Gian lận thuế là khái niệm để chỉ hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, hằng năm ngân sách nhà nước thất thoát một khoản thu lớn do các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi cố tình gian lận thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp. Có thể lưu ý một số hành vi gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp cần tránh trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Các hành vi gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp cần tránh:
Trước hết, gian lận thuế là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật, hành vi gian lận thuế có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến khách thể do bộ luật hình sự bảo vệ. Việc nhận diện các hành vi gian lận thuế nói chung và gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng. Nhận diện hành vi gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có thể xử lý giùm minh các hành vi vi phạm, đưa ra các giải pháp kiểm soát và nâng cao tính tuân thủ của các doanh nghiệp trong hoạt động đóng thuế. Một số hành vi gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp cần phải lưu ý như sau:
Thứ nhất, hành vi bán hàng lập hóa đơn ghi giá trị thấp hơn so với giá trị thanh toán thực tế. Đây là một trong những hiện tượng xảy ra vô cùng phổ biến tại các cơ sở kinh doanh. Việc kiểm tra và đối chiếu giá thực tế mà các cơ sở kinh doanh thu và giá ghi trên hóa đơn là rất khó khăn. Bên cạnh đó, doanh thu của các doanh nghiệp cũng có thể phát sinh từ nhiều hoạt động khác nhau và từ nhiều nơi khác nhau, vì thông thường thì các doanh nghiệp ngoài việc sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chính còn có thể sản xuất kinh doanh tại nhiều lĩnh vực khác, tuy nhiên trong quá trình kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp thì họ không kê khai hoặc kê khai thấp hơn so với giá thực tế, một số doanh nghiệp vừa bán buôn vừa bán lẻ vì vậy họ hạch toán giá bán lẻ theo giá bán buôn, từ đó gây ra nguồn thất thoát đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Thứ hai, không suất hóa đơn và kê khai doanh thu phát sinh theo định kỳ, hoặc kê khai doanh thu thấp hơn so với giá khách hàng đã thanh toán. Hành vi này thông thường sẽ gặp phải ở các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, kinh doanh dịch vụ xăng dầu, vận tải, khách sạn, kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội thất … Tương tự, hành vi này cũng có thể xuất hiện ở các cơ sở kinh doanh taxi do đặc thù thông thường là các khách hàng cá nhân không lấy hóa đơn, vì vậy cho nên tạo điều kiện giúp cho các doanh nghiệp trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ ba, hành vi gian lận về giá vốn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xác định sai giá vốn bán hàng, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh được hưởng chiết khấu mua hàng do mua hàng với số lượng lớn, hoặc các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hạch toán giá vốn sai do xác định giá trị sản phẩm không đúng. Một số doanh nghiệp còn gian lận thuế liên quan tới chi phí nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa của doanh nghiệp đó, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều khó khăn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là không thể xác định được giá trị của nguyên liệu được nhập ban đầu. Vì vậy, số thuế kê khai và nộp từ những doanh nghiệp này thông thường sẽ không đúng với tình hình thực tế.
Thứ tư, bên cạnh những hành vi phổ biến nêu trên thì một số hành vi gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp có thể kể đến bao gồm hành vi trích khấu hao tính vào chi phí vượt mức quy định, gian lận về chi phí tiền lương, gian lận chi phí hoạt động tài chính, gian lận chi phí phân bổ … Đồng thời bên cạnh đó, hành vi gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp còn có thể được thực hiện thông qua việc thực hiện không đúng quy định của pháp luật và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp có thể được đánh giá là một loại thuế được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó bao gồm ưu đãi về thuế suất và ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn. Mặc dù pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định rõ đối tượng hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, trường hợp, các điều kiện để có thể được hưởng các mức ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế không ít trường hợp doanh nghiệp lợi dụng quy định của pháp luật và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để kê khai không đúng đối tượng, mức độ được hưởng ưu đãi thuế, từ đó gây thất thoát thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó thì có thể nói, cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, hành vi gian lận thuế nói chung và thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng ngày càng diễn ra vô cùng phức tạp, quy mô lớn với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Việc tìm hiểu quy định về gian lận thuế và gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp cho người nộp thuế thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình, đây là một trong những vấn đề vô cùng cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
2. Hành vi gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 100 triệu đồng sẽ bị xử lý thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thuế và hóa đơn. Trong đó bao gồm tình tiết: Vi phạm hành chính với số thuế từ 100.000.000 đồng trở lên. Theo đó, trường hợp gian lận thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên sẽ được coi là tình tiết tăng nặng khi xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Theo đó:
– Phạt tiền 01 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Có hành vi không nộp đầy đủ thành phần hồ sơ đăng ký thuế, không nộp đầy đủ thành phần hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau khoảng thời gian 90 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, hoặc được tính kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;
+ Có hành vi không ghi chép trong sổ sách kế toán đối với các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai thuế, khai sai dẫn đến việc thiếu số thuế phải nộp, tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, tiền thuế được giảm;
+ Có hành vi không lập hóa đơn trong quá trình mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
+ Sử dụng các loại hóa đơn chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp các loại hóa đơn để khai thuế từ đó làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn/được giảm;
+ Sử dụng các loại giấy tờ chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp các loại chứng từ, sử dụng chứng từ và giấy tờ tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế, từ đó xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn phải tiền thuế được giảm, tiền thuế được hoàn, lập thủ tục và hồ sơ hủy vật tư/hàng hóa không đúng thực tế từ đó làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn/số tiền thuế được miễn hoặc được giảm;
+ Sử dụng các loại hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích, tuy nhiên không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan thuế;
+ Người nộp thuế có hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian xin ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên không thông báo với cơ quan thuế.
– Phạt tiền 1.5 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế thực hiện các hành vi nêu trên, tuy nhiên không có tình tiết tăng nặng/tình tiết giảm nhẹ;
– Phạt tiền 2.0 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện hành vi nêu trên và có một tình tiết tăng nặng;
– Phạt tiền 2.5 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế khi thực hiện một trong những hành vi nêu trên và có 02 tình tiết tăng nặng;
– Phạt tiền gấp 03 lần số tiền thuế trốn đối với những người nộp thuế thực hiện một trong những hành vi vi phạm nêu trên và có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên.
Tóm lại, gian lận thuế với số tiền trên 100.000.000 sẽ bị coi là một tình tiết tăng nặng khi xử phạt vi phạm hành chính. Và do đã có một tình tiết tăng nặng vì vậy cơ quan thuế sẽ xử phạt gấp 02 số tiền thuế đã gian lận.
3. Gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Ngoài việc bị chịu trách nhiệm vi phạm hành chính, người có hành vi gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế căn cứ theo quy định tại Điều 200 của Bộ luật hình sự năm 2015 khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, hành vi trốn thuế là mộttrong những hành vi xâm phạm đến chính sách thuế của nhà nước, từ đó làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước. Tội trốn thuế được coi là biện pháp cần thiết để góp phần ngăn chặn hành vi trốn thuế. Người thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, tức là biết hành vi của mình là hành vi vi phạm pháp luật, thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội tuy nhiên vẫn cố tình thực hiện và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Khung hình phạt có thể được áp dụng như sau:
– Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm;
– Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng, phạt tù từ 01 năm đến 03 năm;
– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng, phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
– Khung hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
THAM KHẢO THÊM: