Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế đặc biệt, vì vậy các quy định liên quan đến vấn đề sử dụng tài sản của hợp tác xã là điều quan trọng và được nhiều người quan tâm. Dưới đây là quy định của pháp luật về tài sản không chia của hợp tác xã.
Mục lục bài viết
1. Quy định về tài sản không chia của hợp tác xã:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 48 của Luật hợp tác xã năm 2023 có quy định về tài sản của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Theo đó, tài sản của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được quy định cụ thể như sau:
– Tài sản của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được hình thành từ những nguồn cơ bản như sau:
+ Được hình thành từ vốn góp của các thành viên, hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã;
+ Vốn huy động của các thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên của liên hợp hợp tác xã, vốn huy động khác;
+ Vốn và tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động của hợp tác xã, quá trình hoạt động của liên hiệp hợp tác xã;
+ Các khoản trợ cấp, hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các khoản được tặng cho bởi các tổ chức và cá nhân trong xã hội.
– Tài sản không chia của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã sẽ bao gồm các loại tài sản như sau:
+ Quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất dưới nhiều hình thức khác nhau;
+ Các khoản trợ cấp, các khoản hỗ trợ không hoàn lại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các khoản được tặng có thỏa thuận là tài sản không chia;
+ Phần trích lại từ các quỹ đầu tư phát triển hằng năm đã được đại hội đồng thành viên quyết định đưa vào loại tài sản không chia của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã;
+ Phần vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.
– Việc quản lý, sử dụng tài sản của hợp tác xã, quản lý và sử dụng tài sản của liên hiệp hợp tác xã sẽ được thực hiện theo điều lệ, quy chế quản lý tài chính của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã phải được thực hiện theo Nghị quyết của đại hội đồng thành viên, và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo đó thì có thể nói, tài sản không chia được của hợp tác xã sẽ bao gồm các loại tài sản như sau:
– Quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Các khoản trợ cấp, các khoản hỗ trợ không hoàn lại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các khoản được tặng theo thỏa thuận là tài sản không chia;
– Phần trích lại từ quỹ đầu tư phát triển hằng năm đã được Đại hội đồng thành viên quyết định đưa vào là tài sản không chia của hợp tác xã;
– Vốn, tài sản khác được điều lệ hợp tác xã quy định là tài sản không chia.
2. Xử lý tài sản không chia khi chia, tách hợp tác xã:
Căn cứ theo quy định tại Điều 52 của Luật hợp tác xã năm 2023 có quy định về việc chia tách hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo đó, vấn đề xử lý tài sản không chia khi thực hiện hoạt động chia, tách hợp tác xã sẽ được thực hiện như sau:
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị chấm dứt tồn tại sau khi các tổ chức mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ phải cùng nhau chịu trách nhiệm liên đới, cùng nhau chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về các khoản nợ chưa thanh toán,
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị tách và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tách theo quy định của pháp luật sẽ phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm, cùng nhau chịu nghĩa vụ về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị bắt chước đó;
– Tài sản không chia của hợp tác xã, tài sản không chia của liên hiệp hợp tác xã bị chia/bị tách sẽ được chuyển thành tài sản không chia của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sau khi chia, tách phù hợp với quy định của pháp luật, theo phương án do đại hội đồng thành viên đưa ra quyết định.
Như vậy có thể nói, tài sản không chia khi thực hiện thủ tục chia/tách hợp tác xã sẽ được chuyển thành tài sản không chia của các hợp tác xã sau khi tách, theo phương án cụ thể do đại hội đồng thành viên quyết định.
3. Hợp tác xã quản lý, sử dụng tài sản chung không chia theo nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Luật hợp tác xã năm 2023 có quy định về vấn đề quản lý và sử dụng tài sản. Theo đó, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quản lý và sử dụng tài sản không chia theo các nguyên tắc cơ bản như sau:
– Quản lý và sử dụng tài sản không chia theo đúng quy định của pháp luật, theo điều lệ của hợp tác xã, theo sự thỏa thuận giữa các tổ chức và cá nhân tặng cho/tài trợ hợp pháp với các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ phải tiến hành lập sổ theo dõi các loại tài sản không chia theo nguồn hình thành, phù hợp với quy định của pháp luật;
– Chịu trách nhiệm về vấn đề bảo vệ, bảo dưỡng, bảo trì định kỳ, sửa chữa bằng chi phí của mình trong quá trình sử dụng các loại tài sản không chia;
– Tài sản không chia sẽ được phép thực hiện thủ tục chuyển nhượng, thanh lý sau khi đã được định giá căn cứ theo quy định tại Điều 77 của Luật hợp tác xã năm 2023, khi được chủ thể có thẩm quyền đó là đại hội đồng thành viên thông qua về phương án chuyển nhượng hoặc thanh lý, vấn đề chuyển nhượng bán thanh lý hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với điều lệ của hợp tác xã, phù hợp với thỏa thuận giữa các cá nhân, tổ chức tặng cho, tài trợ hợp pháp và các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
– Việc quản lý và sử dụng tài sản sẽ được thực hiện theo quy định tại điều lệ của hợp tác xã, nghị quyết đại hội đồng thành viên, quy chế quản lý tài chính của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 87 của Luật hợp tác xã năm 2023 có quy định về vấn đề quản lý và sử dụng các quỹ, trong đó của quỹ chung không chia. Cụ thể như sau:
– Quỹ chung không chia sẽ được sử dụng để hình thành và phát triển các loại tài sản không chia, không được chia cho các thành viên trong quá trình hoạt động và quản lý hợp tác xã. Quỹ chung không chia sẽ được xử lý khi hợp tác xã thực hiện thủ tục giải thể hoặc phá sản căn cứ theo quy định tại Điều 101 và Điều 102 của Luật hợp tác xã năm 2023. Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã sẽ cần phải lập sổ theo dõi một cách đầy đủ quá trình hình thành và phát triển của quỹ chung không chia;
– Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã sẽ được sử dụng quỹ chung không chia để gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng và các ngân hàng, làm tài sản bảo đảm khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, đồng thời cần phải đảm bảo nghĩa vụ bảo toàn vốn, ngoại trừ các khoản được xác định là quỹ chung không chia từ nguồn vốn hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc từ nguồn hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức có quy định hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã đó không được dùng các loại tài sản đó để làm tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục vay vốn. Các khoản lãi phát sinh từ việc gửi tiết kiệm sẽ được ghi nhận vào quỹ chung không chia;
– Việc quản lý và sử dụng quỹ chung không chia, các loại quỹ khác cần phải được quy định cụ thể trong điều lệ, quy chế quản lý tài chính của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, sao cho phù hợp với quy định của pháp luật;
– Trong khoảng thời gian nhất định, hội đồng quản trị và giám đốc sẽ cần phải báo cáo lên đại hội đồng thành viên về việc quản lý và sử dụng các loại quỹ trong năm, trong đó có quỹ chung không chia, báo cáo về phương án sử dụng các loại quỹ trong năm tiếp theo, để đại hội đồng thành viên thẩm định và phê duyệt.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hợp tác xã năm 2023.