Chi nhánh của công ty chứng khoán được coi là đơn vị phụ thuộc của công ty chứng khoán, không có tư cách pháp nhân và được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Dưới đây là quy định của pháp luật về chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Quy định pháp luật về chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Thông tư 97/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, có quy định về khái niệm chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại lãnh thổ Việt Nam. Theo đó: Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi là đơn vị phụ thuộc vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam sẽ không có tư cách pháp nhân, chi nhánh này được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và được công ty chứng khoán mẹ chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về mọi hoạt động của chi nhánh đó trên lãnh thổ của Việt Nam.
Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam cũng cần phải tuân thủ quy định về phạm vi hoạt động và nội dung hoạt động. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Thông tư 97/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, có quy định về phạm vi hoạt động và nội dung hoạt động của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam sẽ hoạt động theo phạm vi và nội dung như sau:
– Về phạm vi hoạt động, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam sẽ chỉ được phép thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán;
– Về nội dung hoạt động, nội dung hoạt động của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam bao gồm nhiều nội dung khác nhau, trong đó bao gồm hoạt động cung cấp kết quả phân tích, cung cấp báo cáo phân tích, đưa ra các khuyến nghị và đề nghị cho khách hàng có thu phí hoặc không thu phí trong một số trường hợp sau:
+ Cung cấp báo cáo kết quả phân tích về tình hình giao dịch trên thị trường chứng khoán, đưa ra các khuyến nghị đầu tư;
+ Cung cấp các báo cáo kết quả phân tích cho hoạt động của loại hình công ty đại chúng, công ty niêm yết và các doanh nghiệp khác, đưa ra khuyến nghị đầu tư;
+ Ký kết hợp đồng tư vấn đầu tư chứng khoán với khách hàng trên thực tế.
Như vậy có thể thấy, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam sẽ cần phải hoạt động tuân thủ phạm vi và nội dung theo điều luật nêu trên.
2. Cơ cấu tổ chức, quản trị và điều hành của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Thông tư 97/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, có quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động quản lý và điều hành của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam. Cụ thể như sau:
– Cơ cấu tổ chức, hoạt động quản trị và điều hành của công ty chứng khoán nước ngoài được đặt trên lãnh thổ của Việt Nam hoàn toàn do công ty chứng khoán mẹ quyết định, quá trình quyết định cần phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về cơ cấu tổ chức, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề điều hành và quản trị kiểm soát nội bộ dưới hình thức công ty chứng khoán trong lãnh thổ Việt Nam;
– Nhân viên kiểm soát tuân thủ làm việc trong chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải là những đối tượng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Các nhân viên này không phải là người có liên quan đến giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam, đáp ứng điều kiện về mặt học vấn, đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng, luật, kế toán và kiểm toán trở lên. Nhân viên kiểm soát thủ tục cần phải có chứng chỉ hành nghề chuyên môn về chứng khoán, trong đó bao gồm chứng chỉ những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoặc có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ở nước ngoài và được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, chứng chỉ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
– Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam cần phải bố trí nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán làm việc với các vị trí như sau:
+ Tư vấn khách hàng, giải thích hợp đồng trong quá trình ký kết với khách hàng;
+ Ký kết quả phân tích, ký kết và báo cáo phân tích trong lĩnh vực chứng khoán;
+ Đưa ra các khuyến nghị có liên quan đến hoạt động mua bán, nắm giữ chứng khoán trong thị trường chứng khoán.
3. Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài đặc trên lãnh thổ của Việt Nam. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Thông tư 97/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, có thể kể đến một số quyền của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài đặt trên lãnh thổ của nước Việt Nam như sau:
– Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có quyền được phép thu giá dịch vụ tư vấn phù hợp với thỏa thuận với khách hàng và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam;
– Được quyền mở tài khoản bằng ngoại tệ hoặc mở tài khoản bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối hợp pháp trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và chỉ được phép sử dụng các loại tài khoản này vào mục đích hoạt động của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Việc mở và sử dụng hoặc đóng tài khoản của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam sẽ cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;
– Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam sẽ được quyền tuyển dụng người lao động Việt Nam, tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại chi nhánh phù hợp với quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về chứng khoán;
– Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam sẽ có quyền có con dấu riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam, chi nhánh này sẽ được sử dụng con dấu trong các văn bản giao dịch thuộc quyền hạn và chức năng của chi nhánh!
– Có một số quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng có quy định về nghĩa vụ của chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam sẽ bao gồm một số nghĩa vụ sau:
– Có nghĩa vụ ký kết hợp đồng bằng văn bản với khách hàng khi tiến hành hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên thực tế phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của mình, có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và trung thực, vô tư và khách quan đối với các thông tin cần thiết cho khách hàng trong quá trình ký kết hợp đồng;
– Có trách nhiệm thu thập và tìm hiểu các thông tin liên quan đến lĩnh vực tình hình tài chính, mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng trong quá trình giao kết hợp đồng, đảm bảo đầy đủ các khuyến nghị và tư vấn đầu tư của chi nhánh cho khách hàng sao cho phải phù hợp với tình hình tài chính và mục tiêu đầu tư cùng với khả năng chấp nhận rủi ro của từng loại khách hàng khác nhau, ngoại trừ trường hợp khách hàng không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ phải không chính xác cho chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam;
– Bảo mật các thông tin nhận được của khách hàng, bảo mật thông tin có được từ người sử dụng dịch vụ tư vấn trong quá trình cung cấp dịch vụ tư vấn, ngoại trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc cần phải cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Phải có trách nhiệm cập nhật và lưu trữ hồ sơ đầy đủ, bảo quản đầy đủ hồ sơ thông tin khách hàng, các loại chứng từ của khách hàng, giấy tờ của chi nhánh;
– Chỉ được sử dụng nguồn vốn được cấp cho hoạt động kinh doanh khi được cấp phép bởi chủ thể có thẩm quyền, không được phép vay từ các tổ chức tín dụng hoặc cá nhân khác, ngoại trừ công ty chứng khoán mẹ;
– Không được phép trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi sau đây: đưa ra quyết định đầu tư chứng khoán thay cho khách hàng trái nguyện vọng và tâm tư của khách hàng, thực hiện các hoạt động thỏa thuận với khách hàng nhằm mục đích chia sẻ lợi nhuận hoặc lỗ trong quá trình ký kết hợp đồng, quảng cáo hoặc tuyên bố rằng nội dung hoặc các phương pháp phân tích chứng khoán của mình là có giá trị cao hơn vượt bậc so với công ty chứng khoán khác, cung cấp các thông tin sai sự thật để dụ dỗ hoặc mời gọi khách hàng tham gia hoạt động mua bán một loại chứng khoán nào đó, cung cấp các thông tin sai lệch hoặc gian lận nhằm mục đích gây hiểu lầm cho khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào;
– Một số nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 97/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.