nhau của những người đồng chí cùng chung một lý tưởng, nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc đã giao phó. Cái bắt tay nhau qua ô cửa kính vỡ cũng chính là sự bù đắp về mặt tinh thần khi thiếu thốn vật chất. Người lính trên chặng đường ra trận đầy vất vả còn có chung điểm tựa, chung về tâm hồn, về tình cảm và sinh hoạt:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm.”
Hình ảnh thân quen “bếp Hoàng Cầm” ở trong cuộc kháng chiến chống Mĩ chính là tín hiệu báo hiệu sự hội ngộ, đoàn tụ, sum vầy lại với nhau sau những chặng đường hành quân đầy gian lao, hiểm nguy. Đó là ngọn lửa vô cùng ấm áp tựa như sự kết nối những tấm lòng của những người chiến sĩ lại với nhau. Họ là một gia đình giản đơn nhưng lại ấm cúng chứa chan đầy tình yêu thương. Họ cùng chung bát đũa gắn bó, thân thiết keo sơn, cùng chung mâm cơm, bếp lửa, cùng chung những ánh sáng sao trời, cùng chung những gian lao vất vả và cùng chung chặng đường hành quân, nhiệm vụ. Chỉ có những người lính cách mạng mới có thể nếm trải được thứ tình cảm tưởng chừng như rất bình thường nhưng lại vô cùng thiêng liêng cao đẹp. Tình đồng chí, đồng đội đã trở thành một sức mạnh vô giá góp phần giúp cho những người lính có thể trụ vững được nơi chiến trường khốc liệt để từ đó giành chiến thắng trước kẻ thù tàn ác.
Sau bữa cơm thân mật, những câu chuyện thân tình và những người lính trẻ lại tiếp tục trên hành trình đầy gian lao của mình “Lại đi , lại đi trời xanh thêm”. Hình ảnh “Trời xanh” đã mang lại một ý nghĩa sâu sắc không chỉ tượng trưng cho sự sống và đó còn là biểu tượng của sự hòa bình, tự do chất chứa biết bao hy vọng, chiến công to lớn đang chờ đợi. Những người lính về sự tự do của kẻ nhân loại bởi họ chiến đấu vì Tổ quốc để giành lại trời xanh. Chính vì vậy cho dù có khó khăn nguy hiểm đến đâu chăng nữa thì họ cũng quyết tâm vững chắc tay lái bon bon tiến thẳng về phía trước. Bởi đó chính là nhiệm vụ không chỉ của tổ quốc mà là của nhân dân là tinh thần và ý chí của những người lính luôn hướng về miền đất miền Nam ruột thịt.
Phạm Tiến Duật đã rất thành công trong việc khắc họa hiện thực độc đáo kết hợp với giọng thơ trẻ trung cùng với những nhịp điệu biến hóa vô cùng linh hoạt góp phần làm cho khúc văn xuôi có sự phù hợp với nhịp hành quân của những chiếc xe trên đường ra trận. Qua đó có thể thấy rằng những người lính trẻ đã làm nên những bản tình ca mang tính bất hủ trong những năm tháng không thể nào quên của đất nước.