Huyện Nho Quan là huyện nằm phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 34 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 127 km. Nho Quan là huyện có nhiều hồ nước tự nhiên và nhân tạo nhất Ninh Bình. Để tìm hiểu thêm huyện Nho Quan, mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Nho Quan (Ninh Bình).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình:
2. Huyện Nho Quan (Ninh Bình) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Nho Quan có 27 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó bao gồm 26 xã và thị trấn Nho Quan. Cụ thể liệt kê bảng sau:
STT | Danh sách xã phường thuộc huyện Nho Quan |
1 | Thị trấn Nho Quan |
2 | Xã Cúc Phương |
3 | Xã Đồng Phong |
4 | Xã Đức Long |
5 | Xã Gia Lâm |
6 | Xã Gia Sơn |
7 | Xã Gia Thủy |
8 | Xã Gia Tường |
9 | Xã Kỳ Phú |
10 | Xã Lạc Vân |
11 | Xã Lạng Phong |
12 | Xã Phú Long |
13 | Xã Phú Lộc |
14 | Xã Phú Sơn |
15 | Xã Quảng Lạc |
16 | Xã Quỳnh Lưu |
17 | Xã Sơn Hà |
18 | Xã Sơn Lai |
19 | Xã Sơn Thành |
20 | Xã Thạch Bình |
21 | Xã Thượng Hòa |
22 | Xã Văn Phong |
23 | Xã Văn Phú |
24 | Xã Văn Phương |
25 | Xã Xích Thố |
26 | Xã Yên Quang |
27 | Xã Thanh Lạc |
3. Giới thiệu về huyện Nho Quan (Ninh Bình):
3.1. Lịch sử hình thành:
- Trước năm 1975:
Nho Quan là một huyện lâu đời thuộc tỉnh Ninh Bình. Thời Đinh Tiên Hoàng thuộc phủ Trường Yên. Thời Trần thuộc trấn Thiên Quan, Thiên Quan gồm 3 huyện: Xích Thổ, Đông Lai, Khôi.
Năm 1397, Hồ Qúy Ly đổi làm trấn Thiên Quan.
Năm Tự Đức thứ 15 (1862), phủ Thiên Quan được đổi thành phủ Nho Quan, tên gọi Nho Quan có từ đó.
Sau năm 1945, bỏ cấp phủ, gọi chung là huyện. Huyện Nho Quan khi đó gồm có 21 xã: Cúc Phương, Đồng Phong, Đức Long, Kỳ Phú, Lạc Vân, Lạng Phong, Phú Lộc, Phú Long, Phú Sơn, Quảng Lạc, Quỳnh Lưu, Sơn Hà, Sơn Lai, Sơn Thành, Thạch Bình, Thanh Lạc, Thượng Hòa, Văn Phong, Văn Phú, Văn Phương, Yên Quang.
Đầu năm 1953, Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu 3 sáp nhập 5 xã: Quang Minh, Phú Thịnh, Bảo Lương, Đoàn Kết và Yên Lương thuộc Nho Quan vào huyện Yên Thủy (Hòa Bình) và thành lập thị trấn Nho Quan trên cơ sở tách ra từ xã Lạng Phong.
- Từ năm 1975 đến nay:
Ngày 27 tháng 12 năm 1975, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc hợp nhất tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, huyện Nho Quan thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
Ngày 27 tháng 4 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 125 – CP về việc hợp nhất huyện Nho Quan với huyện Gia Viễn thành huyện Hoàng Long thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
Ngày 9 tháng 4 năm 1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 151 – CP về việc tái lập huyện Gia Viễn tách khỏi huyện Hoàng Long. Huyện Hoàng Long gồm các xã Sơn Thành, Thanh Lạc, Thượng Hòa, Kỳ Phú, Cúc Phương, Yên Quang, Văn Phương, Văn Phong, Lạng Phong, Đồng Phong, Quỳnh Lưu, Sơn Lai, Sơn Hà, Quảng Lạc, Phú Long, Phú Lộc, Văn Phú, Đức Long, Lạc Vân, Phú Sơn, Thạch Bình, Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường và thị trấn Nho Quan. Trụ sở chính của huyện đóng tại thị trấn Nho Quan.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc chia tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình và huyện Hoàng Long thuộc tỉnh Ninh Bình.
Ngày 23 tháng 11 năm 1993, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88-CP về việc huyện Hoàng Long đổi tên cũ là huyện Nho Quan.
Ngày 6 tháng 11 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/NĐ-CP về việc điều chỉnh một phần diện tích và nhân khẩu của xã Đồng Phong, Lạng Phong về thị trấn Nho Quan quản lý. Huyện Nho Quan nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Bình, có địa giới hành chính:
+ Phía Bắc giáp các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
+ Phía Đông giáp các huyện Gia Viễn, Hoa Lư.
+ Phía Nam giáp thành phố Tam Điệp.
+ Phía Tây giáp huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
3.2. Địa hình – dân số:
- Địa hình:
Nho Quan là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Bình. Địa hình đa dạng, chia thành 03 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi, vùng bán sơn địa, vùng chiêm trũng. Diện tích đất tự nhiên rộng (458,3 km2), chiếm 1/3 tổng diện tích toàn tỉnh. Cùng hệ thống sông ngòi khá đa dạng, phong phú như: Sông Na, sông Bôi, sông Rịa, nhiều hồ đập tự nhiên như: Hồ Đồng Chương, hồ Thường Sung, hồ Yên Quang,…
Khí hậu của huyện mang những nét đặc trưng của khí hậu Đồng bằng Bắc bộ nhiệt đới, ôn hòa, rất thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp và phát triển rừng. Ngoài ra, Nho Quan được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với suối nước khoáng nóng Cúc Phương, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, động Thiên Hà, khu Kênh Gà – Vân Trình, đặc biệt có vườn Quốc gia Cúc Phương, điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế với khu bảo tồn 2.600 loài động vật, 2427 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài có nguồn gen quý hiếm.
- Dân số:
Huyện Nho Quan có dân số năm 2019 là 149.830 người, mật độ dân số đạt 333 người/km2. Dân số năm 2021 là 153.430 người, mật độ dân số đạt 340 người/km2, trong đó, người Kinh chiếm gần 90% và người Mường trên 10%. Người Mường ở Nho Quan lại có các nhóm khác nhau: Mường Vang ở các xã Thạch Bình, Yên Quang, Xích Thổ; Mường Rậm chủ yếu ở Cúc Phương và một phần Văn Phương, thích ở những vùng sâu trong rừng; Mường Bo ở Quảng Lạc, Mường Kỳ Lão ở Phú Long và Kỳ Phú.
3.3. Kinh tế:
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động,… những năm qua, huyện Nho Quan tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 24,4%, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng thương mại, dịch vụ chiếm 75,5%. Theo đó, sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay toàn huyện có 12 sản phẩm được công nhận OCOP. Huyện Nho Quan là một trong những địa phương có bước tiến vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn như: Nước khoáng, đá khai thác, đất nung, gạch không nung,… toàn huyện đã quy hoạch được 04 cụm công nghiệp. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng người dân.
3.4. Văn hóa – di tích lịch sử:
Nho Quan là vùng đất cổ, rừng Cúc Phương là nơi phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học minh chứng cho sự xuất hiện của người Việt cổ tại đây. Nho Quan có nhiều di tích, truyền thuyết gắn với cuộc đời và sự nhiệp của Đinh Bộ Lĩnh như di tích Đàn Tế Trời ở đồi Thờ, xã Quỳnh Lưu; đền Vua Đinh ở thôn Lão Cầu, xã Văn Phú; các đình Mỹ Hạ, đình Ngọc Nhị, đình Ngọc Ba ở xã Gia Thủy và các đình thôn Lược, đình Ngọc Mỹ thôn Me, đình Vua làng Xát, đền làng Đông Thịnh ở xã Sơn Lai đều thuộc huyện Nho Quan. Vùng đất Phụng Hóa – Nho Quan xưa gắn liền với các truyền thuyết về thần Cao Sơn, vị thần trấn vùng núi Nam Lĩnh – Thiên Dưỡng được thờ phụng ở vùng đất này như đền Sơn thần, đền Cao Sơn,… và nhiều nơi khác rước về thờ phụng trong tín ngưỡng Hoa Lư tứ trấn, sau này dân làng Kim Liên cũng rước thần Cao Sơn từ đền Láo, xã Văn Phú về thờ ở đình Kim Liên trong Thăng Long tứ trấn.
Trong kháng chiến chống Pháp, Nho Quan có chiến khu Quỳnh Lưu là nơi hình thành và phát triển cách mạng Ninh Bình, ở xã Quỳnh Lưu là nơi sinh ra anh hùng Lương Văn Tụy, xã Sơn Thành là nơi sinh ra bí thư tỉnh ủy đầu tiên Đinh Tất Mễ. Vùng núi đá phía Đông Nam của huyện Nho Quan thuộc các xã Sơn Hà và Sơn Lai nằm trong quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2014.
THAM KHẢO THÊM: