Giám định tư pháp được xem là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có vai trò vô cùng quan trọng phục vụ đắc lực cho quá trình thi hành án hình sự. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải?
Mục lục bài viết
1. Quy trình giám định tư pháp lĩnh vực giao thông vận tải:
Pháp luật đã có những quy định cụ thể về quy trình, trình tự và thủ tục tiến hành hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Thông tư 07/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ được thực hiện thông qua các giai đoạn như sau:
Bước 1: Tiến hành hoạt động tiếp nhận trưng cầu và tiếp nhận đối tượng giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, các cá nhân và tổ chức được trưng cầu giám định sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ tiếp nhận trưng cầu giám định, kèm theo các loại giấy tờ và hồ sơ tài liệu đi theo trưng cầu giám định đó, tiếp nhận đối tượng trưng cầu để thực hiện giám định, ngoại trừ trường hợp được quyền từ chối giám định. Sau đó, thực hiện hoạt động giao và nhận các loại hồ sơ giấy tờ tài liệu, giao đối tượng trưng cầu giám định cho cơ quan có thẩm quyền, lập thành biên bản theo mẫu do pháp luật quy định, hiện nay đang được thực hiện theo mẫu tại phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Sẽ chỉ được phép nhận văn bản trưng cầu giám định hợp lệ và đúng đối tượng được trưng cầu. Khi tiếp nhận đối tượng cần giám định và các loại tài liệu có liên quan, các loại mẫu đang trong tình trạng niêm phong thì cần phải mở ra để kiểm tra niêm phong đó. Trong quá trình mở niêm phong thì cần phải được mở trước mặt người thực hiện giám định, người trưng cầu giám định và những người chứng kiến khác. Mọi thông tin và diễn biến liên quan đến quá trình mở niêm phong sẽ cần phải được ghi thành biên bản phải có chữ ký của tất cả các bên tham gia và người chứng kiến theo mẫu tại phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Bước 2: Chuẩn bị giám định. Trong giai đoạn chuẩn bị giám định, cần phải thực hiện các hoạt động như sau:
– Tổ chức được trưng cầu giám định sẽ căn cứ vào giấy tờ và tài liệu trưng cầu giám định phân công, cử những người có trình độ chuyên môn và khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung để thực hiện hoạt động giám định trên thực tế. Quá trình phân công người chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải trong trường hợp cần phải có từ hai người trở lên thực hiện hoạt động giám định thì cần phải ban hành quyết định tiến hành giám định tư pháp theo mẫu tại phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải;
– Các tổ chức và cá nhân được trưng cầu sẽ tiến hành hoạt động nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan để chuẩn bị thực hiện hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải;
– Trong trường hợp cần phải làm thêm một số nội dung trưng cầu giám định, làm rõ một số nội dung liên quan đến đối tượng giám định thì cần phải có văn bản đề nghị người trưng cầu cung cấp thêm thông tin và tài liệu giấy tờ có liên quan đến nội dung và đối tượng đó;
– Trong trường hợp cần thiết, các tổ chức và cá nhân được trưng cầu giám định tư pháp sẽ tổ chức hoạt động lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn trước khi đưa ra đánh giá cuối cùng.
Bước 3: Thực hiện giám định trên thực tế. Trong giai đoạn này sẽ bao gồm các nội dung sau:
– Tổ chức và cá nhân được trưng cầu sẽ xem xét đối tượng giám định và xem xét các loại giấy tờ có liên quan để thực hiện hoạt động giám định theo đúng nội dung được trưng cầu;
– Người thực hiện hoạt động giám định tư pháp sẽ phải có nghĩa vụ ghi nhận kịp thời, ghi nhận trung thực và đầy đủ toàn bộ quá trình giám định, trong đó bao gồm cả kết quả thực hiện hoạt động giám định. Quá trình ghi nhận phải được lập thành văn bản và được lưu giữ. Văn bản ghi nhận quá trình giám định sẽ được thực hiện theo mẫu tại phụ lục số IV ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Bước 4: Kết luận giám định. Căn cứ vào kết quả giám định, kết quả xét nghiệm và tất cả các kết luận chuyên môn khác, căn cứ vào quy định của pháp luật có liên quan, các tổ chức và cá nhân sẽ đưa ra kết luận giám định. Kết luận giám định sẽ cần phải được thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Luật giám định tư pháp năm 2020.
Bước 5: Bàn giao kết luận giám định. Các tổ chức và cá nhân sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu giám định. Biên bản bàn giao kết luận giám định sẽ được thực hiện theo mẫu tại phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Bước 6: Lập hồ sơ và lưu giữ hồ sơ giám định. Hồ sơ giám định sẽ cần phải bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau đây: Quyết định trưng cầu giám định và các tài liệu kèm theo quyết định trưng cầu, biên bản giao đối tượng trưng cầu giám định, biên bản nhận hồ sơ và nhận đối tượng trưng cầu giám định, văn bản ghi nhận quá trình thực hiện hoạt động giám định, ảnh giám định nếu có ảnh, kết quả xét nghiệm và thực hiện khám nghiệm, kết luận giám định và các tài liệu khác có liên quan đến toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động giám định.
2. Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải:
Thời gian giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Thông tư 07/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, thời gian giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải bao gồm:
– Thời gian giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải hiện nay đang được xác định tối đa là 03 tháng;
– Đối với những vụ việc giám định trong lĩnh vực giao thông vận tải có tính chất phức tạp và khối lượng công việc nhiều thì thời gian có thể dài hơn, tối đa là 04 tháng;
– Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải có thể được gia hạn theo quyết định của các cơ quan trưng cầu giám định, tuy nhiên không được vượt quá một phần hai (1/2) thời gian giám định tối đa theo quy định của pháp luật;
– Trong trường hợp có vấn đề phát sinh và nhận thấy có cơ sở rõ ràng cho rằng vụ việc giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải không thể hoàn thành đúng thời hạn thì các tổ chức và cá nhân thực hiện hoạt động giám định cần phải kịp thời thông báo bằng văn bản đến người có thẩm quyền, trong văn bản đó cần phải nêu rõ cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, để có thể đưa ra kết luận giám định chính xác.
3. Thành lập hội đồng giám định tư pháp lĩnh vực giao thông vận tải:
căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Thông tư 07/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải, có quy định cụ thể về vấn đề thành lập hội đồng giám định. Cụ thể như sau:
– Việc thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ cần phải được thực hiện trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại liên quan đến cùng một nội dung giám định, hoặc có thể được thành lập theo yêu cầu của người trưng cầu giám định;
– Hội đồng giám định sẽ do chủ thể có thẩm quyền đó là bộ trưởng Bộ giao thông vận tải ra quyết định thành lập để có thể tiến hành hoạt động giám định lại lần thứ hai;
– Quá trình thành lập hội đồng giám định sẽ được thực hiện cụ thể như sau:
+ Thủ trưởng các cơ quan tham mưu thuộc bộ sẽ có thẩm quyền giao chủ trì xử lý văn bản trưng cầu giám định, tham mưu cho các lãnh đạo để đưa ra các văn bản gửi đến cơ quan và đơn vị có liên quan, đề cử ra người thực hiện hoạt động giám định tư pháp sao cho phù hợp với nội dung và đối tượng trưng cầu giám định. Trên cơ sở văn bản cử người của các cơ quan tham mưu thuộc bộ được giao chủ trì xử lý văn bản trưng cầu giám định sẽ xem xét và trình lên bộ trưởng để đưa ra quyết định thành lập hội đồng giám định;
+ Hội đồng giám định cần phải có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn nghiệp vụ cao, và đó phải là những người có uy tín trong lĩnh vực giao thông vận tải và lĩnh vực cần giám định;
+ Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể căn cứ theo quy định tại Điều 28 của Luật giám định tư pháp năm 2020.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 07/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.