Lao động trong quân đội có tính đặc thù cao bởi yếu tố nặng nhọc và độc hại, dễ dàng xảy ra tai nạn, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp ... Dưới đây là quy định của pháp luật về cán bộ an toàn, bảo hộ lao động tại các đơn vị Bộ quốc phòng.
Mục lục bài viết
1. Cán bộ an toàn, bảo hộ lao động tại đơn vị Bộ Quốc phòng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư 142/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong Bộ Quốc phòng, có quy định về chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ an toàn, bảo hộ lao động thuộc các đơn vị cơ sở Bộ quốc phòng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, chức trách của các cán bộ an toàn, bảo hộ lao động tại đơn vị Bộ quốc phòng được quy định như sau:
– Các cán bộ chuyên trách hoặc các cán bộ kim nhiệm làm công tác an toàn, bảo hộ lao động của các doanh nghiệp, các đơn vị cơ sở cấp sư đoàn, các đơn vị cơ sở cấp trung đoàn, và cấp tương đương sẽ phải chịu sự quản lý của chỉ huy đơn vị, chịu sự chỉ đạo của các cơ quan nghiệp vụ cấp trên;
– Các cán bộ an toàn, bảo hộ lao động tại đơn vị Bộ quốc phòng sẽ tham mưu cho chỉ huy đơn vị thực hiện các nội dung trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị theo quy định của pháp luật, theo quy định của Bộ quốc phòng.
Thứ hai, nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ an toàn, bảo hộ lao động tại đơn vị Bộ quốc phòng được quy định như sau:
– Xây dựng nội qui, quy chế quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong đơn vị, xây dựng kế hoạch công tác an toàn và vệ sinh lao động hằng năm, sau đó báo cáo với người chỉ huy để phê duyệt và tổ chức thực hiện trên thực tế;
Xây dựng quy trình, biện pháp an toàn, quản lý và theo dõi quá trình đăng ký, kiểm định an toàn kĩ thuật máy móc, trang thiết bị vật tư, các loại chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định của pháp luật;
– Đề xuất và đôn đốc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đối với các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ liên quan đến quân nhân và người lao động trong đơn vị;
– Tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo phân cấp, phối hợp tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra môi trường lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các đơn vị tổ chức bữa ăn công nghiệp;
– Theo dõi tình hình thương tật, bệnh phát sinh do nghề nghiệp, đề xuất với chỉ huy đơn vị về các biện pháp quản lý và chăm sóc sức khỏe người lao động;
– Tham gia đoàn kiểm tra quá trình chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, tham gia vào quá trình phòng chống cháy nổ. Tổ chức kiểm tra ít nhất mỗi tháng 01 lần đối với các bộ phận làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Sau khi thực hiện hoạt động kiểm tra thì sẽ để xuất với người chỉ huy trưởng đơn vị để đưa ra các biện pháp khắc phục đối với các hạn chế còn tồn tại;
– Tham gia quá trình điều tra, tổng hợp và thống kê, báo cáo tình hình tai nạn lao động, sự cố kĩ thuật theo quy định của cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ quốc phòng, hướng dẫn các cơ quan nghiệp vụ cấp trên thực hiện theo quy định của pháp luật;
– Sơ kết và tổng kết quá trình thực hiện kế hoạch an toàn vệ sinh lao động, tham gia góp Ý trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động tại các cuộc họp xây dựng kế hoạch công tác, trong việc lập và phê duyệt đối với các đề án thiết kế, thi công, nghiệm thu và tiếp nhận đưa vào sử dụng đối với các loại nhà xưởng, máy móc, các trang thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;
– Tổng hợp và đề xuất với người chỉ huy đơn vị về việc giải quyết kịp thời, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của các đơn vị cấp dưới hoặc của người lao động trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động;
– Lập biên bản vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, sau đó kiến nghị với người chỉ huy xử lý những cá nhân vi phạm, không chấp hành các quy định về an toàn vệ lao động;
– Thực hiện chế độ báo cáo trong công tác an toàn, vệ sinh lao động;
– Trong trường hợp phát hiện các vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động hoặc các nguy cơ có khả năng xảy ra tai nạn lao động, có quyền tạm thời đình chỉ công việc hoặc yêu cầu người phụ trách ra lệnh đình chỉ công việc để thi hành các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đồng thời báo cáo với người chỉ huy đơn vị, có quyền đình chỉ hoạt động đối với các loại máy móc thiết bị không đảm bảo an toàn hoặc đã hết thời hạn sử dụng.
2. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan an toàn, bảo hộ lao động các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 142/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong Bộ Quốc phòng, có quy định về chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan an toàn, bảo hộ lao động tại các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ quốc phòng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, cơ quan an toàn bảo hộ lao động các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ quốc phòng có chức năng tham mưu cho chỉ huy đơn vị thực hiện các công tác an toàn vệ sinh lao động, tổ chức hoạt động kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung trong công tác an toàn vệ sinh lao động trong phạm vi mà mình quản lý theo quy định của pháp luật và theo quy định của Bộ quốc phòng.
Thứ hai, cơ quan an toàn và bảo hộ lao động tại các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ quốc phòng có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
– Chủ trì và đề xuất với người chỉ huy các chủ trương, biện pháp, kế hoạch công tác an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị, tổ chức thực hiện theo yêu cầu đã phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền;
– Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và các cơ quan nghiệp vụ cấp trên để xây dựng ra các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, xây dựng nên các danh mục các loại máy móc và trang thiết bị vật tư đặc thù quân sự có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đề nghị đưa ra các danh mục nghề và công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, danh mục bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực quân sự;
– Đề xuất nghiên cứu và ứng dụng khoa học kĩ thuật bảo hộ lao động, nhằm mục đích ngăn ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại, cải thiện các điều kiện làm việc giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong hoạt động lao động, quản lý vũ khí trang thiết bị tại đơn vị;
– Tham gia quá trình điều tra đối với các vụ tai nạn lao động, sự cố kĩ thuật theo quy định của cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ quốc phòng, định kỳ tổng hợp và báo cáo cho Bộ quốc phòng tình hình tai nạn lao động, sự cố cháy nổ và đề xuất các biện pháp giảm thiểu, phòng ngừa tình trạng trên;
– Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, trang thiết bị phương tiện bảo vệ cá nhân, công tác phòng chống cháy nổ, an toàn mạng lưới điện, phòng chống sét tại các cơ sở kĩ thuật, công tác đăng ký và kiểm định kĩ thuật an toàn đối với các loại máy móc và trang thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, công tác tập huấn và tuyên truyền về an toàn lao động, công tác khai báo và điều tra thống kê báo cáo tình hình tai nạn lao động, sự cố cháy nổ xảy ra;
– Phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ cấp trên, các cơ quan chức năng có liên quan để chỉ huy đơn vị tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các hành vi vi phạm;
– Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật, giải quyết các vụ tranh chấp và khiếu nại theo quy định, phối hợp với các trung tâm kiểm định kĩ thuật an toàn quân đội và trung tâm kiểm định của nhà nước để thực hiện hoạt động kiểm định kĩ thuật an toàn đối với các loại máy móc và trang thiết bị;
– Tổ chức huấn luyện và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, nhân viên công tác an toàn vệ sinh lao động trong Bộ quốc phòng, thực hiện hoạt động sơ kết và tổng kết đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, báo cáo cơ quan nghiệp vụ cấp trên theo quy định của pháp luật. Tổng hợp và đề xuất với các cơ quan, cấp có thẩm quyền để khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn và vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do chỉ huy đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ quốc phòng giao phó.
3. Nội dung chính trong công tác an toàn và vệ sinh lao động của Bộ Quốc phòng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 142/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong Bộ Quốc phòng, có quy định về nội dung công tác an toàn và vệ sinh lao động. Cụ thể như sau:
– Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy trình và tiêu chuẩn, chương trình an toàn vệ sinh lao động, triển khai áp dụng phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự trong Bộ quốc phòng. Thực hiện quá trình quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;
– Nghiên cứu và ứng dụng khoa học kĩ thuật về an toàn vệ sinh lao động nhằm mục đích ngăn ngừa các yếu tố có hại, các yếu tố nguy hiểm, cải thiện điều kiện việc làm, giảm thiểu tai nạn lao động, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp đối với hoạt động lao động trong Bộ quốc phòng;
Thông tin, tuyên truyền và giáo dục, huấn luyện trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, vận động và tổ chức quần chúng tham gia công tác an toàn vệ sinh lao động;
– Thanh tra và kiểm tra quá trình chấp hành quy định pháp luật, quy trình và tiêu chuẩn của nhà nước và của Bộ quốc phòng trong vấn đề an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ bảo hộ lao động tại các đơn vị trong Bộ quốc phòng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 142/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong Bộ Quốc phòng.