Với mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Thương vợ Ngữ văn lớp 11, Soạn bài Thương vợ: Tác giả, tác phẩm, bố cục nội dung chi tiết dưới đây sẽ giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu để tham khảo. Cùng tìm hiểu nhé.
Mục lục bài viết
1. Soạn bài tác phẩm Thương vợ – Tế Xương:
* Bố cục của bài Thương vợ: có 2 cách chia bố cục
– Cách 1: Có thể chia tác phẩm thành 4 phần: Đề, thực, luận, kết
– Cách 2: chia thành 2 phần theo nội dung
Phần 1: 6 câu thơ đầu: Hình ảnh vất vả của bà Tú lam lũ vì gia đình, chồng con
Phần 2: 2 câu thơ cuối: tâm tư, suy nghĩ của nhà thơ
* Câu 1 (trang 30 sgk Ngữ văn 11 Tập 1):
Hình ảnh bà Tú – vợ của nhà thơ được miêu tả qua bốn câu thơ đầu:
+ Bà Tú hiện lên là một người phụ nữ vất vả, khổ sở, làm công việc buôn bán ở mom sông
+ Bà phải làm việc quanh năm suốt tháng, không được nghỉ ngơi dù thời tiết có mưa hay nắng vẫn làm việc không ngừng nghỉ.
– Hình ảnh “thân cò” chính là ẩn dụ cho bà Tú, trong không gian và thời gian “khi quãng vắng”, thể hiện tính chất công việc của bà vất vả phải “lặn lội” không được nghỉ ngơi. Từ đó ta thấy được không gian xung quanh heo hút vắng vẻ và đầy nguy hiểm, càng khắc họa rõ nét nỗi vất vả, chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng con của bà Tú.
– Từ “eo sèo”, “đò đông”: cảnh chen chúc, bươn trải trên sông nước của những người bán hàng nhỏ. Khung cảnh chợ đông đúc, bon chen, cạnh tranh nhau, lời qua tiếng lại, đó là những trắc trở trong khi làm việc của bà.
⇒ Bà Tú phải làm việc trong môi trường hết sức khó khăn, lam lũ bươn chải và vất vả kiếm tiền chăm lo cho gia đinh.
* Câu 2 (trang 30 sgk Ngữ văn 11 Tập 1):
Những phẩm chất cao đẹp của bà Tú:
– Bà Tú hiện lên qua những câu thơ của Tú Xương là người phụ nữ đảm đang tháo vát, và vô cùng chu đáo với chồng con. Dù có vất vả với công việc vẫn cố gắng lam lũ nuôi 5 người con và một ông chồng.
– Qua đó ta thấy được hình ảnh bà Tú hiện lên là một người phụ nữ giâu đức hi sinh, dù vất vả đến bao nhiêu bà cũng cam chịu, luôn hết lòng vì chồng, vì con không quản ngại khó khăn.
* Câu 3 (trang 30 sgk Ngữ văn 11 Tập 1):
– Lời chửi trong hai câu cuối cùng của tác phẩm là lời của nhà thơ Tú Xương
– Ý nghĩa của lời chửi đó là sự tự trách bản thân một cách thẳng thắn và nghiêm túc, khi nhà thơ nhận ra là một người chồng, một người đàn ông đáng lẽ phải là trụ cột của gia đình nhưng ông lại trở thanh kẻ vô dụng và là gánh nặng cho vợ con. Nhưng điều đó lại là một điều thường tình trong xã hội phong kiến khi mà địa vị người đàn ông luôn được đề cao, một xã hội trọng nam khinh nữ. Mặc dù vậy, nhà thơ vẫn can đảm và dám tự nhận những khuyết điểm của bản thân. Điều đó cho thấy nhân cách cao đẹp của nhà thơ.
* Câu 4 (trang 30 sgk Ngữ văn 11 Tập 1):
Nỗi lòng của nhà thơ
– Nhà thơ giành cho người vợ tảo tần của mình những tình cảm yêu thương, những quý trọng vì sự hi sinh, sự vất vả của bà gianh cho mình, cho gia đình.
– Ông luôn tự trách bản thân khi là một người chồng nhưng lại không thể san sẻ gánh nặng cho vợ. Một tay vợ phải nuôi cả nhà. Trong câu “nuôi đủ năm con với một chồng” càng khẳng định sự trách móc bản thân của nhà thơ, cho thấy người chồng ở đây chẳng khác nào đứa con, vẫn phải để vợ mình chăm lo, phải kiếm tiền để nuôi chồng mình.
– Qua lời chửi của Tú Xương trong hai câu thơ cuối, ta thấy được đó không chỉ là lời tự chửi mình, mà còn mang ý nghĩa trách thói đời, trách xã hội phong kiến thối nát đã đẩy ông, đẩy vợ ông vào cảnh khổ sở. Qua đó ta căng thấy được tình cảm sâu sắc của nhà thơ giành cho vợ của mình.
2. Luyện tập (trang 30 sgk Ngữ văn 11 Tập 1):
– Trong việc xây dựng hình ảnh, nhà thơ Tú Xương đã khéo léo trong việc vận dụng hình ảnh “con cò” trong thơ ca Việt Nam thành hình ảnh “thân cò”. Điều đó gợi nên sự xót xa, tội nghiệp, nhấn mạnh những vất vả, khó khăn mà bà Tú phải một mình trải qua.
– Về việc sử dụng từ ngữ: ta thấy được sự vận dụng khéo léo các thành ngữ “năm nắng mười mưa”. Nhà thơ luôn sáng tạo trong việc vận dùng thành ngữ vào thơ ca, càng nhấn mạnh thêm những vất vả, bươn trải của vợ mình. Tuy khó khăn, cực khổ nhưng ở bà Tú luôn hiện lên là một người phụ nữ giàu đức hi sinh, lam lũ không quản ngại gian khổ, chăm lo từng chút cho chồng, cho con. Vất vả khổ sở là thế nhưng bà không hề oán trách lấy nửa lời. Qua đó thể hiện đức tính cao đẹp của người phụ nữ trong xã hội xưa.
3. Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, nội dung chi tiết:
3.1. Tác giả Tú Xương:
– Tú Xương – Trần Tế Xương ( 1870- 1907) tên thật là Trần Duy Uyên đến khi đi thi Hương thì đổi tên là Trần Tế Xương, sau lại đổi lại thanh Trần Cao Xương
– Ông là người rất cá tính, thích sống tự do, không thích bị gò bó. Có lẽ vì thế mà ông không thành công trên con đường học vấn quan lại
– Tú Xương sinh ra và lớn lên vào những ngày đầu của chế độ thực dân nửa phong kiến, Nam Định – quê hương ông là bức tranh tiêu biểu của xã hội Việt Nam thời kỳ giao thời, với nhiều cảnh hỗn loạn
– Các tác phẩm chính của ông:
+ Các tác phẩm của Tế Xương gồm hai mảng chính là trào phúng và trữ tình
+ Hiện nay có khoảng 100 bài thơ, chủ yếu là thơ chữ Nôm, văn tế và câu đối
– Phong cách sáng tác của Tế Xương:
+ Phong cách của ông được chia thanh hai mảng rõ rệt, trữ tình và trào phúng nhưng trữ tình là cái gốc rễ trong thơ của ông, còn trào phúng chỉ là phần cành lá
+ Thơ ông bắt nguồn từ tình cảm tha thiết với con người, với đất nước, với cuộc sống
+ Tú Xương cũng đã góp phần Việt hóa sâu sắc thể thơ Nôm Đường luật, hình hình ảnh và từ ngữ giản dị, đầy sắc thái dân gian và hơi thở của cuộc sống
3.2. Tác phẩm Thương vợ:
* Đề tài:
– Trong xã hội phong kiến, xã hội trọng nam khinh nữ vì vậy người phụ nữ luôn phải chịu thiệt thòi. Các bài thơ viết về vợ thời kì này rất hiếm, đặc biệt những bài thơ viết về người vợ khi còn sống lại càng ít và hiếm hoi. Nhưng trong thơ của Tú Xương lại khác, ông có hẳn một đề tài về vợ – bà Tú, người vợ tảo tần chịu thương chịu khó của ông. Đó là một đề tài bao gồm cả thơ, văn tế và câu đối giành riêng cho vợ.
– Bà Tú đã chịu nhiều gian khổ, vất vả trong cuộc đời, nhưng bà có niềm tin hạnh phúc rằng khi còn sống, bà đã bước vào thơ ông Tú với tất cả tình yêu thương, sự kính trọng của chồng.
– Thương vợ là một trong những bài thơ hay nhất, cảm động nhất của nhà thơ Tú Xương khi viết về vợ của mình.
* Thể loại: Bài thơ Thương vợ được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật.
* Phương thức biểu đạt của bài thơ là phương thức biểu cảm.
* Ý nghĩa nhan đề bài thơ:
– Nhan đề cho thấy một chủ đề mới lạ trong nền thơ ca lớn thời trung đại, thể hiện chiều sâu tình cảm của Tú Xương dành cho vợ cũng như thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp nhân văn trong tâm hồn thơ của Tú Xương.
* Giá trị nội dung:
Thương vợ là bài thơ cảm động và xuất sắc nhất trong những bài thơ trữ tình của Tú Xương. Đây là bài thơ tâm sự, cũng là bài thơ về chuyện thế sự. Bài thơ tràn đầy tình yêu thương nồng ấm của nhà thơ dành cho người vợ hiền đức của mình.
* Giá trị nghệ thuật:
– Ngôn ngữ thơ bình dị như lời nói thường ngày.
– Chi tiết nghệ thuật được lựa chọn vừa mang tính cá nhân (bà Tú với năm con, một chồng) vừa có ý nghĩa bao quát sâu sắc với xã hội đương thời (người phụ nữ ngày xưa).
– Hình tượng thơ cô đọng, hàm súc nhưng vẫn giàu chất thơ, gợi cảm.
⇒ Bài thơ mang nét đặc trưng của thơ trữ tình của nhà thơ Tế Xương.