Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường. Vậy hồ sơ, thủ tục cấp đổi Giấy phép môi trường được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hồ sơ cấp đổi Giấy phép môi trường:
Căn cứ Điều 44 Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Bảo vệ môi trường quy định về cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường, Điều này quy định giấy phép môi trường được cấp đổi trong trường hợp sau nhưng không thay đổi các nội dung khác quy định trong giấy phép:
– Trường hợp có thay đổi tên dự án đầu tư;
–Trường hợp có thay đổi cơ sở;
– Trường hợp có thay đổi khu sản xuất;
– Trường hợp có thay đổi kinh doanh;
– Trường hợp có thay đổi dịch vụ tập trung;
– Trường hợp có thay đổi cụm công nghiệp;
– Trường hợp có thay đổi chủ dự án đầu tư, cơ sở.
Căn cứ khoản 1 Điều 30 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường quy định về cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường, căn cứ Điều này thì hồ sơ cấp đổi Giấy phép môi trường bao gồm những giấy tờ sau:
– Văn bản đề nghị cấp đổi của chủ dự án đầu tư, cơ sở (văn bản đề nghị được thực hiện theo mẫu quy định của pháp luật);
– Hồ sơ pháp lý mà có liên quan đến việc thay đổi.
2. Thủ tục cấp đổi Giấy phép môi trường:
– Khoản 1 Điều 30 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường quy định việc cấp đổi giấy phép môi trường được thực hiện trên môi trường điện tử mà thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cơ quan cấp phép hoặc là của cơ quan được ủy quyền và không phải nộp phí thẩm định theo các quy định của pháp luật. Chính vì thế, chủ dự án đầu tư, cơ sở sẽ thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy phép môi trường trên môi trường điện tử thông qua về hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cơ quan cấp phép hoặc cơ quan được ủy quyền.
– Cấp đổi giấy phép môi trường được thực hiện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày đã nhận được hồ sơ đổi Giấy phép môi trường đã nêu ở mục trên.
– Cơ quan cấp giấy phép môi trường cấp đổi giấy phép môi trường cho các chủ dự án đầu tư, cơ sở với thời hạn còn lại của giấy phép môi trường.
3. Trách nhiệm của cơ quan cấp đổi Giấy phép môi trường:
Cơ quan cấp đổi Giấy phép môi trường bao gồm có những trách nhiệm sau:
– Tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định, cấp giấy phép môi trường; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường theo như đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở; chịu trách nhiệm về các nội dung của giấy phép môi trường; quản lý, lưu giữ hồ sơ, dữ liệu về giấy phép môi trường; đình chỉ một phần các hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc là có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường của dự án đầu tư, các cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, thu hồi giấy phép môi trường.
– Công khai trên cổng thông tin điện tử giấy phép môi trường, trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Tiếp nhận và xử lý kiến nghị về bảo vệ môi trường đối với các nội dung quy định trong giấy phép môi trường; hướng dẫn các chủ dự án đầu tư vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và khắc phục về ô nhiễm, sự cố môi trường (nếu có) trong quá trình vận hành thử nghiệm.
– Cơ quan cấp giấy phép môi trường vận hành, cập nhật, tích hợp những dữ liệu về giấy phép môi trường vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường. Việc báo cáo, chia sẻ các thông tin, số liệu, dữ liệu về giấy phép môi trường được thực hiện liên thông, trực tuyến ở trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
4. Quyền, nghĩa vụ của chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp đổi Giấy phép môi trường:
– Quyền của chủ dự án đầu tư, cơ sở đã được cấp đổi giấy phép môi trường: Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp đổi Giấy phép môi trường có quyền sau đây:
+ Được thực hiện những nội dung cấp phép môi trường quy định trong giấy phép môi trường;
+ Đề nghị được cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường;
+ Quyền khác theo đúng quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ của chủ dự án đầu tư, cơ sở đã được cấp đổi giấy phép môi trường: Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp đổi Giấy phép môi trường có nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện đúng, đầy đủ những yêu cầu về bảo vệ môi trường trong giấy phép môi trường. Trường hợp mà có thay đổi so với nội dung giấy phép đã được cấp, phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép xem xét, giải quyết;
+ Nộp các phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường;
+ Thực hiện đúng các quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư, cụ thể như sau:
++ Công trình bảo vệ môi trường của dự án đầu tư bao gồm có:
Công trình xử lý chất thải chính là công trình, thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại;
Công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn là công trình, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn thông thường, các chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại để đáp ứng được yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển chất thải rắn đến những địa điểm xử lý hoặc tái sử dụng, tái chế;
Các công trình bảo vệ môi trường khác.
++ Chủ dự án đầu tư có công trình xử lý chất thải quy định tại điểm a khoản 1 của Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường, sau khi được cấp giấy phép môi trường, sẽ phải thực hiện vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm toàn bộ các dự án đầu tư hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu như có) hoặc là cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án để đánh giá sự phù hợp và đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
++ Trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, chủ dự án đầu tư sẽ phải tuân thủ yêu cầu về bảo vệ môi trường theo như giấy phép môi trường và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
++ Đối với dự án đầu tư có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc là có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, trước khi mà kết thúc vận hành thử nghiệm 45 ngày, chủ dự án đầu tư sẽ phải gửi báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của dự án. Các cơ quan cấp giấy phép môi trường phải có trách nhiệm kiểm tra và quyết định việc điều chỉnh loại, khối lượng chất thải nguy hại mà được phép xử lý hoặc là khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
– Chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường;
– Công khai giấy phép môi trường, trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Cung cấp các thông tin có liên quan theo như yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm tra, thanh tra;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Bảo vệ môi trường;
– Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.