Bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam là một trong những loại hình bảo hiểm có mục đích bảo vệ cho người nông dân trong quá trình sản xuất, trồng trọt. Dưới đây là quy định của pháp luật về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có quy định về bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, bảo hiểm nông nghiệp là việc hai hay nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng nhau hợp tác tham gia quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm để bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do các bên thỏa thuận.
Pháp luật hiện nay cũng đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp. Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp như sau:
– Giải thích và cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, cung cấp đầy đủ quy tắc và điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, biểu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chỉ có trách nhiệm thực hiện hoạt động giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp khi bên mua bảo hiểm tiến hành thủ tục xác nhận rằng, bên mua bảo hiểm đã hiểu rõ và hiểu đầy đủ về các nội dung có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, hiểu về các quy tắc và điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp;
– Thực hiện hoạt động giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp dựa trên nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng, tự chủ và tự chịu trách nhiệm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải có trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít, chủ động trong việc thực hiện hoạt động phân tán, chia sẻ rủi ro thông qua các phương thức bảo hiểm và tái bảo hiểm nông nghiệp;
– Chủ động thực hiện hoạt động kiểm soát rủi ro, đề phòng và hạn chế tối đa tổn thất, phòng chống gian lận trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp;
– Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải kịp thời xử lý, cử cán bộ tiếp cận đối tượng bảo hiểm và hướng dẫn người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa tổn thất trên thực tế, chi trả các khoản chi phí cần thiết và hợp lý để hạn chế cho tổn thất bảo hiểm;
– Tổ chức các công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại, mức độ tổn thất một cách công khai và minh bạch theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định của pháp luật;
– Trường hợp xác định tổn thất thuộc trách nhiệm bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cử các cán bộ hướng dẫn người được bảo hiểm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cung cấp để phục vụ cho công tác giải quyết bồi thường;
– Chi trả các khoản tiền bồi thường đầy đủ cho người được bảo hiểm theo sự thỏa thuận của các bên được quy định tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định của pháp luật;
– Thực hiện các trách nhiệm khác theo thỏa thuận của các bên được quy định trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, có quy định về trách nhiệm của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm trong giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, trách nhiệm của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp được quy định như sau:
Bảo đảm có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
– Cung cấp đầy đủ và trung thực các loại thông tin có liên quan đến đối tượng của bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi có yêu cầu;
– Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp một cách đầy đủ sau khi đã hiểu các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc và điều khoản hợp đồng bảo hiểm, biểu phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp và giải thích;
– Chủ động thực hiện các hoạt động kiểm soát rủi ro, đề phòng và hạn chế tối đa tổn thất, phòng chống gian lận bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
– Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn đối với đối tượng bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp;
– Kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp bảo hiểm về sự kiện bảo hiểm khi sự kiện đó xảy ra, thực hiện các biện pháp cần thiết theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm để hạn chế tối đa tổn thất;
– Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất để có thể xác định nguyên nhân và mức độ tổn hại, giải quyết bồi thường;
– Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
2. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, có quy định về việc nguyên tắc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, nguyên tắc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp được quy định như sau:
– Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, không giới hạn tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm, không giới hạn đối tượng bảo hiểm rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn;
– Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sẽ được thực hiện sao cho phù hợp với khả năng cân đối nguồn ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một tổ chức và cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an toàn an sinh xã hội, thực hiện các chương trình phát triển vì mục tiêu sản xuất nông nghiệp của người dân.
3. Các nội dung chính trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp:
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, có quy định về các nội dung chính trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải thỏa thuận cụ thể, ghi rõ tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp các nội dung sau:
– Tên và địa chỉ liên hệ của các cơ quan, cá nhân, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp;
– Cách thức xác định số tiền bảo hiểm được quy định trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp dựa trên sự thỏa thuận của các bên và phù hợp với quy định của pháp luật;
– Các trường hợp được áp dụng mức miễn tiền bồi thường, giảm trừ số tiền bồi thường bảo hiểm nông nghiệp;
– Công tác giám định tổn thất, cơ quan và tổ chức có thẩm quyền giám định tổn thất, chi phí thực hiện cho hoạt động giám định tổn thất;
– Xác định sự kiện bảo hiểm xảy ra trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, căn cứ bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, các trường hợp bồi thường căn cứ vào hoạt động công bố và xác nhận thiên tai, dịch bệnh của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại địa phương;
– Hình thức bồi thường, phương thức bồi thường, hồ sơ bồi thường, trong đó có thỏa thuận cụ thể về các tài liệu mà bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm sẽ phải có trách nhiệm cung cấp cho các doanh nghiệp bảo hiểm, thời hạn bồi thường;
– Trách nhiệm của các bên trong công tác kiểm soát rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất, phòng chống gian lận trong hoạt động bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
– Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, trách nhiệm của người được bảo hiểm, trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện đầy đủ quy trình và tiêu chuẩn kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.