Nguyên tắc quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ quyết định hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
1.1. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa:
Khi QĐHP,
Hình phạt với tính chất là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được áp dụng đối với người thực hiện tội phạm. Chỉ có BLHS mới quy định loại chế tài này để áp dụng đối với người phạm tội. Đối với trường hợp nhiều tội phạm, mặc dù tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của những hành vi phạm tội do họ thực hiện cao hơn so với trường hợp phạm một tội, nhưng hình phạt được áp dụng đối với họ không thể tùy tiện mà cũng phải được xác định trên cơ sở do luật hình sự quy định. Trong Phần chung BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể hệ thống hình phạt chính và hình phạt bổ sung, điều kiện áp dụng hình phạt, QĐHP trong trường hợp phạm nhiều tội, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án … Trong Phần các tội phạm của Bộ luật này, cũng đã quy định cụ thể loại và mức hình phạt có thể áp dụng đối với người thực hiện nhiều tội phạm đó.
Khi QĐHP,
Tính hợp lý của việc QĐHP đối với nhiều tội phạm. Tính hợp lý thể hiện ở chỗ trong số những phương án khác nhau mà luật cho phép, Tòa án phải lựa chọn phương án tối ưu nhất, vừa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi phạm tội, vừa phục vụ yêu cầu chính trị trong từng giai đoạn, ở từng địa phương. Để thực hiện nội dung này, Tòa án phải áp dụng đúng pháp luật hình sự. Áp dụng đúng pháp luật không có nghĩa là chỉ áp dụng đúng lời văn của pháp luật hình sự mà còn phải hiểu đúng tinh thần lời văn của pháp luật. Bên cạnh đó, do người thực hiện nhiều tội phạm thường nguy hiểm hơn nhiều so với người thực hiện một tội phạm và bị quần chúng nhân dân căm ghét, cho nên khi QĐHP đối với họ, Tòa án phải cân nhắc cả tình hình chính trị, xã hội, kinh tế ở địa phương để QĐHP cho hợp lý.
1.2. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt:
Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt là nguyên tắc chung của luật hình sự, đồng thời cũng là nguyên tắc của QĐHP. Yêu cầu của nguyên tắc này là mọi hành vi phạm tội đều bị phát hiện và trừng phạt, không bỏ lọt tội phạm.
Cá thể hóa hình phạt là một trong những nguyên tắc quan trọng của chế định hình phạt và là nguyên tắc đặc thù của QĐHP đối với nhiều tội phạm. Tư tưởng cơ bản của nguyên tắc này là: khi QĐHP, Tòa án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự, ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đó lựa chọn loại và mức hình phạt cụ thể áp dụng cho người phạm tội sao cho công bằng, hợp lý nhằm bảo đảm mục đích của hình phạt. Có như vậy hình phạt mới đạt được mục đích vừa nhằm răn đe, vừa nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Để có thể cá thể hóa hình phạt đối với nhiều tội phạm, vấn đề cần được chú ý là phải xem xét nhân thân người phạm tội: tái phạm, tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Tất nhiên, hình phạt đối với nhiều tội phạm luôn luôn là hình phạt đối với các hình vi phạm tội đã thực hiện, chứ không phải nhân thân người phạm tội. Xem xét nhân thân người phạm tội để phục vụ cho việc cá thể hóa hình phạt đối với nhiều tội phạm không phải là xem xét nhân thân nói chung, mà là xem xét những đặc điểm nhất định có ảnh hưởng tới tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Theo luật hình sự Việt Nam, cùng với một số tình tiết khác, các biểu hiện của nhiều tội phạm như tái phạm, tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là những tình tiết về nhân thân có ý nghĩa quan trọng khi QĐHP đối với nhiều tội phạm.
1.3. Nguyên tắc công bằng xã hội:
Nội dung của nguyên tắc công bằng xã hội khi QĐHP thể hiện:
Thứ nhất, hình phạt đã tuyên phải tương xứng với các tội đã phạm. Nghĩa là các tội đã phạm càng nghiêm trọng và trong những điều kiện giống nhau, thì hình phạt phải càng nghiêm khắc hơn và ngược lại.
Thứ hai, khi QĐHP đối với nhiều tội phạm, mặc dù có tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm nhưng phải cân nhắc nhân thân người phạm tội và các tình tiết khác có trong vụ án. Sở dĩ phải chú ý đến vấn đề này, vì hình phạt bao giờ cũng được áp dụng đối với người phạm tội cụ thể, mà những con người cụ thể tất yếu có hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm, sinh lý riêng cũng như giữ những địa vị không giống nhau trong xã hội.
Thứ ba, hình phạt được tuyên đối với nhiều tội phạm cần phải phản ánh một cách đúng đắn dư luận xã hội, ý thức pháp luật, đạo đức xã hội, phải có sức thuyết phục, bảo đảm tính công bằng và chính sách hình sự của Nhà nước ta.
2. Căn cứ quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Căn cứ QĐHP là cơ sở pháp lý mà Toà án phải tuân thủ khi QĐHP. Đây là điều kiện tồn tại và làm sáng tỏ nguyên tắc QĐHP. Căn cứ QĐHP là những đòi hỏi, yêu cầu cơ bản và mang tính nguyên tắc, buộc phải tuân thủ khi QĐHP nhằm làm cho việc QĐHP được khách quan, đúng đắn, công bằng và phù hợp. Các căn cứ QĐHP là những đòi hỏi cơ bản có tính nguyên tắc do
luật hình sự quy định hoặc do giải thích luật mà có, buộc Tòa án phải tuân theo khi QĐHP đối với tội phạm. Để quyết định một hình phạt đúng pháp luật, công bằng và hợp lý đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khi áp dụng các chế tài của pháp luật hình sự, Tòa án ngoài việc phải nhận thức đúng đắn mục đích và ý nghĩa của các loại hình phạt, tuân thủ các nguyên tắc QĐHP còn đòi hỏi phải dựa vào những căn cứ nhất định như quy định tại khoản 1 Điều 50 BLHS năm 2015: “Khi QĐHP, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”. Theo đó có căn cứ mang tính tuyệt đối (quy định của BLHS) và có căn cứ mang tính “cân nhắc”: Cụ thể như sau:
Thứ nhất, căn cứ các quy định của Bộ luật hình sự
Căn cứ này bao hàm hết tất cả những quy định của phần chung BLHS, chẳng hạn như các quy định về tội phạm nói chung để xác định nguyên tắc xác định một hành vi có phải là tội phạm hay không, là loại tội phạm gì… quy định về năng lực chịu TNHS, độ tuổi và phạm vi chịu TNHS để xác định người phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có năng lực chịu TNHS không, thuộc độ tuổi nào (người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu TNHS về tội phạm này; các quy định về lỗi để xác định loại lỗi gì, từ đó đánh giá người phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thuộc trường hợp lỗi cố ý….; các quy định về tình tiết tăng nặng TNHS, các tình tiết giảm nhẹ TNHS, các quy định về hình phạt, biện pháp tư pháp, các nguyên tắc QĐHP trong các trường hợp phạm nhiều tội, đồng phạm, tổng hợp hình phạt, QĐHP dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, các quy định về áp dụng án treo … và quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 để định tội danh và xác định trường hợp phạm tội tương ứng với khung hình phạt, loại hình phạt và mức hình phạt nào tương ứng.
Việc QĐHP đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ được đặt ra khi đã có đủ căn cứ xác định hành vi của bị cáo đã cấu thành một tội này theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc là phải định tội danh rồi mới QĐHP. Sau khi đã xác định được tội danh cụ thể đối với hành vi mà NCTN đã thực hiện (xác định được điều luật cụ thể), thì phải xác định hành vi đó thuộc điểm, khoản nào trong điều luật mà BLHS đã quy định. Trên cơ sở đó, đối chiếu với các quy định ở Phần Chung và Điều 174 BLHS để xem xét những quy định có liên quan đến hành vi của người phạm tội.
Như vậy, khi QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Toà án cần phải căn cứ vào tất cả các quy định của BLHS ở dạng thống nhất, tổng thể và cần phải chỉ rõ trong bản án những quy định của BLHS có liên quan trực tiếp đến việc quyết định một hình phạt cụ thể đối với bị cáo phạm tội này. Các quyết định của BLHS là căn cứ cơ bản nhất của việc QĐHP, đòi hỏi quan trọng của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa khi QĐHP.
Thứ hai, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
Đối với căn cứ này Điều 50 BLHS năm 2015 xác định là một trong những căn cứ mà Tòa án sẽ “cân nhắc” khi QĐHP nói chung và QĐHP đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Theo đó, khi QĐHP đối với trường hợp phạm tội cụ thể như Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Toà án không những dựa vào các quy định của BLHS mà còn phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người phạm tội đã thực hiện. Chẳng hạn, trong trường hợp phạm tội này nhưng ở trường hợp thứ nhất – giá trị tài sản chiếm đoạt là 200 triệu đồng và trường hợp thứ hai là 490 triệu đồng, cả hai trường hợp này đều thuộc trường hợp phạm tội theo khoản 3 Điều 174 BLHS năm 2015 với khung hình phạt tương ứng là hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Rõ ràng với giá trị chiếm đoạt cao hơn thì trường hợp phạm tội thứ hai sẽ có mức độ nguy hiểm cao hơn và sẽ phải chịu mức hình phạt cao hơn trường hợp phạm tội thứ nhất. Tương tự như vậy đối với các trường hợp phạm tội cụ thể khác của Tội này cũng cần được Tòa án “cân nhắc” tính chất, mức độ nguy hiểm cao – thấp từ đó đưa ra loại hình phạt và mức hình phạt phù hợp.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 8 BLHS thì “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm”. Do đó, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm như: phụ thuộc vào tính chất quan trọng của khách thể bị xâm phạm, vào hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm lỗi gây ra, lỗi, mục đích, động cơ phạm tội…Tuy nhiên khi cân nhắc các yếu tố thuộc về hành vi, hậu quả, lỗi, động cơ, mục đích, để xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Thứ ba, nhân thân người phạm tội
Đối với căn cứ này cũng là một trong những căn cứ mà Tòa án sẽ “cân nhắc” khi QĐHP nói chung và QĐHP đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm, dấu hiệu, các đặc tính thể hiện bản chất xã hội của con người khi vi phạm pháp luật hình sự. Để QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đúng thì một trong những đòi hỏi quan trọng là phải làm rõ những đặc điểm về nhân thân người phạm tội. Những đặc điểm về nhân thân người phạm tội được thể hiện trong lý lịch bị can, bị cáo và các tài liệu khác có liên quan. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo. Nhân thân người phạm tội bao gồm cả mặt tốt và cả mặt xấu. Trong một số trường hợp có một số đặc điểm về nhân thân người phạm tội đã được quy định là yếu tố loại trừ TNHS, miễn hình phạt, định tội, định khung hình phạt hoặc quy định là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS; do đó, khi QĐHP cần phân biệt từng trường hợp cụ thể. Cần phải cân nhắc đầy đủ các đặc điểm về nhân thân người phạm tội chưa quy định là yếu tố định tội, định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng hoặc là tình tiết giảm nhẹ TNHS. Để hình phạt đã tuyên xứng với hành vi bị cáo, phù hợp khả năng cải tạo, giáo dục của bị cáo cũng như hoàn cảnh của họ, Thẩm phán ra QĐHP phải căn cứ cả vào nhân thân của người phạm tội bởi nó không chỉ phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà còn phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội cũng như hoàn cảnh đặc biệt của họ.
Chẳng hạn, khi QĐHP đối với các bị cáo X và bị cáo Y cùng bị xử lý theo khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015, Tòa án xem xét nhân thân người phạm tội của bị cáo X thấy rằng bị cáo chưa từng có tiền án, tiền sự nào nhưng đối với bị cáo Y thì đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp tài sản với giá trị dưới 02 triệu đồng. Ngoài ra, bị cáo X có nơi cư trú rõ ràng còn bị cáo Y thì không có công ăn việc làm, lêu lổng, không có nơi cư trú… thì rõ ràng nhân thân của Y xấu hơn nhân thân của X và nếu phải đưa ra QĐHP cho hai bị cáo thì người có nhân thân xấu hơn là Y có thể sẽ phải chịu loại hình phạt và mức hình phạt cao hơn X.
Thứ tư, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự
Khi QĐHP đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, pháp luật hình sự Việt Nam quy định Tòa án không chỉ cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, nhân thân người phạm tội, mà còn phải cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS. Những tình tiết này không được quy định trong các khoản từ khoản 1 đến khoản 4 của Điều 174 BLHS như là các tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt mà được quy định riêng tại Điều 51 và Điều 52 BLHS năm 2015.
Trên thực tế hiện nay, nhà làm luật không quy định cụ thể từng tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS có ảnh hưởng đến mức nào đối với việc QĐHP nói chung và QĐHP đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Ý nghĩa của từng tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể, vào từng người phạm tội cụ thể. Bởi vậy, Tòa án có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong việc QĐHP. Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS được đánh giá, cân nhắc trong quá trình QĐHP phải được ghi cụ thể trong bản án để cho hình phạt được tuyên có sức thuyết phục và có căn cứ hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án cấp trên khi kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp lý của bản án.
Tuy nhiên, Tòa án có thể việc vận dụng các quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015 để quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nếu người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015. Còn đối với người phạm tội ngoài việc có các dấu hiệu định tội, định khung mà còn có các tình tiết tăng nặng TNHS thì mức hình phạt sẽ cân nhắc ở mức độ cao hơn so với người phạm tội tương tự nhưng không có thêm hoặc có ít hơn các tình tiết tăng nặng TNHS và ngược lại.
Có thể nói, căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS là các căn cử QĐHP độc lập so với các căn cứ ở trên, buộc Thẩm phán ra QĐHP phải cân nhắc các tình tiết này (nếu có) trong mối liên hệ với toàn bộ vụ án giúp cho việc vận dụng đúng các căn cứ khác.