Cộng đồng xã hội cũng như gia đình của người khuyết tật phải cùng nhau chung tay và tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp cho người khuyết tật có thể hòa nhập một cách bình đẳng vào cộng đồng. Hành vi cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng:
Người khuyết tật là một trong những đối tượng có nhiều rào cản và rất khó để hòa nhập với cộng đồng. Pháp luật hiện nay đã tạo ra những động lực để giúp cho người khuyết tật ngày càng hòa nhập và gắn bó với cộng đồng xung quanh. Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào có hành vi cản trở người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng đều bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2007 có quy định về vấn đề sống độc lập và là một phần của cộng đồng. Theo đó, các quốc gia thành viên tham gia công ước về quyền của người khuyết tật cần phải luôn luôn công nhận quyền bình đẳng của tất cả những đối tượng được xác định là người khuyết tật được sống trong cộng đồng theo sự lựa chọn của bản thân và bình đẳng với những thành viên khác, các quốc gia thành viên cũng cần phải tiến hành mọi biện pháp cần thiết và biện pháp hiệu quả thích hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được hưởng trọn vẹn quyền này, giúp cho những người khuyết tật gia nhập và tham gia vào cộng đồng, bao gồm các nghĩa vụ cơ bản sau:
– Người khuyết tật có cơ hội chọn các khu vực cư trú và nơi sinh sống, có quyền lựa chọn người chung sống cùng mình dựa trên cơ sở bình đẳng với những cá nhân bình thường khác và không bị bắt buộc phải sống trong bất kỳ một điều kiện cụ thể nào;
– Người khuyết tịch được quyền tiếp cận với tất cả các dịch vụ tại nhà hoặc tại khu vực mà mình cư trú hoặc các dịch vụ hỗ trợ công cộng khác theo quy định của pháp luật, trong đó có sự hỗ trợ của các cá nhân trong xã hội cần thiết để họ được sống và gia nhập với cộng đồng, có các quy định để ngăn chặn sự cách ly và tách biệt người khuyết tật khỏi cộng đồng;
– Các dịch vụ cơ sở vật chất cộng đồng dành cho người khuyết tật phải dựa trên cơ sở bình đẳng và đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của họ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, có quy định về mức xử phạt đối với các hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật. Theo đó, hành vi cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng sẽ bị xử phạt với mức tiền cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi kỳ thị hoặc phân biệt đối xử đối với người khuyết tật dưới bất kỳ hình thức nào, có hành vi cản trở quyền kết hôn hoặc cản trở quyền nuôi con hợp pháp của những đối tượng được xác định là người khuyết tật, cản trở người khuyết tật được sống một cách độc lập và hòa nhập với cộng đồng xung quanh, cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận với công nghệ thông tin;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi không thực hiện đầy đủ chức năng và trách nhiệm trong quá trình nuôi dưỡng chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng hình ảnh và thông tin cá nhân, lợi dụng tình trạng khuyết tật của người khác, tổ chức của người khuyết tật hoặc tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi cá nhân hoặc thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi lôi kéo và dụ dỗ ép buộc người khuyết tật thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng trong trường hợp này đó là bắt buộc phải nộp lại toàn bộ số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật mà có.
Như vậy có thể nói, người nào có hành vi cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên. Tuy nhiên, mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, còn tổ chức vi phạm hành vi này sẽ bị phạt gấp 02 lần mức phạt cá nhân, tức là từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
2. Thẩm quyền xử phạt hành chính hành vi cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nói chung và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng nói riêng. Cụ thể như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5.000.000 đồng, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị dưới 10.000.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt cụ thể như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50.000.000 đồng, tịch thu tang vật và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Như vậy có thể nói, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thuộc về chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.
3. Thời hiệu xử phạt hành vi cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nói chung và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng nói riêng. Căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được xác định là 01 năm, trừ những trường hợp cơ bản sau đây: Vi phạm hành chính về lĩnh vực kế toán và hóa đơn, vi phạm hành chính trong vấn đề phí và lệ phí, vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và quản lý giá, trong lĩnh vực chứng khoán và sở hữu trí tuệ, trong lĩnh vực xây dựng và thủy sản, trong lĩnh vực lâm nghiệp và điều tra, quy hoạch và thăm dò khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước, vi phạm trong hoạt động dầu khí vào hoạt động khai thác khoáng sản bảo vệ môi trường, trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và quản lý phát triển các công trình hạ tầng cơ sở, trong lĩnh vực đất đai và đê điều, trong hoạt động báo chí xuất bản và xuất nhập khẩu, hoạt động kinh doanh hàng hóa và sản xuất buôn bán hàng cấm hoặc hàng giả, quản lý người lao động được xác định là lao động nước ngoài thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính xác được xác định là 02 năm.
Theo đó thì có thể nói, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có hành vi cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng được xác định là 01 năm theo như phân tích nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022;
– Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.