Pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ quyền công dân trong đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình . Vậy việc mua bán thông tin cá nhân người khác bị xử phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Pháp luật quy định về quyền bảo mật thông tin cá nhân:
Các hành vi liên quan đến thông tin cá nhân hiện nay đã được pháp luật Dân sự quy định cụ thể tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được coi là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, cụ thể:
– Hành động thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin mà những thông tin này liên quan trực tiếp đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân chắc chắn phải được người chủ thông tin đó đồng ý; quá trình thu thập lưu giữ sử dụng công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình cũng phải có sự chấp thuận từ các thành viên trong gia đình trừ trường hợp luật có quy định khác;
– Những thông tin liên quan đến thư tín, điện thoại điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân cũng nằm trong những trường hợp được bảo đảm an toàn và bí mật. Pháp luật cũng nghiêm cấm việc tự ý, bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín điện thoại, điện tín cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác mà trường hợp này chỉ được áp dụng trong trường hợp luật pháp có quy định;
– Quá trình thu thập hoặc tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau thông qua hợp đồng thì người đã biết thông tin trong quá trình xác lập thực hiện hợp đồng cũng không được tiết lộ thông tin này cho một cá nhân khác trừ trường hợp có thỏa thuận.
Bên cạnh đó tại Khoản 5 Điều 7 Luật an ninh thông tin mạng năm 2015 cũng đã quy định rõ về hành vi bị nghiêm cấm đó là hành vi tự ý thu thập, sử dụng, phát tán kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác hoặc thông qua những sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để lợi dụng thu thập tài liệu, khai thác thông tin cá nhân là đang vi phạm pháp luật. Như vậy có thể thấy pháp luật đã quy định rất cụ thể những trường hợp hoặc những hành vi đang bị nghiêm cấm trong việc thu giữ, sử dụng, công khai thông tin cá nhân của người khác.
2. Mua bán thông tin cá nhân người khác bị xử phạt thế nào?
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
– Quyền được giữ bí mật thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là quyền tuyệt đối của cá nhân. Chính vì vậy, nếu có hành vi vi phạm liên quan đến việc xâm phạm các thông tin bí mật đời tư này thì cá nhân sẽ bị xử phạt vi phạm theo đúng quy định tại Điểm ckhoanr 3 Điều 84 Nghị định 15/2020 được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP, theo đó cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu có một số hành vi dưới đây:
+ Tự ý thu thập thông tin cá nhân của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó mà chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin;
+ Sau khi đã thu thập các thông tin trái quy định mà lại cung cấp thông tin này cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp;
– Nếu vi phạm một trong các hành vi dưới đây thì mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng:
+ Các bên có thỏa thuận với nhau về việc sử dụng mục đích thông tin cá nhân Tuy nhiên một bên lại vi phạm trong hợp đồng và sử dụng thông tin không đúng mục đích ban đầu hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đã sử dụng không đúng mục đích;
+ Có hành động cung cấp hoặc chia sẻ phát tán thông tin cá nhân đã thu thập được tiếp cận kiểm soát cho bên thứ ba trong khi chủ thông tin cá nhân vẫn chưa cho phép;
+ Tự ý thu thập sử dụng phát tán kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính với mức nêu trên thì biện pháp khắc phục hậu quả cũng được áp dụng đối với vi phạm quy định về thu thập sử dụng thông tin cá nhân. Đối với trường hợp vi phạm cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi có sự đồng chưa có sự đồng ý hoặc cung cấp chia sẻ phát tán thông tin cá nhân đã thu thập tiếp cận kiểm soát cho bên thứ ba hoặc thu thập sử dụng phát tán kinh doanh trái phép thông tin cá nhân của người khác sẽ bị áp dụng biện pháp buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm gây nên.
Lưu ý: mức phạt này chỉ áp dụng đối với tổ chức; trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như tổ chức thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền của tổ chức.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Trong một số trường hợp nếu hành vi vi phạm đã đủ yếu tố cấu thành về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, cụ thể như sau:
Cá nhân bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thực hiện một trong các hành vi sau đây mà đem lại nguồn lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hành vi vi phạm gây dư luận xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân:
+ Cố tình đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
+ Thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc tiến hành công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì mục đích riêng của bản thân nhưng không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
+ Ngoài ra, nếu có hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Như vậy, cá nhân tổ chức sử dụng trái phép thông tin của người khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện hành vi thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Thám tử tư theo dõi người khác có bị coi là mua bán thông tin cá nhân không?
Căn cứ theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg đã quy định dịch vụ ddieuf tra là nằm trong hệ thống ngành kinh tế cấp 3,4,5 ( 803 – 8030 – 80300: Dịch vụ điều tra). Nhóm này gồm cách dịch vụ như Dịch vụ điều tra và thám tử. Các hoạt động của tất cả các thám tử tư nhân, thuộc các loại khách hàng hoặc mục đích điều tra đều nằm trong nhóm này.
Với quy định nêu trên, thám tử tư thuộc hệ thống ngành kinh tế Việt Nam với mã ngành 803 – 8030 – 80300 nằm trong nhóm các hoạt động điều tra bảo vệ an toàn. Người thám tử tham gia vào trong quá trình điều tra, thu thập thông tin, sử dụng thông tin này là một trong những hoạt động được cho phép thực hiện. Nên không thể nói rằng hành động của thám tử tư là đang vi phạm pháp luật, thực hiện mua bán thông tin cá nhân.
Tuy nhiên cũng phải đặc biệt lưu ý, việc điều tra, theo dõi của thám tử tư cần phải tuân thủ theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015. Còn trong trường hợp thực hiện không đúng theo quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đã phân tích tại mục 2 bài viết.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản;
– Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.