Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật mà hiện nay các tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản xuất hiện khá phổ biến, trong đó có tội Cướp tài sản. Vậy tội cướp giật tài sản không có giá trị, đồ giả có bị đi tù không?
Mục lục bài viết
1. Cấu thành tội cướp giật tài sản:
Điều 136 BLHS quy định tội cướp giật tài sản nhưng không mô tả cụ thể những dấu hiệu của tội này mà chỉ nêu tội danh, nhưng qua thực tiễn xét xử tội cướp giật tài sản có những dấu hiệu pháp lý sau:
Tội cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản một cách công khai
* Khách thể của tội phạm:
Hành vi cướp giật tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Người phạm tội cướp giật tài sản trước hết có hành vi xâm phạm đến thân thể, đến tự do của nạn nhân để qua đó có thể xâm phạm được sở hữu. Do vậy, cả hai quan hệ xã hội bị xâm hại đều được coi là khách thể trực tiếp của tội cướp tài sản. Tuy nhiên, mục đích chính của người phạm tội là nhằm vào sở hữu vậy nên khách thể chính của tội này chính là quyền sở hữu tài sản của con người.
* Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội cướp giật tài sản là đòi hỏi có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định.
* Hành vi phạm tội:
Hành vi phạm tội của tội cướp giật tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản. Khác với tội cướp và tội cưỡng đoạt tài sản, CTTP tội cướp giật tài sản đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt không còn là mục đích hành động mà phải được thực hiện trong thực tế. Cướp giật tài sản sẽ không gồm các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay thủ đoạn nào khác để uy hiếp tinh thần người quản lý tài sản, nếu các đối tượng có sử dụng những hành vi này để chiếm đoạt tài sản thì được xem xét là hành vi cướp tài sản. Hành vi chiếm đoạt tài sản ở tội cướp giật tài sản có hai dấu hiệu để phân biệt với những hành vi chiếm đoạt ở các tội phạm khác đó là dấu hiệu công khai và dấu hiệu nhanh chóng:
* Dấu hiệu công khai:
Dấu hiệu này vừa chỉ tính chất khách quan của hành vi chiếm đoạt vừa thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội. Hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là có tính chất công khai nếu hình thức thực hiện cho phép chủ tài sản có khả năng biết ngay khi hành vi này xảy ra. Ý thức công khai của người phạm tội khi thực hiện hành vi chiếm đoạt có nghĩa là người phạm tội biết hành vi chiếm đoạt của mình có tính chất công khai và hoàn toàn không có ý định che giấu hành vi đó.
* Dấu hiệu nhanh chóng
Dấu hiệu phản ánh thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt của người cướp giật tài sản. Đó là thủ đoạn lợi dụng sơ hở của chủ tài sản (sơ hở này có thể là có sẵn hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra) nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh. Thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt có thể diễn ra dưới những hình thức khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của tài sản chiếm đoạt, vị trí, cách thức giữ tài sản cũng như những hoàn cảnh bên ngoài khác. Thông thường hình thức nhanh chóng chiếm đoạt có thể là giật lấy tài sản, giành lấy tài sản và nhanh chóng tẩu thoát.
Với thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt tài sản như vậy, người phạm tội mong muốn chủ tài sản không kịp có điều kiện phản ứng ngăn cản việc chiếm đoạt và do vậy hoàn toàn không có ý định dùng bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó trực tiếp với chủ tài sản.
2. Cướp giật tài sản không có giá trị, đồ giả có bị đi tù không?
Tội cướp giật tài sản không có quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội, hơn nữa đây là tội phạm có cấu thành vật chất, nghĩa là tội phạm chỉ hoàn thành khi đã chiếm đoạt được tài sản. Nếu thực hiện hành vi cướp giật nhưng chưa giật được tài sản thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Hành vi cướp giật ở đây có các dấu hiệu như công khai, nhanh chóng nhưng không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Điều 171 Bộ luật Hình sự quy định người nào có hành vi cướp giật tài sản thì bị phạt tù, điều luật này không quy định mức tài sản chiếm đoạt là bao nhiêu thì mới bị phạt tù. Như vậy, chỉ cần có hành vi cướp giật và đủ yếu tố cấu thành tội cướp giật thì sẽ bị truy cứu TNHS.
Vậy nên ngay cả trong trường hợp cướp giật tài sản có giá trị rất nhỏ, hoặc không có giá trị hoặc đồ giả người thực hiện hành vi cướp giật vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp giật tài sản nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo như phân tích ở trên. Số tiền chiếm đoạt là tình tiết định khung để xác định khung hình phạt tương ứng chứ không phải là căn cứ để xem xét có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
3. Hình phạt đối với tội cướp giật tài sản:
Điều luật quy định tội cướp giật tài sản có 4 khung hình phạt:
* Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
* Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Khung này được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau:
– Tẩu thoát không phải là dấu hiệu bắt buộc mà chỉ là thủ đoạn nhanh chóng lần tránh của kẻ cướp giật.
– Có tổ chức
– Có tính chất chuyên nghiệp
– Tái phạm nguy hiểm
– Dùng thủ đoạn nguy hiểm. Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi nhanh chóng chiếm đoạt bằng những hình thức dễ dàng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của chủ tài sản. Ví dụ: Giật tài sản của người đang đi xe máy…
– Hành hung để tẩu thoát. Đây là trường hợp người phạm tội đã có hành vi dùng sức mạnh chống lại việc bắt giữ để tầu thoát. Việc chống trả này không đòi hỏi phải gây thương tích. Mục đích của việc chống trả là nhằm để tẩu thoát. Nếu nhằm để giữ bằng được tài sản vừa cướp giật thì là trường hợp chuyển hoá từ cướp giật thành cướp tài sản.
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác với tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng
– Gây hậu quả nghiêm trọng
* Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Khung này được áp dụng trong trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác với tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
– Gây hậu quả rất nghiêm trọng
* Khung hình phạt tăng nặng thứ ba có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Khung này được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác với tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
– Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Hình phạt bổ sung được quy định cho tội này là hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017