Huyện Nậm Nhùn là một huyện thuộc tỉnh Lai Châu, nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, giáp Trung Quốc. Huyện Nậm Nhùn có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.388,08 km², dân số năm 2019 là 27.261 người. Mật độ dân số khoảng 19 người/km². Để tìm hiểu kĩ hơn mời bạn đọc tham khảo bài viết: Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Nậm Nhùn (Lai Châu):
2. Huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có bao nhiêu xã phuờng?
Huyện Nậm Nhùn có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn và 10 xã.
STT | Danh sách các xã phường thuộc huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) |
1 | Thị trấn Nậm Nhùn (huyện lỵ) |
2 | Xã Hua Bum |
3 | Xã Lê Lợi |
4 | Xã Mường Mô |
5 | Xã Nậm Ban |
6 | Xã Nậm Chà |
7 | Xã Nậm Hàng |
8 | Xã Nậm Manh |
9 | Xã Nậm Pì |
10 | Xã Pú Đao |
11 | Xã Trung Chải. |
3. Vị trí địa lý huyện Nậm Nhùn (Lai Châu):
Huyện Nậm Nhùn nằm ở phía Tây của tỉnh Lai Châu, nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 130 km, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 600 km, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp huyện Sìn Hồ.
- Phía Tây giáp huyện Mường Tè và huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
- Phía Nam giáp huyện Mường Chà, huyện Nậm Pồ và thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên.
- Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với đường biên giới dài khoảng 24 km.
Huyện có diện tích 1.388,08 km², dân số năm 2019 là 27.261 người, mật độ dân số đạt 19 người/km². Địa hình Nậm Nhùn có mức độ bị chia cắt sâu và ngang rất mạnh (bởi các dãy núi cao chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam), trong đó phổ biến là địa hình núi cao và núi trung bình.
- Địa hình núi cao và trung bình (>700m) có diện tích 100.108,61ha, chiếm 72,1% diện tích tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các xã: Pú Đao, Nậm Manh, Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải, Nậm Pì.
- Địa hình núi thấp (<700m) có diện tích 37.936,33ha, chiếm 27,3% so với tổng diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã: Nậm Hàng, Mường Mô và thị trấn Nậm Nhùn.
- Địa hình thung lũng hẹp có diện tích 763,45ha, chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, phân bố dọc theo các sông và suối nhỏ.
4. Lịch sử hình thành huyện Nậm Nhùn (Lai Châu):
Nậm Nhùn vốn là tên con suối nhỏ chảy ra sông Đà ở phía tả ngạn và cũng là tên một bản tại đây. Ngày 14 tháng 10 năm 2011, thị trấn Nậm Nhùn được thành lập trên cơ sở các bản: Nậm Nhùn, Pa Kéo, Nậm Hàng thuộc xã Nậm Hàng và một phần diện tích của bản Huổi Héo thuộc xã Nậm Manh. Khi mới thành lập, thị trấn Nậm Nhùn trực thuộc huyện Mường Tè.
Huyện Nậm Nhùn được thành lập vào ngày 2 tháng 11 năm 2012 theo Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh 99.019,25 ha diện tích tự nhiên và 16.644 người của 5 xã: Hua Bum, Mường Mô, Nậm Chà, Nậm Hàng, Nậm Manh và thị trấn Nậm Nhùn thuộc huyện Mường Tè; 39.789,34 ha diện tích tự nhiên và 7.521 người của 5 xã: Lê Lợi, Nậm Ban, Nậm Pì, Pú Đao, Trung Chải thuộc huyện Sìn Hồ.
Sau khi thành lập, huyện có 138.808,39 ha diện tích tự nhiên và 24.165 người với 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Nậm Nhùn (huyện lỵ) và 10 xã: Hua Bum, Lê Lợi, Mường Mô, Nậm Ban, Nậm Chà, Nậm Hàng, Nậm Manh, Nậm Pì, Pú Đao, Trung Chải.
5. Du lịch huyện Nậm Nhùn (Lai Châu):
Không hoa lệ, không nhiều sắc màu, Pú Đao như một nàng tiên còn đang ngủ say giữa rừng, vùng đất này luôn để lại nhiều ấn tượng về một bản làng với những con người chân chất, mộc mạc, những lễ hội đậm sắc văn hóa Mông, những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao và những đỉnh núi cao được bao bọc bởi những biển mây bồng bềnh.
Nói đến những đỉnh núi cao ở huyện Nậm Nhùn, rất nhiều du khách bày tỏ trải nghiệm về đỉnh Pú Đao, địa danh được hãng du lịch Gecko Travel, Vương quốc Anh bầu là một trong năm điểm leo núi hấp dẫn nhất Đông Nam Á, trang web du lịch quốc tế Gonomad.com, Siobhan McGeady cũng ca ngợi Pú Đao là một điểm đến đẹp bất ngờ và thân thiện.
Để lên được đỉnh Pú Đao, xuất phát từ ngã ba Lai Hà (địa phần giáp ranh giữa 2 tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên) di chuyển hơn 30km lên trung tâm xã Pú Đao rồi men theo con đường bạt ngàn hoa rừng, người Mông ở đây thường gọi là “đường chó chạy”, tiếp tục men theo những cung đường lưng chừng núi, khi chân đã mỏi nhừ mới lên tới đỉnh. Theo tiếng Mông, Pú Đao nghĩa là “điểm cao nhất”, nhiều du khách đến Pú Đao không khỏi bất ngờ khi được lan truyền rằng: “Không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông”. Câu nói đó thể hiện khát vọng chinh phục những đỉnh cao và thể hiện tập quán thích định cư trên núi cao của người Mông ở Pú Đao từ nhiều đời nay.
Lên tới đỉnh Pú Đao, du khách sẽ ngỡ ngàng trước khung cảnh đẹp hoang sơ như miền cổ tích. Nghe các già làng kể rằng: Trước đây muốn leo lên đỉnh Pú Đao phải đi bộ từ lúc trời còn mờ tối đến khi hoàng hôn mới lên tới đỉnh, mệt nhưng thú vị lắm. Đặt chân lên điểm cao nhất ở Pú Đao mới cảm thấy ý nghĩa thực sự của hành trình vất vả leo núi, đứng trên đỉnh Pú Đao du khách sẽ được ngắm cảnh sắc bao la, hùng vĩ với bốn bề núi sông hội tụ.
Kỳ thú ở chỗ, khi mặt trời sắp lặn, những tia nắng cuối ngày nơi chóp núi, cùng với mây luồng, nắng lọt xuyên thẳng xuống sông Đà khiến dòng sông như một chiếc gương khổng lồ lấp lánh; nếu đủ kiên trì du khách sẽ được ngắm bình minh hay hoàng hôn trên biển mây trắng phao cuồn cuộn, đây hẳn sẽ là những giây phút được cho là “trúng mánh” của các nghệ sỹ nhiếp ảnh thích độc chiếm những khoảnh khắc.
Đứng trên điểm cao Pú Đao nhìn chếch về phía bên trái, cạnh dòng Nậm Na là những cánh đồng màu mỡ chạy dài tít tắp như đang bồi đắp, ôm ấp lấy vùng đất trù phú xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ). Phía bên phải dòng Đà Giang là công trình nhà máy Thủy điện Lai Châu có công suất 1.200 MW, được khởi công xây dựng năm 2011.
Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện cấp Quốc gia có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, không chỉ cấp nước cho đồng bằng sông Hồng mà còn tạo cơ hội phát triển – kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên và đảm bảo an ninh – quốc phòng khu vực biên giới Tây Bắc.
Phía bên trái có một dãy núi thoải xuôi theo hướng sông Đà, rồi bất ngờ thẳng đầu vươn dậy như một chú chim đại bàng với chiếc đầu dũng mãnh. Nhìn nghiêng sang bên phải núi ta sẽ mường tượng toàn cảnh nơi này như một chú hổ phục. Đó chính là vị trí đỉnh núi Pú Huổi Chỏ bên bờ sông Đà, thuở xưa nơi đây, thân chinh Vua Lê Thái Tổ trực tiếp chỉ huy các đạo quân lên dẹp loạn phương Bắc. Sau khi dẹp xong quân phản loạn, nhà vua đã đề khắc bia tạc vào sử sách, nơi hội tụ linh khí đất trời, đánh dấu chủ quyền cương thổ của nước Đại Việt ta.
Nếu du khách nghỉ lại Pú Đao, sẽ được quây quần bên mâm cơm của người Mông thưởng thức những chén rượu cay nồng được nấu từ hạt ngô cùng những món ăn như măng rừng, cá suối…; nghe bà con kể những sự tích khi người Mông ở Pú Đao khai hoang ruộng nước, chinh phục những đỉnh núi cao để lập bản, dựng mường.
Đến Pú Đao thời điểm này, cơ sở hạ tầng của xã được xây dựng đồng bộ, những ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng nhiều hơn, những con đường trải bê tông phẳng lì nối tới tận các bản. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con người Mông nơi đây được nâng lên, người dân đoàn kết phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, các nét văn hóa truyền thống được lưu giữ và phát huy. Việc tích cực trồng và giữ rừng đã giúp Pú Đao được đánh giá là một trong những xã làm tốt công tác bảo vệ môi trường rừng của huyện Nậm Nhùn và cũng nhờ đó Pú Đao trở thành một trong 3 xã đầu tiên cán đích nông thôn mới của huyện.
THAM KHẢO THÊM: