Trong những năm gần đây thì thương mại quốc tế có những bước tăng trưởng vượt bậc nên hình thức thanh toán quốc tế cũng xuất hiện đã dạng hơn để doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với các giao dịch. Tuy nhiên, trong các giao dịch này vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Vậy, doanh nghiệp cần biết đến rủi ro và cách phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế nào?
Mục lục bài viết
1. Thực trạng thanh toán quốc tế được sử dụng tại Việt Nam:
Thanh toán quốc tế (Payment International) là hoạt động quan trọng được thực hiện giữa các bên khi tham gia hợp đồng mua và bán hàng hoá thuộc quốc tế hoặc hợp đồng dịch vụ có yếu tố nước ngoài với mục đích chính là thanh toán khoản tiền, thực hiện nghĩa vụ cho giao dịch. Hoạt động thanh toán sẽ được hỗ trợ bởi ngân hàng và có sự linh hoạt vì chúng gắn liền với việc thay đổi tỷ giá ngoại hối;
Cũng có thể hiểu đơn giản, hoạt động thanh toán nào có chứa yếu tố nước ngoài gọi là hoạt động thanh toán quốc tế. Các yếu tố nước ngoài có thể kể đến như: Khi tham gia vào thanh toán sẽ có những đối tượng ở nhiều quốc gia khác nhau. Tối thiểu là phải xuất hiện hai quốc gia; Hoạt động thanh toán nằm trong sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật của các quốc gia; Khi tham gia thanh toán quốc tế thì ngoại tệ được tự do chuyển đổi để sử dụng. Ngoài ra có thể là thẻ chuyển khoản hoặc hối phiếu Séc;
Tại Việt Nam thì thanh toán quốc tế ngày càng diễn ra phổ biến hơn và tồn tại nhiều hình thức thanh toán trong thương mại quốc tế như: Phương thức chuyển tiền bằng điện (T/T), phương thức tín dụng chứng từ, phương thức ghi sổ, phương thức nhờ thu hộ, bảo lãnh và tín dụng dự phòng… Tuy nhiên, có hai hình thức thanh toán phổ biến thời gian qua được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lựa chọn sử dụng đó là: phương thức thanh toán tín dụng thư và phương thức thanh toán thu hộ kèm chứng từ, cụ thể:
– Trước đây, những đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ sử dụng phương thức thanh toán bằng tín dụng thư (Letter of Credit – L/C). Bản chất chính của phương thức này là hỗ trợ thanh toán thông qua ngân hàng của cả người mua và người bán. Việc thanh toán diễn ra sau khi xác nhận các điều khoản và điều kiện thương mại, người mua yêu cầu ngân hàng của mình thanh toán số tiền đã thỏa thuận của cả 2 bên cho ngân hàng của người bán. Khi đóm ngân hàng của người mua sẽ gửi L/C làm bằng chứng về số tiền đủ và hợp pháp cho ngân hàng của người bán. Và thanh toán chỉ được chuyển sau khi cả 2 bên đáp ứng tất cả các điều kiện đã nêu và lô hàng được vận chuyển.
Có thể thấy, việc sử dụng phương thức thanh toán quốc tế này là hạn chế tối đa được rủi ro cho nhà xuất nhập khẩu, bởi sự góp mặt của ngân hàng trung gian thì sẽ đảm bảo sự uy tín, chính xác trong giao dịch hơn. Phương thức L/C cũng cân bằng được lợi ích của cả đôi bên và giải quyết được mâu thuẫn không tín nhiệm nhau của bên mua và bên bán.
– Đến nay, phương thức bổ sung mới đã được doanh nghiệp Việt Nam để ý đến và áp dụng phổ biến là phương thức thanh toán thu hộ kèm chứng từ (Documents against Payment – D/P). Sở dĩ, được áp dụng nhiều vì những ưu điểm mà phương thức này đem lại đó là có tính linh hoạt và không phải đầu tư chi phí nhiều như phương thức L/C. Theo đó, người bán nộp các chứng từ mà người mua cần, chẳng hạn như vận đơn cần thiết cho việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho ngân hàng của họ. Sau đó, ngân hàng của người bán sẽ gửi các chứng từ này đến ngân hàng của người mua cùng với hướng dẫn thanh toán. Các tài liệu chỉ được phát hành để đổi lấy khoản thanh toán, khoản tiền này sẽ được chuyển ngay lập tức hoặc vào một ngày cụ thể trong tương lai.
Như vậy, thanh toán quốc tế là hoạt động không thể thiếu trong đời sống kinh tế của quốc gia, giữ vai trò rất lớn đối với các doanh nghiệp bởi chúng phục vụ được các nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.
2. Có thể kể đến những rủi ro nào trong thanh toán quốc tế?
Có thể thấy, thanh toán quốc tế có thể được thực hiện bởi đa dạng các phương thức khác nhau nhưng bên cạnh những ưu điểm thì vẫn luôn tồn tại các rủi ro nhất định, phải kể đến như:
Tình trạng khi doanh nghiệp tham gia vào thương mại quốc tế đã và đang đối diện với nguy cơ bị lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế và thanh toán điện tử. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một trong số đó phải nhắc đến là cơ sở pháp lý không thể được áp dụng thống nhất, toàn bộ bởi rào cản biên giới của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ;
Thực trạng trong những năm gần đây là cảnh báo đáng báo động bởi các cơ quan chức năng trong nước và thương vụ nước ngoài luôn thấy xuất hiện liên tục hiện tượng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế mà không ít doanh nghiệp Việt Nam đã từng mắc phải. Đặc biệt những đối tượng lừa đảo hướng tới là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam còn non trẻ khi tham gia kinh doanh, cũng chưa nắm vững các kiến thức và hiểu biết pháp lý về thanh toán thương mại quốc tế. Các rủi ro trong thanh toán thương mại quốc tế cũng đa dạng như: Rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, rủi ro tỷ giá hối đoái…
Các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn với đa dạng thức như: Giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì “hack” email hoặc tạo tài khoản email giả mạo để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.
Thêm vào đó, rủi ro lớn nhất doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải là điều khoản hợp đồng không chặt chẽ, doanh nghiệp khá chủ quan, doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ đối tác khi đặt quan hệ làm ăn và tìm đối tác qua Internet nhưng chưa có khâu kiểm tra, xác thực nguồn thông tin về đối tác nước ngoài.
3. Cách phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế:
Khi phải đối diện với những rủi ro trong thanh toán quốc tế, đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất đó là doanh nghiệp tham gia mua bán, không chỉ bị thiệt hại lớn về kinh tế mà còn bị ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của mình xây dựng. Để có thể hạn chế và tránh được những rủi ro trong thanh toán các thương vụ quốc tế, các doanh nghiệp cần rút ra bài học để tránh vướng phải những tình huống gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của mình như sau:
– Phải tìm hiểu kỹ về thông tin đối tác: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động nên việc tham gia hợp tác với bất kỳ đối tượng nào cũng cần đề cao sự hiểu biết kỹ tất cả mọi thứ. Đặc biệt lưu ý đến những đối tác giao dịch lần đầu, yêu cầu cấp các giấy tờ liên quan như: Phải kiểm tra kỹ về Giấy phép kinh doanh, ID của chủ doanh nghiệp. Luôn nâng cao cảnh giác với những doanh nghiệp mới quen biết hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau, dấu hiệu cảnh giác rõ nhất để kiểm tra độ tin cậy là khi có đơn hàng trả giá quá cao hoặc quá thấp so với mặt bằng chung.
Việc sàng lọc đối tác tham gia mua bán thì có thể thông qua trao đổi trực tiếp với đối tác hoặc thông qua bạn hàng, hiệp hội, công ty tư vấn, thương vụ, đại sứ quán để sàng lọc đối tác có uy tín. Việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài thông qua các nguồn tin công khai, từ các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng, hoặc có thể tìm hiểu thông qua Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan ngoại giao. Khi trao đổi thông tin về công việc thì nên tiến hành trên các kênh chính thức của doanh nghiệp như email, fax chính thức doanh nghiệp sử dụng trong các thương vụ trước đây;
– Đối với việc lựa chọn phương thức thanh toán:
Những phương thức được lựa chọn sử dụng cần phải có sự cân nhắc, tìm hiểu rõ về ưu điểm và nhược điểm. Chỉ khi nắm rõ được thông tin này thì mới nên chọn phương thức thanh toán phù hợp, hạn chế được các rủi ro tiềm ẩn. Đồng thời cũng có thể mua bảo hiểm tỷ giá để phòng trường hợp tỷ giá biến động phức tạp và khó dự báo.
Các nội dung về nguyên tắc, thông lệ quốc tế cũng vô cùng quan trọng cần được tìm hiểu kỹ để biết được vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Những điều khoản được xây dựng ràng buộc nghĩa vụ các bên với nhau cũng phải được đọc kỹ và nắm rõ, có thể nghiên cứu bổ sung các điều khoản thanh toán chặt chẽ. Nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Đối với thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra các mức % đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng (tốt nhất là 50% trở lên) và có các điều kiện phù hợp đi kèm;
– Đối với những doanh nghiệp Việt cần đặc biệt lưu tâm trong từng khâu trong giao dịch với các đối tác, để hạn chế được rủi ro thì chủ yếu dựa vào khả năng và sự hiểu biết, kinh nghiệm thực tế nên bản thân doanh nghiệp cũng phải đề cao để nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế của đội ngũ nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình.
THAM KHẢO THÊM: