Công trình xây dựng là một trong những yếu tố cơ bản được đầu tư xây dựng để phục vụ đời sống con người, đem lại ý nghĩa vô cùng lớn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cá nhân tham gia vào xây dựng nhưng không phép hoặc trái phép. Vậy, để phân biệt giữa xây dựng không phép và xây dựng trái phép cần dựa theo nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Phân biệt giữa xây dựng không phép và xây dựng trái phép:
- Trong đời sống của con người thì các công trình xây dựng được biết đến là một sản phẩm xây dựng dựa theo thiết kế, dưới sự tác động của con người, cụ thể là sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước để tạo nên một công trình hoàn chỉnh, kiên cố. Để đưa những công trình xây dựng vào được sử dụng trong thực tế thì cá nhân,tổ chức phải đảm bảo điều kiện, kỹ thuật an toàn. Một trong những hoạt động được kiểm soát chặt chẽ là phân định hành vi vi phạm như xây dựng không phép và xây dựng trái phép và đưa ra được hướng giải quyết phù hợp.
- Trong văn bản pháp luật hiện hành thì chưa có quy định cụ thể nêu định nghĩa xây dựng không phép, hay là xây dựng trái phép. Nhưng dựa trên thuật ngữ được sử dụng phổ biến thì cá nhân, tổ chức được coi là thực hiện hành vi xây dựng không phép là khi tiến hành khởi công xây dựng nhưng lại chưa nhận được sự chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp được miễn xin giấy phép;
- Tương tự, đối với cách hiểu xây dựng sai phép thì thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc cá nhân, hộ gia đình xây dựng, thi công công trình nhưng những hoạt động này không đúng với giấy phép xây dựng và các bản thiết kế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện;
Có thể thấy, trước khi công trình xây dựng được thực hiện trên thực tế (trừ trường hợp được miễn xin giấy phép xây dựng) thì loại giấy phép này là một trong những loại giấy tờ quan trọng mà bắt buộc các cá nhân, hộ gia đình phải làm thủ tục để xin cấp. Giấy tờ này sẽ minh chứng cho hoạt động xây dựng hợp pháp và cũng là cơ sở sử dụng giải quyết hành vi có vi phạm đến xây dựng. Để phân biệt tương đối sự khác nhau của hai hành vi vi phạm này thì cá nhân cần hiểu nội dung cơ bản là: Xây dựng không phép là cố ý thực hiện xây dựng công trình mà chưa có sự chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền. Xây dựng trái phép là hành vi xây dựng công trình không đúng theo giấy phép xây dựng đã được cấp.
2. Theo quy định hiện hành thì mức xử phạt về hành vi xây dựng không phép và xây dựng trái phép được quy định ra sao?
2.1.Vi phạm xây dựng không phép:
Liên quan đến hành vi xây dựng không phép thì việc tổ chức thi công sẽ bị áp dụng mức xử phạt đã được quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, như sau:
+ Đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền với mức từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
+ Đối với hành vi vi phạm thực hiện tại các cơ sở là nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác thì mức phạt tiền được áp dụng là từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
+ Mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi xây dựng không giấy phép đó là từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng. Mức này sẽ chỉ áp dụng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Lưu ý: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền này sẽ chỉ được áp dụng đối với tổ chức. Còn trong trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
2.2. Xử lý hành vi xây nhà trái phép:
- Căn cứ theo khoản 4, Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn như sau:
+ Khi cá nhân tiến hành xây dựng nhà ở riêng lẻ thì mức phạt tiền được áp dụng với mức từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
+ Đối với trường hợp mà xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác thì sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
+ Đồng thời, mức phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng sẽ được áp dụng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về mức xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới như sau:
+ Mức phạt tiền sẽ áp dụng cho đối tượng vi phạm là từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
+ Còn mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng sẽ được cơ quan có thẩm quyền xử lý khi xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
+ Ngoài ra, mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng là mức tối đa được áp dụng đối với xây dựng công trình nếu những công trình này có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
3. Phát hiện ra hành vi vi phạm trong xây dựng không phép và xây dựng trái phép thì ai có quyền lập biên bản?
Việc phát hiện kịp thời đối với hành vi xây dựng không phép và xây dựng trái phép sẽ có thể ngăn chặn được hành vi vi phạm, có chứa các tiềm ẩn rủi ro khi đưa công trình vào sử dụng trên thực tế. Xác định thẩm quyền được lập biên bản hiện đang được điều chỉnh tại Điều 72 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, bao gồm những đối tượng sau đây:
- Pháp luật ghi nhận thẩm quyền xử phạt được áp dụng với các trường hợp được quy định tại Điều 73, Điều 74, Điều 75, Điều 76, Điều 78, Điều 79 và Điều 80 Nghị định này;
- Cá nhân đang là công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, nhiệm vụ của cá nhân được giao là kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này cũng sẽ được lập biên bản xử phạt nếu có phát hiện ra hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức hoặc nhận được tin báo của cá nhân, tổ chức khác về vấn đề này;
- Thẩm quyền này cũng được trao cho công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng. Theo đó, nhiệm vụ chính của những cá nhân này là kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra;
- Bên cạnh đó, cá nhân đang là công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến: hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà thì cũng được trao thẩm quyền lập biên bản này;
- Riêng đối với cá nhân có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 77 Nghị định này thì hoàn toàn được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Có thể thấy, những đối tượng đã được trình bày nêu trên khi phát hiện hành vi vi phạm trong xây dựng thì có thể tiến hành lập biên bản xử phạt. Nếu hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của mình xử lý thì ban hành quyết định xử phạt còn trong trường hợp cá nhân không đủ thẩm quyền xử lý thì gửi thông tin vi phạm đến cá nhân có thẩm quyền để ban hành quyết định xử lý theo đúng quy định.
THAM KHẢO THÊM: