Trưng bày hàng hóa được xem là cách thức bố trí, sắp xếp các loại sản phẩm và hàng hóa nhầm mục đích thu hút, lôi kéo người dùng, tạo ra sự khác biệt trong thị trường. Khi các sản phẩm được trưng bày đẹp mắt thì người mua sẽ dễ dàng tiếp cận, thúc đẩy quá trình mua sắm. Vậy văn phòng đại diện có được phép trưng bày hàng hóa hay không?
Mục lục bài viết
1. Văn phòng đại diện có trưng bày hàng hóa được không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 của Văn bản hợp nhất
– Chi nhánh theo quy định của pháp luật và các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, chi nhánh có chức năng và nhiệm vụ thực hiện toàn bộ chức năng hoặc thực hiện một phần chức năng của doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền cho doanh nghiệp. Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh bắt buộc phải đúng với ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký;
– Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, văn phòng đại diện có chức năng và nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền xuất phát từ lợi ích của các doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích đó. Văn phòng đại diện sẽ không được phép thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp;
– Địa điểm kinh doanh theo quy định của pháp luật là nơi các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Pháp luật hiện nay cũng đã quy định cụ thể về vấn đề trưng bày hàng hóa. Căn cứ theo quy định tại Văn bản hợp nhất
– Thương nhân Việt Nam, các chi nhánh của thương nhân Việt Nam, các chi nhánh của thương nhân nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam sẽ có quyền trưng bày hàng hóa, giới thiệu hàng hóa và cung ứng dịch vụ, có quyền lựa chọn các loại hình trưng bày và giới thiệu hàng hóa, cung ứng dịch vụ sao cho phù hợp, có quyền tự mình tổ chức trưng bày hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày hàng hóa, giới thiệu hàng hóa và cung ứng dịch vụ để tiến hành hoạt động trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ mà mình đang cung cấp;
– Văn phòng đại diện của các thương nhân theo quy định của pháp luật sẽ không có quyền được phép trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của thương nhân do mình đại diện, ngoại trừ trường hợp việc trưng bày và giới thiệu hàng hóa tại trụ sở của văn phòng đại diện đó. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, văn phòng đại diện sẽ có quyền ký kết hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ để thực hiện thủ tục trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ cho thương nhân mà mình đại diện;
– Thương nhân nước ngoài chưa được phép hoạt động thương mại trên lãnh thổ của Việt Nam muốn trưng bày và giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của mình trên lãnh thổ của nước Việt Nam thì bắt buộc cần phải ký kết hợp đồng thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam để thương nhân đó thực hiện thay.
Theo đó thì có thể nói, về bản chất, văn phòng đại diện của các thương nhân sẽ không được phép trực tiếp trưng bày hàng hóa. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, văn phòng đại diện có thể sẽ được trưng bày hàng hóa nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Văn phòng đại diện của thương nhân trực tiếp trưng bày hàng hóa của thương nhân mà mình đại diện tại các địa điểm là trụ sở chính của văn phòng đại diện đó;
– Văn phòng đại diện của thương nhân trưng bày hàng hóa của thương nhân mà mình đại diện khi được sự ủy quyền của thương nhân đó.
2. Xử phạt hành vi vi phạm về trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của văn phòng đại diện:
Theo như phân tích nêu trên, văn phòng đại diện sẽ có quyền trưng bày hàng hóa khi thỏa mãn các điều kiện luật định. Căn cứ theo quy định tại Điều 34 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Có hành vi trưng bày, giới thiệu hàng hóa với các thông tin liên quan đến hàng hóa được trưng bày, hàng hóa được giới thiệu không đúng với các loại hàng hóa đang kinh doanh hoặc sẽ kinh doanh;
+ Trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của thương nhân khác nhằm mục đích so sánh với hàng hóa của mình, ngoại trừ trường hợp đem so sánh với các loại hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trái quy định của pháp luật;
+ Trưng bày, giới thiệu hàng hóa không có nhãn mác hàng hóa hoặc các loại hàng hóa có nhãn mác không đúng quy định của pháp luật;
+ Trưng bày, giới thiệu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công bố và đang áp dụng trên thị trường, trưng bày và giới thiệu các loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các loại hàng hóa đã hết thời hạn sử dụng.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Văn phòng đại diện của các thương nhân trực tiếp tiến hành hoạt động trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của thương nhân mà mình đại diện, tuy nhiên trưng bày tại các địa điểm không phải là trụ sở chính của văn phòng đại diện đó;
+ Văn phòng đại diện của các thương nhân thực hiện hoạt động trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của thương nhân mà mình đại diện khi chưa nhận được sự ủy quyền hợp pháp của thương nhân đó.
Theo đó thì có thể nói, hành vi vi phạm về trưng bày và giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của văn phòng đại diện có thể sẽ bị xử phạt với mức cao nhất là 30.000.000 đồng.
3. Các trường hợp cấm trưng bày, giới thiệu hàng hoá và dịch vụ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 123 của Văn bản hợp nhất luật thương mại năm 2019 có quy định về các trường hợp cấm trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ. Cụ thể bao gồm các trường hợp sau:
– Tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc sử dụng các loại hình thức trưng bày, phương tiện trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh trật tự an toàn xã hội, cảnh quan môi trường đô thị và sức khỏe con người;
– Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc sử dụng các loại hình thức trưng bày, phương tiện trưng bày, giới thiệu hàng hóa/dịch vụ trái với truyền thống lịch sử, trái với văn hóa đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam;
– Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ làm lộ bí mật nhà nước;
– Trưng bày, giới thiệu hàng hóa của các thương nhân khác nhằm mục đích so sánh trực tiếp với các loại hàng hóa mà mình đang kinh doanh, ngoại trừ trường hợp hàng hóa so sánh được xác định là hàng giả và các mặt hàng bị phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ;
– Trưng bày, giới thiệu các mẫu hàng hóa không đúng với các sản phẩm, hàng hóa mà mình đang kinh doanh trên thực tế về chất lượng, giá cả, công dụng, kiểu dáng, thời hạn bảo hành, bao bì, chủng loại … và các tiêu chí chất lượng khác nhằm mục đích lừa dối khách hàng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại;
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022 Luật Doanh nghiệp;
– Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;
– Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định xử phạt VPHC lĩnh vực hóa chất; điện lực; hoạt động thương mại, dầu khí.
THAM KHẢO THÊM: