Vấn đề về giao thông luôn là một trong những vấn đề nóng hổi được người dân quan tâm vì những chính sách, những quy định pháp luật. Dưới đây là những điều Cảnh sát giao thông không được phép làm?
Mục lục bài viết
1. Những điều Cảnh sát giao thông không được phép làm?
(1) Không được tự ý dừng xe của người tham gia giao thông:
Theo Thông tư số 32/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/9/2023, cảnh sát giao thông chỉ được phép dừng xe của người đang tham gia giao thông khi thuộc các trường hợp sau đây:
– Trực tiếp phát hiện, hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện cũng như thu thập các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ hoặc những hành vi vi phạm khác.
– Do có mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; hoặc có kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành và cảnh sát giao thông thực hiện mệnh lệnh đó.
– Nhằm mục đích kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên cơ sở có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông.
– Nhận được các tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
(2) Không được phép nhận tiền của người vi phạm giao thông:
Tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP có quy định nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
Do đó, cảnh sát giao thông tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn với mục đích để sách nhiễu, đòi tiền của người tham gia giao thông. Đây cũng chính là biểu hiện của hành vi nhận hối lộ. Chế tài xử phạt nếu phát hiện ra hành vi này là cảnh sát giao thông nhận tiền của người dân sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là buộc thôi việc. Tùy thuộc vào số tiền nhận, tính chất của hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự.
(3) Không được phép khám người và phương tiện của người tham gia giao thông một cách tùy tiện:
Theo quy định, cảnh sát giao thông sẽ được kiểm tra những nội dung dưới đây khi dừng xe người đang tham gia giao thông để kiểm toán:
– Kiểm tra điều kiện tham gia giao thông của phương tiện: hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số xe và hai bên thành xe, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
– Kiểm tra giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện.
– Kiểm soát việc chấp hành quy định về hoạt động vận tải đường bộ.
Về nội dung thực hiện, cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ để kiểm tra, tuy nhiên tuyệt đối không được phép khám người, khám phương tiện của họ một cách tùy tiện mà phải có căn cứ rõ ràng.
(4) Tuyệt đối không được rút chìa khóa xe của người dân:
Về quyền hạn của cảnh sát giao thông hoạt động tuần tra kiểm toán bao gồm được thực hiện những quyền sau:
– Được quyền dừng các phương tiện.
– Được quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các vi phạm về giao thông, trật tự xã hội cũng như các vi phạm pháp luật khác như:
+ Tạm giữ người.
+ Áp giải.
+ Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; khám người.
+ Khám phương tiện, đồ vật.
+ Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện.
+ Quản lý người nước ngoài vi phạm trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
– Được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc giao thông.
– Được quyền tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường, phân lại luồng, tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện khi xảy ra ách tắc, tai nạn giao thông…
– Được quyền trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ.
– Thực hiện các quyền khác của lực lượng công an nhân dân.
Do đó, trong phạm vi quyền hạn của cảnh sát giao thông thì họ không được phép rút chìa khóa của người tham gia giao thông khi yêu cầu dừng xe (bao gồm cả việc người tham gia giao thông có vi phạm giao thông).
(5) Tuyệt đối không được phép truy đuổi người vi phạm:
Dựa theo khoản 2 Điều 16 Thông tư số 32/2023/TT-BCA, cảnh sát giao thông được phép yêu cầu người đang tham gia giao thông dừng xe trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không được phép gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Việc truy đuổi người tham gia giao thông hiện nay chưa có quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về giao thông và thường chỉ áp dụng đối với truy đuổi tội phạm.
Thực tế, cũng có những trường hợp truy đuổi người tham gia giao thông và xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, cảnh sát giao thông cũng không nên truy đuổi người tham gia giao thông trong trường hợp nguy hiểm.
2. Người dân không cho cảnh sát giao thông kiểm tra xe và giấy tờ thì có bị xử phạt?
Thực tế, dựa theo chuyên đề tuần tra hay mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội, cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu người điều khiển giao thông dừng xe để kiểm tra.
Trường hợp người dân không chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh của cảnh sát giao thông thì sẽ bị xử phạt như sau:
– Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định: bị xử phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
(căn cứ điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).
3. Một số biện pháp ngăn chặn các vi phạm giao thông xảy ra hiện nay:
– Các cấp chính quyền có biện pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền dưới mọi hình thức để người dân hiểu rõ hơn và có ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ.
– Hướng dẫn thực hiện các biện pháp, tiêu chí đảm bảo cho việc lái xe an toàn cho mọi người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên.
– Tại các địa phương nên có những biển cảnh báo được đặt tại những nơi khuất, những ngã tư hay những nơi hay xảy ra tai nạn (ví dụ như biển hạn chế tốc độ tại các đường liên xã, đường tỉnh lộ, đường quốc lộ trên địa bàn, nhất là những điểm đen về tai nạn giao thông; làm gờ giảm tốc, đèn hiệu giao thông, vạch kẻ đường tại những nơi đường giao nhau, mật độ giao thông nhiều, đông dân cư,…).
– Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để duy trì trật tự an toàn giao thông thường xuyên. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ.
– Tuyên truyển ý thức chấp hành giao thông đường bộ đến các trường học, các địa bàn xã, phường,…
– Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn huyện tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các qui định của Luật giao thông đường bộ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.