Có thể thấy rằng, trong quá trình làm hồ sơ đi du học nước ngoài, người học sẽ cần phải nộp các loại giấy tờ và hồ sơ cho công ty tư vấn du học. Vậy trong trường hợp phải bị công ty tư vấn du học giữ giấy tờ thì sẽ phải xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Bị công ty tư vấn du học giữ giấy tờ phải xử lý thế nào?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Nghị định 86/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, có quy định về trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Theo đó, các tổ chức, công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn du học sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ cơ bản như sau:
– Đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiến hành hoạt động triển khai tư vấn du học chậm nhất trong khoảng thời gian 45 ngày làm việc được tính kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Tư vấn thông tin một cách trung thực và chính xác cho khách hàng trong quá trình tư vấn du học;
– Ký hợp đồng tư vấn du học với người có nhu cầu đi du học, hoặc cha/mẹ/người giám hộ hợp pháp theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật;
– Chỉ ký hợp đồng tư vấn du học, không được ký hợp đồng vừa du học vừa đi làm với khách hàng trái quy định của pháp luật;
– Không được ủy quyền hoặc nhận ủy quyền của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khác để tiến hành hoạt động triển khai kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho những người có nhu cầu đi du học ở nước ngoài trái quy định pháp luật;
– Niêm yết công khai thông tin chính xác tại trụ sở của doanh nghiệp và tại các trang thông tin điện tử của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
– Đôn đốc các du học sinh cập nhật đầy đủ thông tin, cập nhật chính xác thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật;
– Chủ động phối hợp với các cơ quan, các bộ/ban ngành có liên quan để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các du học sinh;
– Lưu trữ hồ sơ của công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giữ liên hệ, đồng thời cung cấp khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
– Thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện nay còn quy định cụ thể về thời điểm giao kết hợp đồng. Theo đó, thời điểm giao kết hợp đồng căn cứ theo quy định tại Điều 400 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định cụ thể như sau:
– Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng;
– Trong trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng được coi là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một khoảng thời gian nhất định, thì thời điểm giao kết hợp đồng sẽ được xác định là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó;
– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói theo quy định của pháp luật sẽ được xác định là thời điểm các bên đã thỏa thuận xong các nội dung cơ bản của hợp đồng;
– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản theo quy định của pháp luật sẽ được xác định là thời điểm bên sau cùng ký và điểm chỉ vào văn bản hay bằng các hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. Trong trường hợp, hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó các bên thỏa thuận xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng sẽ được xác định là thời điểm các bên đã thỏa thuận xong nội dung cơ bản của hợp đồng đó.
Từ những quy định nêu trên thì có thể nói, việc giao kết hợp đồng giữa du học sinh và công ty tư vấn du học phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc tự thỏa thuận, tự nguyện, xuất phát từ lợi ích của các bên. Trong quá trình ký kết thì công ty tư vấn du học sẽ có quyền giữ lại các hồ sơ, giấy tờ gốc của du học sinh. Tuy nhiên công ty sẽ phải có nghĩa vụ trả lại giấy tờ cho du học sinh khi hợp đồng kết thúc. Hành vi giữ giấy tờ của du học sinh sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử lý theo các điều luật tương ứng. Trong trường hợp bị công ty tư vấn du học giữ giấy tờ, các cháu học sinh có thể thực hiện và xử lý theo các cách thức sau đây:
Thứ nhất, thỏa thuận và yêu cầu công ty tư vấn du học trả lại hồ sơ, giấy tờ.
Thứ hai, nếu như sau quá trình thỏa thuận mà công ty tư vấn du học vẫn không hoàn trả lại giấy tờ thì du học sinh có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi công ty tư vấn du học đặt trụ sở để đòi lại giấy tờ đó.
2. Công ty tư vấn du học giữ giấy tờ của người học bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (sau được sửa đổi tại Nghị định 127/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục), có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về vấn đề quản lý hồ sơ người học của công ty tư vấn du lịch. Theo đó, công ty tư vấn du lịch có hành vi giữ giấy tờ của du học sinh sẽ bị xử phạt cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm sau đây:
+ Để xảy ra việc sửa chữa hồ sơ, sửa chữa tài liệu có liên quan đến quá trình đánh giá kết quả học tập của du học sinh;
+ Lập hồ sơ quản lý du học sinh không đúng quy định của pháp luật hiện hành;
+ Vi phạm quy định về lưu trữ hồ sơ, bảo quản hồ sơ của người học.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với công ty tư vấn du học có hành vi thu giữ, lưu giữ hồ sơ, giấy tờ của du học sinh không đúng quy định của pháp luật;
– Biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng trong trường hợp này đó là: Bắt buộc phải trả lại hồ sơ, giấy tờ của người học khi thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, công ty tư vấn du học của hành vi giữ giấy tờ của du học sinh có thể sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
3. Thẩm quyền xử phạt đối với hành vi giữ giấy tờ người học của công ty tư vấn du học:
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (sau được sửa đổi tại Nghị định 127/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục), có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Cụ thể như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức phạt tiền nêu trên, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền tối đa lên đến 100.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Như vậy có thể nói, theo như phân tích nêu trên, công ty tư vấn du học có hành vi giữ giấy tờ của du học sinh có thể sẽ bị phạt tiền lên đến 15.000.000 đồng. Theo đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi giữ giấy tờ người học của công ty tư vấn du học sẽ thuộc về chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định 86/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật;
– Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục;
– Nghị định 127/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.