Trong quá trình hoạt động kinh doanh không hiệu quả, các hợp tác xã có nhu cầu được chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp. Dưới đây là quy định của pháp luật về việc hướng dẫn thực hiện thủ tục chuyển đổi hợp tác xã sang công ty mới nhất có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã sang công ty mới nhất:
Trước hết, hợp tác xã là khái niệm để chỉ tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập, có sự hỗ trợ và tương tác lẫn nhau trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác xã hoạt động là nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu và đời sống chung của các thành viên, hoạt động dựa trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quá trình quản lý. Bên cạnh đó, pháp luật cũng đưa ra khái niệm cụ thể về doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp là các tổ chức có tên riêng, có tài sản riêng, có trụ sở giao dịch, doanh nghiệp là các tổ chức được đăng ký thành lập phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận.
Căn cứ theo quy định tại Công văn 3763/BKHĐT-HTX của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình tổ chức khác, có hướng dẫn về việc chuyển đổi hợp tác xã sang công ty như sau:
Bước 1: Tiến hành đại hội thành viên. Theo quy định của pháp luật, trong quá trình thực hiện hoạt động chuyển đổi hợp tác xã sang công ty, sẽ cần phải tổ chức đại hội thành viên, sau đó ra nghị quyết về việc chuyển đổi hợp tác xã. Quá trình chuẩn bị đại hội thành viên sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 31, Điều 32 và Điều 33 của Luật hợp tác xã năm 2023. Đồng thời, đại hội thành viên sẽ biểu quyết và ra nghị quyết về việc giải thể tự nguyện của hợp tác xã, để từ đó thực hiện thủ tục chuyển đổi hợp tác xã căn cứ theo quy định tại Điều 34 của Luật hợp tác xã năm 2023.
Bước 2: Tiến hành thủ tục giải thể tự nguyện hợp tác xã. Hợp tác xã giải thể tự nguyện sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật hợp tác xã năm 2023. Thủ tục giải thể tự nguyện hợp tác xã sẽ cần phải tuân thủ theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Hội đồng giải thể sẽ thực hiện các công việc cơ bản như sau:
– Lập báo cáo kiểm kê, đánh giá toàn bộ tình hình hoạt động, tài chính của hợp tác xã;
– Xác định giá trị tài sản, số vốn, quỹ của hợp tác xã;
– Xác định và phân loại các khoản nợ, danh sách chủ nợ, người vay nợ, nguồn gốc nợ và giá trị nợ của hợp tác xã;
– Lập danh sách thành viên, người lao động, tổng hợp các nghĩa vụ của hợp tác xã;
– Lập danh sách các hợp đồng kinh tế, các nghĩa vụ của hợp tác xã;
– Xây dựng phương án xử lý tài sản, xây dựng phương án xử lý các Khoản nợ, thanh lý các hợp đồng kinh tế của hợp tác xã, sau đó thông báo công khai cho các thành viên và người lao động của hợp tác xã về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng, xử lý tài sản và số vốn của hợp tác xã;
– Nếu các thành viên, người lao động, các cá nhân và tổ chức có liên quan đến hợp tác xã đồng ý với phương án giải thể tự nguyện, hội đồng giải thể sẽ lập biên bản, thống nhất phương án giải thể tự nguyện với các nhóm đối tượng đó;
– Tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền;
– Gửi hồ sơ đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã, nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính;
– Cơ quan đăng ký hợp tác xã ra xác nhận về việc giải thể tự nguyện của hợp tác xã.
Bước 3: Thành lập tổ chức mới theo quy định của pháp luật. Quá trình thành lập tổ chức mới sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
2. Xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển đổi hợp tác xã sang công ty:
Cũng căn cứ theo quy định tại Công văn 3763/BKHĐT-HTX của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình tổ chức khác, có quy định cụ thể về việc xử lý các vấn đề có liên quan khi hợp tác xã chuyển đổi sang công ty. Cụ thể như sau:
– Trong trường hợp các thành viên của hợp tác xã có nhu cầu rồi khỏi hợp tác xã trước thời điểm tiến hành thủ tục giải thể tự nguyện, thì sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 51 của Luật hợp tác xã năm 2023, đồng thời cần phải giải quyết xong trước khi tiến hành thủ tục giải thể tự nguyện của hợp tác xã. Đối với các thành viên khác, sẽ được hoàn trả giá trị còn lại theo tỷ lệ vốn góp dựa trên tổng số vốn điều lệ của hợp tác xã sau khi hợp tác xã đã thực hiện xong thủ tục giải thể tự nguyện;
– Các vấn đề về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hợp tác xã, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho hợp tác xã sẽ hết hiệu lực được tính kể từ thời điểm hợp tác xã thông báo giải thể tự nguyện;
– Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu để áp dụng tại Công văn 3763/BKHĐT-HTX của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình tổ chức khác, được sửa đổi hoặc bổ sung, thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới, thì sẽ áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật mới đó.
3. Các trường hợp giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
Căn cứ theo quy định tại Điều 97 của Luật hợp tác xã năm 2023 có quy định cụ thể về các trường hợp giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã thực hiện thủ tục giải thể theo một trong những trường hợp cơ bản sau đây:
– Tự nguyện giải thể theo nghị quyết của đại hội thành viên;
– Giải thể bắt buộc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án, hoặc khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, chưa trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.
Như vậy có thể nói, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã sẽ bị giải thể khi thuộc một trong hai trường hợp cơ bản nêu trên.
Đồng thời, pháp luật cũng quy định thêm, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã sẽ chỉ được phép tiến hành giải thể theo quy định của pháp luật khi đảm bảo thanh toán đầy đủ hết các khoản nợ phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản khác, đồng thời không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án hoặc trọng tài thương mại.
Người đại diện theo quy định của pháp luật, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên của hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc làm việc trong hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, những người được xác định là người giữ chức danh có liên quan khác trong hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã sẽ phải có trách nhiệm phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về các khoản nợ của hợp tác xã, liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ của liên hiệp hợp tác xã khi thực hiện thủ tục giải thể, đồng thời các đối tượng đó cũng cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cá nhân về các thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra trên thực tế do việc không thực hiện, thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ quy định về giải thể hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022
– Luật Hợp tác xã năm 2023;
– Công văn 3763/BKHĐT-HTX của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình tổ chức khác.