Nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải tiến tư pháp, pháp luật Việt Nam đã chính thức bỏ sổ hộ khẩu để quản lý dân cư thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia. Vì vậy hiện nay nhiều người dân thắc mắc, tại sao phải xin giấy xác nhận cư trú sau khi bỏ sổ hộ khẩu?
Mục lục bài viết
1. Tại sao phải xin giấy xác nhận cư trú khi bỏ sổ hộ khẩu?
Có thể nói, hoạt động bỏ sổ hộ khẩu, bò sổ tạm trú giấy trong quá trình quản lý dân cư là một trong những thủ tục cải cách hướng tới mục tiêu đơn giản hóa quá trình quản lý hành chính dân cư. Trước đây, nhiều người dân đã quá quen thuộc với quá trình sử dụng sổ hộ khẩu để chứng minh nơi cư trú hợp pháp khi tham gia các giao dịch dân sự hoặc tham gia các thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, kể từ năm 2023, pháp luật đã quy định bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú bằng giấy. Theo đó, tất cả sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy đều không còn giá trị hiệu lực theo Luật cư trú.
Sau khi quy định về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu, nhiều người dân cần phải thực hiện thủ tục nộp bản sao hoặc xuất trình các loại giấy tờ xác nhận nơi cư trú hợp pháp để thay thế cho sổ hộ khẩu. Không ít người dân tỏ ra hoang mang và lo lắng khi thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận cư trú, họ đặt ra câu hỏi: Tại sao phải xin giấy xác nhận cư trú sau khi bỏ sổ hộ khẩu? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật và tình hình thực tế áp dụng pháp luật.
Về quy định của pháp luật, để giải quyết vấn đề xác nhận thông tin cư trú của công dân sau khi bỏ sổ hộ khẩu, Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công hiện nay đang có hiệu lực pháp luật. Theo đó, các thủ tục hành chính có yêu cầu nộp sổ hộ khẩu sẽ được thay thế bằng việc khai thác và sử dụng thông tin cư trú thông qua một trong những phương thức cơ bản sau:
– Tra cứu thông tin, khai thác thông tin thông qua Hệ thống thông tin của bộ, tỉnh đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư hoặc khai thác thông tin thông qua cổng dịch vụ công quốc gia;
– Tra cứu thông tin thông qua tài khoản định danh điện tử cá nhân trên ứng dụng của Bộ công an;
– Sử dụng các thiết bị tra cứu thông tin trên điện thoại hoặc thẻ chip trên căn cước công dân đã gắn chíp để kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư.
Bên cạnh đó, trong trường hợp không thể thực hiện hoạt động khai thác thông tin cư trú theo một trong những phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu công dân xuất trình một trong những loại giấy tờ có giá trị chứng minh nơi cư trú hợp pháp như sau:
– Căn cước công dân;
– Chứng minh thư nhân dân;
– Giấy xác nhận cư trú;
– Giấy thông báo mã số định danh cá nhân.
Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề áp dụng pháp luật sau khi có quy định bò sổ hộ khẩu là một điều vô cùng khó khăn. Nhiều địa phương hiện nay thực hiện chưa nghiêm chỉnh quy định và chỉ đạo của Chính phủ, dẫn đến tình trạng gây phiền hà và nhiều sách cho nhiều cá nhân và tổ chức trong xã hội. Trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà người dân không thể xuất trình căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân, khi đó cán bộ sẽ yêu cầu họ xuất trình giấy xác nhận cư trú, vì vậy giấy xác nhận cư trú đã trở thành một loại giấy tờ phổ biến khi thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại một số địa bàn miền núi như Gia Lai, Phú Yên … hiện nay vẫn chưa hoàn thành quá trình kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vì vậy các loại giấy tờ có giá trị chứng minh nơi cư trú sẽ được sử dụng trong trường hợp này.
Tóm lại, khi giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ quan có thẩm quyền, cần phải ưu tiên hoạt động khai thác và sử dụng thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên trong trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân, khi đó có thể yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận nơi cư trú hợp pháp. Có thể kể đến một số lý do người dân cần phải cung cấp giấy xác nhận cư trú như sau:
Thứ nhất, vẫn còn một số cơ quan và đơn vị giải quyết thủ tục hành chính chưa hoàn thành quá trình kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó không thể khai thác và sử dụng thông tin trên cơ sở dữ liệu dân cư;
Thứ hai, nhiều địa phương dù đã kết nối dữ liệu với cơ sở quốc gia về dân cư, tuy nhiên vẫn còn hạn chế trong quá trình sử dụng và khai thác, mức độ áp dụng khoa học kĩ thuật vẫn còn chưa phát triển, vì vậy quá trình khai thác và sử dụng thông tin trên cơ sở dữ liệu dân cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, nhiều nơi cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư chưa đầy đủ, nhiều thông tin chưa chính xác.
Thứ tư, trong một số trường hợp người dân làm mất các loại giấy tờ như căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, khi đó cần phải sử dụng các loại giấy tờ khác để thay thế, đó là giấy xác nhận nơi cư trú.
2. Có bắt buộc phải xin giấy xác nhận cư trú thay cho sổ hộ khẩu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, có quy định cụ thể về vấn đề khai thác và sử dụng thông tin về cư trú của công dân. Theo đó, cần phải khai thác và sử dụng thông tin về cư trú của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua các phương thức cơ bản sau:
– Tra cứu thông tin cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia;
– Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân trên ứng dụng của Bộ công an;
– Sử dụng thiết bị đọc mã QR hoặc thiết bị đọc chíp đối với thẻ căn cước công dân có gắn chíp.
Đồng thời, Điều 14 của Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, cũng có ghi nhận, các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo mã số định danh cá nhân và thông tin công dân cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó thì có thể nói, trong trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú trên cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng của Bộ công an hoặc ứng dụng đọc chíp trên thẻ căn cước công dân, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu người dân xuất trình một trong những loại giấy tờ có giá trị chứng minh về cư trú, trong đó có giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, giấy xác nhận cư trú không phải là một loại giấy tờ duy nhất có giá trị chứng minh thông tin về cư trú của cá nhân. Giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú của cá nhân còn có thể bao gồm thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân.
Vì vậy, giấy xác nhận cư trú có thể thay thế cho sổ hộ khẩu khi có quy định bỏ sổ hộ khẩu, tuy nhiên giấy xác nhận cư trú không phải là loại giấy tờ bắt buộc cần phải sử dụng thay cho hộ khẩu.
3. Thời gian và thủ tục cấp giấy xác nhận cư trú:
Trình tự và thủ tục xin cấp giấy xác nhận cư trú sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Cá nhân có nhu cầu xin giấy xác nhận cư trú chuẩn bị hồ sơ.
Bước 2: Nộp hồ sơ tụi công an cấp xã/phường.
Bước 3: Cơ quan đăng ký cư trú sẽ tiến hành hoạt động kiểm tra hồ sơ. Trong trường hợp nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì sẽ tiếp nhận hồ sơ, cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người đăng ký. Trong trường hợp nhận thấy hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, hồ sơ còn thiếu thì sẽ hướng dẫn bổ sung và hoàn thiện hồ sơ, cấp phiếu hướng dẫn bổ sung và hoàn thiện hồ sơ cho người đăng ký. Trong trường hợp hồ sơ không đáp ứng đầy đủ điều kiện để cấp giấy xác nhận cư trú thì sẽ từ chối, cấp phiếu từ chối tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người đăng ký.
Bước 4: Nhận kết quả. Căn cứ vào ngày hẹn trên phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, công dân sẽ đến trụ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận kết quả. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính trong trường hợp này được xác định là giấy xác nhận nơi cư trú.
Nhìn chung, thời hạn giải quyết khi thực hiện thủ tục hành chính cấp giấy xác nhận cư trú cũng khá nhanh. Kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú cần phải xác nhận thông tin về cư trú của công dân trong phải thời gian 01 ngày làm việc đối với trường hợp thông tin đã có đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tối đa trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc đối với trường hợp cần phải xác minh thêm thông tin của cá nhân. Trong trường hợp từ chối giải quyết thì cần phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do chính đáng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công;
– Quyết định 62/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực bảo hiểm y tế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công;
– Nghị định 92/2023/NĐ-CP bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.
THAM KHẢO THÊM: