Huyện Vũ Quang được thành lập theo Nghị định 27/2000 - NĐ/CP ngày 04/08/2000 của Chính phủ là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Huyện Vũ Quang cách thành phố Hà Tĩnh 70 km về phía Tây, có 42 km đường biên giới tiếp giáp với Lào. Mời bạn theo dõi bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) để hiểu rõ hơn về huyện này.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh:
Về mặt địa giới hành chính huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh như sau:
+ Phía Đông giáp huyện Đức Thọ.
+ Phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
+ Phía Nam giáp huyện Hương Khê.
+ Phía Bắc giáp huyện Hương Sơn.
2. Huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Vũ Quang có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm: 1 thị trấn và 9 xã. Danh sách cụ thể được liệt kê trong bảng dưới đây:
STT | Danh sách các thị trấn, xã thuộc huyện Vũ Quang |
1 | Thị trấn Vũ Quang (huyện lỵ) |
2 | Xã Ân Phú |
3 | Xã Đức Bồng |
4 | Xã Đức Giang |
5 | Xã Đức Hương |
6 | Xã Đức Liên |
7 | Xã Đức Lĩnh |
8 | Xã Hương Minh |
9 | Xã Quang Thọ |
10 | Xã Thọ Điền |
3. Giới thiệu huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh):
3.1. Lịch sử hình thành:
Huyện Vũ Quang được thành lập vào ngày 4 tháng 8 năm 2000 trên cơ sở tách 6 xã: Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang, Ân Phú thuộc huyện Đức Thọ; 5 xã: Hương Thọ, Hương Minh, Hương Đại, Hương Điền, Vũ Quang thuộc huyện Hương Khê và xã Sơn Thọ thuộc huyện Hương Sơn. Ngày 3 tháng 10 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2023/NĐ-CP. Theo đó:
- Thành lập thị trấn Vũ Quang, thị trấn huyện lỵ huyện Vũ Quang trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Hương Đại, 103 ha diện tích đất tự nhiên và 373 người của xã Hương Minh, 159 ha diện tích tự nhiên và 282 người của xã Đức Bồng.
- Đổi tên xã Vũ Quang thành xã Hương Quang.
Từ đó đến cuối năm 2018, huyện Vũ Quang có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Vũ Quang và 11 xã. Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020). Theo đó:
- Điều chỉnh địa giới hành chính các xã: Hương Minh, Hương Quang, Sơn Thọ.
- Sáp nhập hai xã Hương Thọ và Hương Quang thành xã Quang Thọ.
- Sáp nhập hai xã Hương Điền và Sơn Thọ thành xã Thọ Điền.
- Huyện Vũ Quang còn lại 1 thị trấn và 9 xã như hiện nay.
3.2. Tài nguyên thiên nhiên:
Nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc thù của huyện Vũ Quang đó là tài nguyên rừng và khoáng sản.
- Tài nguyên rừng:
Huyện Vũ Quang có nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức đa dạng, tập trung chủ yếu ở Vườn Quốc gia Vũ Quang. Vườn Quốc gia Vũ Quang tiền thân là Lâm trường Vũ Quang, sau đó đổi thành Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang rồi thành Vườn Quốc gia Vũ Quang (30/07/2002). Hiện Vườn Quốc gia Vũ Quang có khoảng 76% diện tích rừng là rừng tự nhiên bao gồm hai kiểu rừng chính:
+ Rừng kín thường xanh lá nhiệt đới (Phân bố trên độ cao 1000m). Loại rừng này chiếm khoảng 20% diện tích Vườn, nổi bật với 2 loài ưu thế là Pơ Mu Fokiana hodginsii và Hoàng Đàn Cupressus torulosa.
+ Rừng xanh kín nhiệt đới (Phân bố ở độ cao dưới 1000m) có trữ lượng cao, nhiều cây gỗ lớn. Hiện đã thống kê gần 500 loài thực vật bậc cao với nhiều loài gỗ quý hiếm như: Lát hoa, Cẩm Lai, Lim, Dổi, Pơ Mu, Hoàng đàn, Trầm hương và nhiều loài dược liệu quý.
Động vật rừng rất đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Hổ, voi (Elephas maximus), Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), bò tót, voọc, chà vá,… Tuy nhiên do lịch sử lâu đời, nhân dân trong vùng chủ yếu sống dựa vào rừng, vì vậy hiện nay tình trạng khai thác gỗ, săn bắt thú rừng ở đây vẫn diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, sự thờ ơ và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng đang dần đẩy nguồn tài nguyên rừng ở đây đi vào cạn kiệt.
- Tài nguyên khoáng sản:
Những tài nguyên khoáng sản nổi bật của huyện Vũ Quang là quặng sắt và vật liệu xây dựng. Hiện tại, quặng sắt tại xã Sơn Thọ đang được tiến hành khai thác. Những nguồn vật liệu xây dựng của huyện nổi bật là cát sỏi dọc bờ sông Ngàn Trươi đã được nhân dân trong vùng khai thác từ lâu đời. Trong công cuộc xây dựng huyện mới, những nguồn tài nguyên này đã đóng góp rất lớn cho việc xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở của huyện, tiêu biểu là đường Hồ Chí Minh – đoạn đường đi qua huyện.
3.3. Kinh tế và tiềm năng phát triển huyện Vũ Quang:
- Kinh tế:
Với sự quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, tình hình Kinh tế – Xã hội (KT-XH) của huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) tiếp tục ổn định và phát triển. Theo báo cáo năm 2023, trong số 28 chỉ tiêu về KT – XH mà Ban chấp hành Đảng bộ huyện và HĐND huyện Vũ Quang đề ra trong năm 2023, có 20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó chỉ tiêu chủ yếu như: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2023 ước đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 1,62% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm, thủy sản duy trì ổn định, một số lĩnh vực đạt kết quả khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 15.422 tấn (Đạt 118,61 % kế hoạch, bằng 110,15% so với năm 2022). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50,32 triệu đồng/người/năm (Tăng 3,35 triệu đồng so với năm 2022).
Về mặt xây dựng nông thông mới thì huyện Vũ Quang cơ bản đạt thêm 1 chỉ tiêu huyện Nông thôn mới nâng cao (An ninh trật tự – hành chính công), các tiêu chí còn lại nâng mức đạt chuẩn lên 10 – 15%. Đối với nhóm xã đăng ký xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu (Đức Lĩnh và Ân Phú) tiếp tục được các địa phương tập trung triển khai. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn huyện còn tập trung chỉnh trang khu dân cư kiểu mới, khuôn viên nhà văn hóa, trồng hàng rào xanh, cây bóng mát, xây dựng hồ xử lý nước thải,… Bình quân khung kế hoạch tại các địa phương đạt từ 85 – 90% so với kế hoạch năm.
- Làng nghề:
+ Làng gốm Cẩm Trang thuộc xã Đức Giang, huyện Vũ Quang.
+ Làng gốm Hợp Phát, thuộc xã Đức Giang, huyện Vũ Quang (Làng làm nghề gạch là chủ yếu), hiện nay do bị cạnh tranh nên sản phẩm không tiêu thụ được, dân trong làng nhiều người đi làm ăn xa.
Trước đây, thợ gốm chủ yếu nung các loại sành nhỏ như: Bình, vò, chậu liển, be, hũ, vại,… dùng trong gia đình. Ngày nay, Cẩm Trang đã nung gạch, ngói được nhiều người ưa chuộng. Nhưng do thiếu điều kiện như: Giao thông, kỹ thuật mới hiện đại, thị trường,… nên nghề gốm cổ truyền ở huyện Cẩm Trang (Có cả thôn Hợp Phát) nay đã mất mà chỉ có nghề nung gạch các loại.
- Tiềm năng phát triển kinh tế:
Vũ Quang là huyện miền núi có tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng và phong phú. Hiện nay, kinh tế huyện Vũ Quang đang ngày càng một khởi sắc, có các dự án trọng điểm đã đầu tư trên đia bàn như: Công trình Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang. Với hệ thống đồi núi, sông suối nhiều nên tài nguyên thiên nhiên rất phong phú là yếu tố thuận lợi cho sự đầu tư của các dự án trên địa bàn tạo điều kiện cho sự phát triển về du lịch sinh thái của huyện. Đặc biệt Công trình Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang hoàn thành đã có thể đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho các huyện, cho khai thác mỏ sắt Thạch Khê, còn là tiềm năng để phát triển thủy điện, du lịch sinh thái lòng hồ gắn với căn cứ địa kháng chiến chống Pháp của Phan Đình Phùng và sinh thái Vườn Quốc gia Vũ Quang. Huyện có 1/3 diện tích đồi núi đây là tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Trên địa bàn có nhiều đặc sản đang được ưa chuộng như mật mía Sơn Thọ, Mật ong, cam Bù, cam Chanh,…
THAM KHẢO THÊM: