Mục lục bài viết
1. Danh sách các phường thuộc quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng):
Thành phố Đà Nẵng được tách ra từ tỉnh Quảng Nam. Quận Ngũ Hành Sơn được chính thức thành lập trên cơ sở phường Bắc Mỹ An của thành phố Đà Nẵng (cũ) và 02 xã Hòa Hải, Hòa Qúy của huyện Hòa Vang theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1997 của Chính phủ. Đến ngày 02 tháng 3 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2005/NĐ-CP về việc chia phường Bắc Mỹ An thành 02 phường: Mỹ An và Khuê Mỹ. Do vậy, hiện nay quận Ngũ Hành Sơn có 04 phường: Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải và Hòa Quý.
Số thứ tự | Danh sách các phường thuộc quận Ngũ Hành Sơn |
1 | Phường Mỹ An |
2 | Phường Khuê Mỹ |
3 | Phường Hòa Qúy |
4 | Phường Hòa Hải |
2. Địa lý – dân cư của quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng):
- Lịch sử hình thành:
Ngày 23 tháng 1 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/1997/NĐ-CP. Theo đó, thành lập quận Ngũ Hành Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của phường Bắc Mỹ An thuộc khu vực III, thuộc thành phố Đà Nẵng (cũ) và hai xã Hòa Quý, Hòa Hải thuộc huyện Hòa Vang. Sau khi thành lập, quận có 3672 ha diện tích tự nhiên và 32533 người với 3 phường trực thuộc: Bắc Mỹ An, Hòa Quý và Hòa Hải. Ngày 2 tháng 3 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2005/NĐ-CP. Theo đó, chia phường Bắc Mỹ An thành 2 phường: Mỹ An và Khuê Mỹ.
- Địa lý:
Quận Ngũ Hành Sơn nằm ở phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 8 km; phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 12 km, phía Tây giáp huyện Hòa Vang, Cẩm Lệ và quận Hải Châu, phía Bắc giáp quận Sơn Trà, phía Nam giáp phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Quận Ngũ Hành Sơn là quận có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai khá đồng nhất về tính chất lí – hóa học, cấu tạo địa chất chủ yếu là cát; nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nên chế độ nhiệt, lượng mưa, độ ẩm tương đối thuận lợi cho sự phát triển sản xuất cây lương thực và thực phẩm, nhiệt độ trung bình: 25,6 độ C/năm. Quận Ngũ Hành Sơn quanh năm nắng lắm, mưa nhiều nhưng lượng mưa phân bố không đồng đều, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và Tây Bắc khu vực Duyên hải miền Trung và các cơn bão đổ bộ.
Quận Ngũ Hành Sơn có sông Cổ Cò chạy từ sông Hàn đến phía Nam giáp địa phận tỉnh Quảng Nam, nối Đà Nẵng với phố cổ Hội An theo chiều dài của quận gắn liền với núi đá vôi tạo thêm vẻ đẹp danh thắng Ngũ Hành Sơn; ruộng đồng, sông nước tạo nên nét dáng của làng quê Việt Nam, hội tụ đủ các yếu tố phát triển du lịch sinh thái gắn liền với làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống tạo nên cảnh đẹp “Sơn thủy hữu tình thơ mộng”.
- Diện tích:
Về diện tích tự nhiên quận Ngũ Hành Sơn có: 3911,7818 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp: 770,53 ha chiếm 19,6978% (bao gồm đất sản xuất nông nghiệp: 733,7237 ha chiếm 18,7568%, đất lâm nghiệp: 26,6985 ha chiếm 0,6825%, đất nuôi trồng thủy sản: 10,1139 ha chiếm 0.2585%), đất phi nông nghiệp: 2589,4019 ha chiếm 66,1949 % (bao gồm đất ở: 708,5649 ha chiếm 18,1136%, đất chuyên dùng: 1383,2097 ha chiếm 35,3601%; đất tôn giáo, tín ngưỡng: 20,7650 ha chiếm 0.5308%; đất nghĩa trang, nghĩa địa: 107,3276 ha chiếm 2,7437%; đất sông suối và mặt nước: 362,2047 ha chiếm 9,2593 %; đất phi nông nghiệp khác: 7,3300 ha chiếm 0,1874%); đất chưa sử dụng: 551,8438 ha chiếm 14,1072 %, đất có mặt nước ven biển: 73,9200 ha chiếm 1,8897%.
- Dân cư:
Về dân số của quận Ngũ Hành Sơn có 43 084 người với mật độ dân số: 1171 người/km2. Hiện nay, dân số tăng lên 61 441 với 16 470 hộ, trong đó số lượng người trong độ tuổi lao động là 40 765 người, chiếm 66,35% so với tổng dân số của quận. Tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm là 1,20% (theo số liệu thống kê ngày 01 tháng 4 năm 2009).
3. Khái quát về sự phát triển của quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng):
Chặng đường đã qua và chặng đường sắp tới của hành trình xây dựng và phát triển quận Ngũ Hành Sơn sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức, song tin tưởng rằng, bằng sự đồng thuận và sự nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị, quận Ngũ Hành Sơn đã đạt được những thành công lớn. Cụ thể:
- Kinh tế:
Điều dễ thấy về sự thay đổi, đó là kinh tế của quận luôn tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế được xác định là “dịch vụ- công nghiệp – nông nghiệp” chuyển dịch đúng định hướng Nghị quyết đại hội Đảng bộ quận đề ra. Cơ cấu kinh tế của quận chuyển dịch mạnh mẽ theo đúng định hướng tỷ trọng dịch vụ, du lịch, thương mại chiếm 81% và nông nghiệp – thủy sản chỉ chiếm khoảng 0,81%. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng lên đáng kể, giai đoạn 2015 – 2020 tăng bình quân hàng năm đạt 12,43%/năm. Đặc biệt, năm 2022, vượt lên những khó khăn, trở ngại quá trình bắt đầu hồi phục của nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Quận ủy, UBND quận đã nỗ lực, quyết tâm triển khai các biện pháp thu, hoàn thành các chỉ tiêu thi đua, tăng cường đôn đốc các nguồn thu. Kết quả , tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đạt 916 tỷ, đạt 151,3% so với dự toán, trong đó thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt hơn 390%, thuế thu nhập cá nhân đjat 162,9%,.. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được trên 837 tỷ đồng, đạt 106% dự toán thành phố giao, trong đó thu Phí – Lệ đạt 434% (trong đó lệ phí môn bài đạt 115,3%), thuế ngoài quốc doanh thu đạt 117%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt hơn 104%,..
- Du lịch:
Các tiềm năng về du lịch được quận đầu tư khai thác, phát triển. Đến nay, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước được nâng tầm phát triển cả về quy mô sản xuất cũng như chủng loại và chất lượng sản phẩm, đóng góp vào giá trị tăng trưởng kinh tế của quận và đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2014. Theo thống kê, năm 2023, Danh thắng Ngũ Hành Sơn thuộc quận Ngũ Hành Sơn đã đón hơn 1,7 triệu khách, tổng ngân sách hơn 74 tỷ đồng. Địa phương luôn nỗ lực đánh thức giá trị sẵn có của các điểm du lịch. Để phát triển du lịch bền vững, quận Ngũ Hành Sơn đã nỗ lực trong thực hiện các chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, mô hình vệ sinh công cộng thoải mái như ở nhà, quảng bá sản phẩm Ocoop, tổ chức Hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, đặt tượng danh nhân bằng đá trên các tuyến đường, củng cố kiện toàn Tổ 01 (10 thành viên) chống đeo bám, chèo kéo khách tại khu du lịch, danh thắng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, ứng xử thân thiện với du khách.
- Chính sách, đường lối phát triển:
Những kết quả mà quận Ngũ Hành Sơn đạt được hôm nay chính là việc cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng. Và công tác xây dựng Đảng được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định mọi sự thành bại. Đảng bộ quận đã đề ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của quận ngày càng trong sạch, vững mạnh. Theo đó, Quận ủy đang tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhất là tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị và công tác tư tưởng trong hệ thống chính trị quận Ngũ Hành Sơn.
THAM KHẢO THÊM: