Doanh nghiệp FDI hay còn được hiểu là Foreign Direct Investment, hay nói cách khác đây là hình thức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, là một trong những thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong hoạt động kinh tế quốc tế. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì doanh nghiệp FDI có được kinh doanh chuyển khẩu hay không?
Mục lục bài viết
1. Doanh nghiệp FDI được kinh doanh chuyển khẩu không?
Trước hết, kinh doanh chuyển khẩu là một trong những lĩnh vực vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh tế quốc tế. Căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP, có quy định cụ thể về vấn đề kinh doanh chuyển khẩu. Theo đó:
(1) Thương nhân Việt Nam theo quy định của pháp luật sẽ được quyền kinh doanh chuyển khẩu các loại hàng hóa theo quy định như sau:
– Đối với các loại hàng hóa cấm xuất khẩu, các loại hàng hóa cấm nhập khẩu, đối với các loại hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, các loại hàng hóa tạm ngừng nhập khẩu, các loại hàng hóa chưa được phép lưu hành và sử dụng trên lãnh thổ của Việt Nam, các loại hàng hóa thuộc danh mục quản lý bằng biện pháp hạn chế xuất khẩu, các loại hàng hóa được quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu/hạn ngạch nhập khẩu/hạn ngạch thuế quan, các loại hàng hóa được kiểm soát bằng giấy phép xuất khẩu/giấy phép nhập khẩu, ngoại trừ trường hợp giấy phép xuất khẩu tự động/hoặc giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân bắt buộc phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ công thương thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh chuyển khẩu. Trong trường hợp kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu và không thông qua cửa khẩu Việt Nam, thì các thương nhân trong trường hợp này sẽ không cần phải có giấy phép kinh doanh chuyển khẩu;
– Trường hợp hàng hóa không thuộc các trường hợp nêu trên thì thương nhân sẽ không cần phải có giấy phép kinh doanh chuyển khẩu được cấp bởi Bộ công thương.
(2) Các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật sẽ không được phép thực hiện hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.
(3) Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt, đó là hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng hàng hóa do các doanh nghiệp ký kết trực tiếp với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng mua bán hàng hóa hoàn toàn có thể ký trước hoặc cũng có thể ký sau hợp đồng hàng hóa.
(4) Hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu bắt buộc phải được đưa vào hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ của nước Việt Nam tại cùng một khu vực cửa khẩu, đồng thời đặt dưới sự kiểm tra giám sát trực tiếp của cơ quan hải quan từ khi các loại hàng hóa đó được đưa vào Việt Nam cho tới khi các loại hàng hóa đó được đưa ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam.
(5) Việc thanh toán tiền hàng kinh doanh chuyển khẩu bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền đó là Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Theo đó thì có thể nói, doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không được thực hiện hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.
Đồng thời, việc kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa sẽ do thương nhân Việt Nam thực hiện khi thương nhân Việt Nam đó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2. Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện theo các hình thức nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 của Văn bản hợp nhất
– Chuyển khẩu hàng hóa là khái niệm để chỉ việc mua hàng từ một nước hoặc một vùng lãnh thổ nhất định để bán sang một nước/vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ của Việt Nam, tuy nhiên không phải thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và không cần phải thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam;
– Chuyển khẩu hàng hóa có thể được thực hiện theo một trong những hình thức sau đây:
+ Hàng hóa được vận chuyển thẳng trực tiếp từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu và không thông qua cửa khẩu của Việt Nam;
+ Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có đi qua cửa khẩu của Việt Nam tuy nhiên hàng hóa đó không thực hiện thủ tục nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam và không thực hiện thủ tục xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
+ Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có đi qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan để bảo quản, hoặc đưa các loại hàng hóa và khu vực trung chuyển hàng hóa tại các cảng Việt Nam, tuy nhiên hàng hóa đó không thực hiện thủ tục nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam và không thực hiện thủ tục xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó thì có thể nói, chuyển khẩu hàng hóa có thể hiểu là việc mua hàng từ một nước hoặc mua hàng từ một vùng lãnh thổ nhất định để bán sang một nước, một vùng lãnh thổ khác ngoài lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời không thực hiện thủ tục nhập khẩu các loại hàng hóa đó vào Việt Nam và cũng không cần phải thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
3. Những mặt hàng nào sẽ không được phép kinh doanh chuyển khẩu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 của Luật quản lý ngoại thương năm 2017 có quy định về vấn đề cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập/tái xuất/chuyển khẩu. Theo đó:
– Cấm kinh doanh hoạt động tạm nhập, tái xuất , chuyển khẩu đối với các loại hàng hóa thuộc một trong những trường hợp sau đây: Hàng hóa được xác định là chất thải nguy hại, hàng hóa là phế liệu, các loại phế thải, hàng hóa thuộc diện bị cấm kinh doanh tạm nhập/tái xuất/chuyển khẩu theo các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hàng hóa được xác định là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng có nguy cơ gian lận thương mại, các loại hàng hóa có nguy cơ cao gây ra hiện tượng ô nhiễm môi trường, gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của con người;
– Chính phủ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể về Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu;
– Trong trường hợp để ngăn ngừa tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của con người, chuyển tải bất hợp pháp, ngăn ngừa nguy cơ gian lận thương mại, bộ trưởng Bộ công thương là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định, công bố công khai các loại hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, truyền khẩu.
Theo đó, với quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương hiện nay thì các loại hàng hóa thuộc trường hợp sau đây sẽ bị cấm chuyển khẩu:
– Các loại hàng hóa được xác định là chất thải nguy hại, phế liệu, phế thải;
– Hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Hàng hóa được xác định là hàng tiêu dùng đã qua giai đoạn sử dụng có nguy cơ gian lận thương mại;
– Các loại hàng hóa có nguy cơ cao gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lan rộng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tính mạng của con người.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại;
– Luật Quản lý ngoại thương 2017;
– Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
– Thông tư 173/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc công bố danh mục cụ thể hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Quốc phòng theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ;
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BCT năm 2023 do Bộ Công Thương ban hành hợp nhất Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
THAM KHẢO THÊM: