Trong quá trình thành lập doanh nghiệp, hoạt động đăng ký kinh doanh là một trong những thủ tục bắt buộc cần phải thực hiện. Vậy người chưa thành niên có được thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hay không?
Mục lục bài viết
1. Người chưa thành niên có được đăng ký kinh doanh không?
Trước hết, pháp luật hiện nay đã đưa ra quy định cụ thể về người chưa thành niên. Căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật dân sự năm 2015, người chưa thành niên là khái niệm để chỉ người chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể như sau:
– Người chưa thành niên theo quy định của pháp luật là khái niệm để chỉ những đối tượng chưa đủ 18 tuổi;
– Giao dịch dân sự của những người chưa đủ 16 tuổi trẻ cần phải được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của người đó, tức là sẽ do người đại diện theo pháp luật thực hiện và xác lập;
– Những người từ đủ 05 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi trong quá trình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật thì cần phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp các giao dịch dân sự nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu đời sống sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi của những người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi;
– Những đối tượng được xác định là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi sẽ có quyền tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật, ngoại trừ các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, các loại động sản cần phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền hoặc các giao dịch khác theo quy định của pháp luật bắt buộc phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Theo đó thì có thể nói, người chưa thành niên là khái niệm để chỉ những người chưa đủ 18 tuổi. Hiện nay, nhiều người đặt ra câu hỏi: Người chưa thành niên có được thực hiện hoạt động đăng ký kinh doanh hay không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Văn bản hợp nhất
– Các tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật sẽ có quyền thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp trên lãnh thổ của Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, ngoại trừ các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 17 của Văn bản hợp nhất
– Các tổ chức và cá nhân sau đây sẽ không có quyền thành lập doanh nghiệp, hoặc quản lý doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể như sau:
+ Các cơ quan nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có sử dụng nguồn tài sản của nhà nước trong quá trình thành lập doanh nghiệp, kinh doanh nhằm mục đích thu lợi riêng cho các cơ quan và đơn vị đó;
+ Các cán bộ và công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức, viên chức;
+ Các đối tượng được xác định là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân hoặc viên chức quốc phòng làm việc trong các cơ quan/đơn vị trực thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan hoặc hạ sĩ quan, sĩ quan chuyên nghiệp hoặc công nhân công an làm việc trong các đơn vị/cơ quan trực thuộc Công an nhân dân Việt Nam, ngoại trừ những đối tượng được cử làm người đại diện theo ủy quyền để tiến hành hoạt động quản lý phần vốn góp của nhà nước tại các doanh nghiệp hoặc giữ chức danh quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước;
+ Các cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp nhà nước căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Văn bản hợp nhất Luật doanh nghiệp năm 2022, ngoại trừ những trường hợp đó là người được cử làm đại diện theo ủy quyền để thực hiện hoạt động quản lý phần vốn góp của nhà nước tại các doanh nghiệp khác;
+ Những đối tượng được xác định là người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, những người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức hoặc làm chủ hành vi, các tổ chức không có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật về dân sự;
+ Những đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tạm giam, đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, các cơ sở giáo dục bắt buộc, đang bị cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án cấm đảm nhiệm một số chức vụ hoặc cấm hành nghề trong một thời gian nhất định, cấm làm công việc trong một khoảng thời gian nhất định, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản hoặc phòng chống tham nhũng. Trong trường hợp các cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ cần phải thực hiện thủ tục nộp đầy đủ phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh đó;
+ Các tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trên một số lĩnh vực nhất định theo quy định của pháp luật về hình sự.
Như vậy có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên, những đối tượng được xác định là người chưa thành niên sẽ không có quyền thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định rõ, người chưa thành niên được xác định là người chưa đủ 18 tuổi. Vì vậy, người chưa thành niên sẽ không có quyền thành lập doanh nghiệp, không có quyền thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, khi nào người đó từ đủ 18 tuổi trở lên thì sẽ có quyền đăng ký doanh nghiệp giống như các chủ thể bình thường khác.
2. Người chưa thành niên có được thừa kế doanh nghiệp không?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, người chưa thành niên (tức là những người chưa đủ 18 tuổi) sẽ không thuộc trường hợp được quyền thừa kế doanh nghiệp, vì đây là những đối tượng không có đầy đủ năng lực pháp lý để thực hiện các giao dịch hoặc quyết định các vấn đề liên quan đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, công ty. Nếu chủ doanh nghiệp đã chỉ định người thừa kế, và người này được xác định là người dưới 18 tuổi, thì những đối tượng này sẽ chưa đủ tư cách để thừa kế doanh nghiệp trong thời điểm họ chưa thành niên. Thay vào đó, người đại diện theo pháp luật của người thừa kế sẽ giữ vai trò là người thừa kế doanh nghiệp cho đến khi người thừa kế đủ 18 tuổi trên thực tế.
Căn cứ theo quy định tại Điều 136 của Bộ luật dân sự năm 2015, có quy định cụ thể về người đại diện theo pháp luật. Theo đó, người đại diện theo pháp luật sẽ được xem xét như sau:
– Cha hoặc mẹ đối với con khi con chưa đủ 18 tuổi;
– Người giám hộ đối với người được giám hộ;
– Do cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện trong hai trường hợp nêu trên.
Trong trường hợp cần phải xem xét đến người giám hộ của những người được thừa kế, căn cứ theo quy định tại Điều 52 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thứ tự như sau:
– Anh ruột được xác định là anh cả, chị ruột được xác định là chị cả sẽ là người giám hộ, nếu anh cả hoặc chị cả đều không đáp ứng đầy đủ điều kiện để có thể làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo sẽ được xác định là người giám hộ, ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác sẽ trở thành người giám hộ;
– Trong trường hợp không có người giám hộ là anh ruột hoặc chị ruột, thì ông bà nội, ông bà ngoại sẽ được xác định là người giám hộ, hoặc những người này sẽ tự thỏa thuận với nhau để cử ra một hoặc một số người trong số đó sẽ trở thành người giám hộ;
– Trong trường hợp không có người giám hộ là anh ruột, chị ruột, ông bà nội hoặc ông bà ngoại theo như phân tích nêu trên, thì bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột sẽ được xác định là người giám hộ.
Đối với trường hợp người chủ sở hữu doanh nghiệp sau khi qua đời, người thừa kế sẽ được xác định là những người chỉ định theo di chúc của người mất. Nếu người mất không để lại di chúc, thì sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật để chị định các thành viên thừa kế, thay thế cho vị trí này trong doanh nghiệp. Như vậy có thể nói, những người chưa đủ 18 tuổi, những người chưa thành niên thì sẽ chưa đủ điều kiện và chưa đủ tư cách pháp lý để thừa kế doanh nghiệp. Trong trường hợp đó, người đại diện sẽ tạm thời thay thế cho những người thừa kế khi họ chưa thành niên. Thứ tự xem xét những người đại diện sẽ được thực hiện theo thứ tự lần lượt nêu trên.
3. Quyền thành lập doanh nghiệp và nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, có quy định cụ thể về quyền thành lập doanh nghiệp, nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
– Thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật được xem là quyền của các cá nhân, tổ chức, quyền này sẽ được nhà nước tôn trọng và bảo hộ;
– Người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, thực hiện kịp thời các nghĩa vụ về vấn đề đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền, cần phải thực hiện đầy đủ hoạt động công khai thông tin về quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp theo quy định tại … và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Tuyệt đối nghiêm cấm các cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác gây rắc rối đối với các tổ chức và cá nhân khi thực hiện thủ tục tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp;
– Các cán Bộ, các cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân các cấp sẽ không được phép ban hành các quy định, văn bản về hoạt động đăng ký doanh nghiệp áp dụng riêng cho từng ngành, địa phương của mình. Những quy định về vấn đề đăng ký doanh nghiệp sẽ do các Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành trái với quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, sẽ không có giá trị hiệu lực thi hành.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022 Luật Doanh nghiệp.