Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, cách Trung tâm thành phố Cao Bằng 134 km theo quốc lộ 34. Phía Đông Bắc giáp Huyện Thông Nông và Nguyên Bình; phía Tây giáp huyện Bảo Lâm,... Để biết thêm thông tin, mời các bạn tham khảo bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng:
2. Huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) có bao nhiêu xã phường?
Hiện nay, Bảo Lạc là huyện có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc bao gồm:
+ Thị trấn Bảo Lạc (huyện lỵ)
+ 16 xã: Bảo Toàn, Cốc Pàng, Cô Ba, Đình Phùng, Hồng Trị, Hồng An, Hưng Đạo, Huy Giáp, Khánh Xuân, Hưng Thịnh, Kim Cúc, Sơn Lập, Sơn Lộ, Phan Thanh, Thượng Hà, Xuân Trường.
STT | Danh sách các xã phường thuộc huyện Bảo Lạc |
1 | Thị trấn Bảo Lạc |
2 | Xã Cốc Pàng |
3 | Xã Thượng Hà |
4 | Xã Cô Ba |
5 | Xã Bảo Toàn |
6 | Xã Khánh Xuân |
7 | Xã Xuân Trường |
8 | Xã Hồng Trị |
9 | Xã Kim Cúc |
10 | Xã Phan Thanh |
11 | Xã Hồng An |
12 | Xã Hưng Đạo |
13 | Xã Hưng Thịnh |
14 | Xã Huy Giáp |
15 | Xã Đình Phùng |
16 | Xã Sơn Lập |
17 | Xã Sơn Lộ |
3. Giới thiệu về huyện Bảo Lạc (Cao Bằng):
- Lịch sử
Từ thời nhà Lý (1009 – 1225) cấp hành chính là lộ – phủ, huyện – hương – giáp và cuối cùng là thôn, ở các vùng xã trung tâm gọi là châu, trại (hoặc cũng có nơi gọi là đạo) và huyện Bảo Lạc thuộc châu Quảng Nguyên. Đến thời nhà Trần (1226 – 1400) tên gọi không thay đổi. Đến thời nhà Lê (1428 – 1527) cơ cấu tổ chức hành chính được chia thành đạo, dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu – thời kỳ này châu Bảo Lạc thuộc Tây Đạo. Năm 1466, Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên và châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang thừa tuyên có 1 phủ, 1 huyện, 5 châu (trong đó có châu Bảo Lạc). Đến thể kỷ XVII, các đạo được đổi thành trấn, đến thế kỷ XVIII lại đổi thành thừa tuyên, dưới trấn là phủ, huyện, châu, tổng và xã – châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang.
Năm 1835, sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa do Nông Văn Vân tri châu Bảo Lạc là thủ lĩnh vua Minh Mệnh bỏ châu Bảo Lạc, chia thành huyện Vĩnh Điện và huyện Để Định. Đến năm 1891 châu Bảo Lạc được lập lại và thuộc tỉnh Hà Giang.
Năm 1886, thực dân Pháp chiếm Cao Bằng, mở rộng phạm vi chiếm đóng, lập ách cai trị quân sự, Cao Bằng là một Tiểu quân khu thuộc đạo quan binh 2 Lạng Sơn – thủ phủ đặt tại Cao Bằng. Đến năm 1925, châu Bảo Lạc thuộc tỉnh Cao Bằng gồm 2 tổng là Nam Quang và Mông Ân.
Từ năm 1945 trở về đây, địa giới hành chính huyện Bảo Lạc tiếp tục có nhiều sự thay đổi. Đến năm 2000, Chính phủ ra Nghị định số 52/2000/NĐ-CP ngày 25/9/2000 về chia tách huyện Bảo Lạc thành hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm, sau khia chia tách, huyện Bảo Lạc có 14 đơn vị hành chính. Đến năm 2007, căn cứ Nghị quyết số 14/2007/NQ-HĐND, ngày 13/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về thông qua đề án điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập một số xã, thị trấn thuộc các huyện Bảo Lạc, Thông Nông, Trung Khánh, Phục Hòa tỉnh Cao Bằng thì huyện Bảo Lạc có 17 đơn vị hành chính (16 xã, 01 thị trấn) cho đến nay (theo nguồn Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Lạc, 1930 – 2005).
- Vị trí địa lý
Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, cách Trung tâm thành phố Cao Bằng 134 km theo quốc lộ 34. Phía Đông Bắc giáp huyện Thông Nông và Nguyên Bình; phía Tây giáp huyện Bảo Lâm; phía Nam giáp huyện Pác Nặm của tỉnh Bắc Kạn; phía Bắc giáp Huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc. Bảo Lạc có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng.
- Diện tích tự nhiên, dân số.
Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 92.072 ha, dân số của huyện tính đến năm 2020 là 54.420 người. trong đó có 7 dân tộc chính cùng sinh sống bao gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ,…
- Địa hình
Huyện Bảo Lạc có địa hình rất phức tạp, hiểm trở, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống núi cao kéo dài, có độ dốc lớn, tiêu biểu là ngọn Phja Dạ cao 1.980m so với mực nước biển. Toàn huyện có độ cao trung bình so với mặt nước biển là 1.000m.
- Sông ngòi
Bảo Lạc có hiều sông và suối nhỏ, các sông suối chủ yếu tập trung ở vùng lòng máng. Sông Gâm là con sông lớn nhất bắt nguồn từ vùng núi cao gần 2.000m thuộc địa phận tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc vào Việt Nam qua địa phận huyện Bảo Lạc rồi chảy theo hướng Tây Nam qua Bảo Lâm sang tỉnh Hà Giang rồi về tỉnh Tuyên Quang. Lòng sông Gâm rộng và sâu, độ dốc lớn, tốc độ dòng chảy và lưu lượng nước lớn, lưu lượng nước bình quân là 1.030m3/giây, lớn nhất là 2.290m3/giây; tốc độ dòng chảy lớn nhất vào mùa mưa là 3,46m/ giây. Sông Neo bắt nguồn từ vùng núi Phja Oắc chảy theo hướng Đông Bắc qua Đình Phùng, Huy Giáp – Nơi bắt nguồn của đập Thủy điện Nà Han, chảy xuống Nà Tồng – Hưng Đạo về Hồng Trị rồi đổ vào sông Gâm tại Thị trấn Bảo Lạc. Lòng sông Neo rộng trung bình 30m, độ sâu trung bình là 1,5m, lưu lượng nước và dòng chảy không ổn định.
Hệ thông sông suối là nguồn nước cho tưới tiêu, thủy lợi và sinh hoạt, cung cấp cấp cá, tôm,… phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, có giá trị và tiềm năng thủy điện. Đặc biệt, sông Gâm có nhiều loài cá ngon và quý hiếm tiêu biểu là năm loại cá quý mà nhân dân thường gọi “ngũ quý hà thủy” gồm: cá Anh Vũ (trước kia được dùng để tiến vua), cá Rầm Xanh, cá Lăng, cá Chiên, cá Bống,…
- Khí hậu
Bảo Lạc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mỗi năm chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 4 đến hết tháng 9; mùa khô từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Nhiệt độ cao nhất là khoảng từ tháng 5 đến tháng 8, có lúc lên đến trên 39 độ C. Số ngày mưa trung bình là 113,8 ngày/ năm, lượng mưa trung bình hàng năm vào mức cao khoảng 1276 mm. Số giờ nắng trung bình năm là 1421 giờ.
- Về giá trị văn hóa
Là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, rực rỡ sắc màu của các dân tộc vùng cao với nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình Phong lưu, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông,… Lễ cúng thần đá của dân tộc Lô Lô. Các làn điệu dân ca: Lượn cọi, phong slư, hát then của dân tộc Tày, lượn Nàng ơi của dân tộc Nùng, múa Khèn của dân tộc Mông, múa sluổng dân tộc Tày, múa trống đồng của dân tộc Lô lô, múa Kỳ lân ở Thị trấn. Các phong tục tập quán như Lễ Lên Đèn (Qua tang) và Lễ phong chức, cấp sắc (Tẩu Sai) của dân tộc Dao. Lễ Thổm cuẩn của dân tộc Sán Chỉ, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc,… Chợ phiên ở Bảo Lạc cứ 5 ngày họp chợ một lần vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hàng tháng, người dân đến chợ mua – bán hoặc trao đổi những sản vật do mình làm ra như: Ngô, gạo, thóc, khoai, gia súc, gia cầm, rau, măng, mật ong,…
- Tín ngưỡng, tôn giáo
Thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thần khác ở trong nhà. Người Tày – Nùng chịu ảnh hưởng của tôn giáo nhưng đã cải biến nó để phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ bà mụ, thờ Táo quân, thờ tổ sư thầy Tào, thầy Mo, thầy Then, thờ các vị thần của bản, thổ địa, một số nơi có đình thờ thành hoàng,… Dân tộc Lô Lô đen huyện Bảo Lạc có một kho báu cổ đồ sộ, được thể hiện trong ngày cưới, lễ mừng thọ, lễ đặt tên con, mừng nhà mới, trai gái tìm hiểu về tình yêu đôi lứa, người chết,… cũng hát dân ca, đặc biệt, người Lô Lô quan niệm người chết tuy không còn sống với dân bản nhưng vẫn gắn kết linh hồn với mọi người, vì thế lễ làm “ma khô” cho người chết rất quan trọng, thầy cúng đọc những bản trường ca dài 7 ngày đêm, kết hợp đánh trống đồng cặp đôi “trống đực và trống cái” nhằm để báo cho thần linh biết, dẫn dắt linh hồn người quá cố về với nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên, do vậy mỗi bản Lô Lô đều có khoảng 4 – 10 đôi trống đồng cổ, sau nghi lễ cúng “ma khô” xong sẽ đem chôn xuống đất (trống thiêng chỉ có trưởng tộc, trưởng bản biết), khi nào có đám tang làm “ma khô” mới đào lên dùng.
THAM KHẢO THÊM: