Tranh chấp trong hoạt động kinh doanh là điều rất khó tránh khỏi, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế phát triển, nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác kinh doanh như hiện nay. Vậy việc giải quyết tranh chấp góp vốn kinh doanh và chia lợi nhuận được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Các loại tranh chấp về góp vốn trong kinh doanh:
- 2 2. Giải quyết tranh chấp góp vốn kinh doanh và chia lợi nhuận:
- 3 3. Một số quy định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp góp vốn và chia lợi nhuận trong kinh doanh:
- 4 4. Một số lưu ý cho các doanh nghiệp tránh các tranh chấp về vốn góp kinh doanh:
1. Các loại tranh chấp về góp vốn trong kinh doanh:
Góp vốn là một hình thức đầu tư nên hợp đồng góp vốn công ty thuộc một trong các dạng hợp đồng góp vốn kinh doanh. Tranh chấp về vốn góp trong kinh doanh chỉ xảy ra đối với các doanh nghiệp có từ hai thành viên góp vốn trở lên như: Công ty TNHH, Công ty hợp danh, Công ty Cổ phần. Tranh chấp về góp vốn là những bất đồng, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giữa các bên khi tham gia góp vốn kinh doanh. Một số tranh chấp có thể kể đến như:
– Tranh chấp do các bên không thực hiện đúng nghĩa vụ góp vốn: Thành viên không góp vốn hoặc góp không đầy đủ số vốn đã cam kết góp cho công ty.
– Tranh chấp liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp: Là việc không thực hiện đúng thỏa thuận về các trường hợp được phép rút phần vốn góp hoặc chuyển nhượng phần vốn góp.
– Tranh chấp về việc định đoạt tài sản vốn góp: Là việc không thống nhất về việc sử dụng tài sản vốn góp để đầu tư, kinh doanh.
Ví dụ: Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, các tài sản góp vốn khác phải được sự đồng ý, chấp thuận bằng văn bản của các thành viên tham gia góp vốn. Bởi đây được coi là tài sản chung trong kinh doanh, do đó việc định đoạt tài sản chung mà thiếu sự đồng ý của một trong các thành viên thì có khả năng sẽ bị tuyên bố vô hiệu trừ trường hợp chứng minh được thành viên đó biết về định đoạt tài sản nhưng không phản đối trong một thời gian hợp lý.
– Tranh chấp liên quan đến việc uỷ quyền/uỷ thác đầu tư, góp vốn thay;
– Tranh chấp liên quan đến phân chia lợi nhuận và rủi ro của công ty: Quá trình hoạt động kinh doanh phát sinh lợi nhuận và những rủi ro, các thành viên tham gia góp vốn đều có quyền được hưởng những lợi nhuận và đều phải gánh chịu thua lỗ theo thỏa thuận hoặc theo quy định.
2. Giải quyết tranh chấp góp vốn kinh doanh và chia lợi nhuận:
Thứ nhất, thương lượng.
Là biện pháp giải quyết tranh chấp trong kinh doanh mà không cần đến vai trò của bên thứ ba. Khi có tranh chấp phát sinh, các bên có thể cùng nhau ngồi lại bàn bạc, thỏa thuận, thương thảo để giải quyết tranh chấp.
Phương pháp thương lượng được coi là phương pháp giải quyết tranh chấp hữu hiệu và được ưu tiên áp dụng. Bởi đây là phương thức giải quyết đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và giữ được uy tín, mối quan hệ giữa các bên trong kinh doanh.
Thứ hai, hòa giải.
Hòa giải giải quyết tranh chấp trong kinh doanh là biện pháp giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian để hỗ trợ, thuyết phục giúp các bên tranh chấp tìm kiếm giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp phát sinh. Cũng như thương lượng, đây là phương pháp giải quyết nhanh chóng, linh hoạt, ít tốn kém chi phí được ưu tiên áp dụng.
Phương thức hòa giải có khả năng thành công cao hơn thương lượng, kết quả hòa giải cũng được các bên tôn trọng và tuân thủ. Hơn nữa hòa giải còn có thêm ưu điểm nổi bật là có sự tham gia của bên thứ ba (thường là người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh).
Thứ ba, trọng tài.
Đây là biện pháp giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là thủ tục đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo bí mật kinh doanh và thông tin mật của Doanh nghiệp.
Quyết định của Trọng tài là quyết định chung thẩm nên không thể bị kháng cáo, kháng nghị. Các bên có thể lựa chọn trọng tài viên giải quyết nên có thể lựa chọn các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế cao.
Thứ tư, khởi kiện tại tòa án.
Đối với các tranh chấp không thể hòa giải được, các bên có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết tranh chấp.
khởi kiện tại tòa án là biện pháp giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt. Bản án, quyết định của tòa án có tính pháp lý cao, nếu không tự nguyện chấp hành sẽ chịu sự cưỡng chế của cơ quan thi hành án.
3. Một số quy định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp góp vốn và chia lợi nhuận trong kinh doanh:
– Tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ góp vốn: Thành viên góp vốn không góp vốn hoặc góp không đủ số vốn cam kết góp cho công ty.
+ Đối với Công ty TNHH:
Theo quy định tại Điều 47
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các thành viên cam kết góp vốn phải góp đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết.
Sau thời hạn góp vốn 90 ngày mà các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì sẽ giải quyết như sau:
++ Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty. Công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định.
++ Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
++ Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
Lưu ý: Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
+ Đối với công ty cổ phần:
Theo quy định tại Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Trường hợp sau thời hạn theo quy định, cổ đông chưa thanh toán hoặc thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì giải quyết như sau:
++ Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
++ Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
++ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
– Tranh chấp liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp:
+ Đối với công ty TNHH:
Theo quy định tại Điều 52
++ Chỉ được chuyển nhượng cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty;
++ Chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp cho người không phải là thành viên công ty nếu các thành viên góp vốn còn lại không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.
+ Đối với công ty cổ phần:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty cổ phần phải tuân theo quy định sau:
++ Cổ đông sáng lập chỉ được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho cổ đông sáng lập khác trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
++ Cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
++ Nếu cổ đông sáng lập còn lại không đồng ý việc chuyển nhượng cổ phần cho người ngoài thì cổ đông dự định chuyển nhượng có quyền yêu cầu các cổ đông còn lại hoặc công ty mua lại số cổ phần dự định chuyển nhượng đó.
++ Cổ phần ưu đãi biểu quyết không được phép chuyển nhượng;
Lưu ý: cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông sáng lập của công ty không được coi là cổ đông sáng lập.
– Tranh chấp về việc định đoạt tài sản góp vốn:
Tài sản góp vốn được đưa vào trong kinh doanh được coi là tài sản chung trong kinh doanh, vì vậy việc định đoạt tài sản góp vốn phải được sự đồng ý của các thành viên góp vốn trong công ty. Việc định đoạt tài sản vốn góp thường được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng và phải có xác nhận của các thành viên có quyền (trừ trường hợp có văn bản ủy quyền, người nhận ủy quyền có thể ký thay). Nếu việc định đoạt tài sản góp vốn mà không có sự đồng ý của các thành viên tham gia góp vốn, thì không thể thực hiện được; trường hợp giao dịch đã thực hiện sẽ được xem là vô hiệu.
– Tranh chấp về phân chia lợi nhuận và rủi ro của công ty:
Việc phân chia lợi nhuận trong kinh doanh phải dựa trên các cơ sở sau:
+ Điều lệ công ty (theo quy định tại điểm l khoản 2 Điều 24 Luật doanh nghiệp 2020, nguyên tắc phân chia lợi nhuận phải được quy định cụ thể trong điều lệ của công ty);
+ Tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên.
+ Thỏa thuận phân chia lợi nhuận của các thành viên góp vốn (phải được thống nhất dựa trên nguyên tắc số đông đồng ý).
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 69 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi: Đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; Bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn trả sau khi chia lợi nhuận.
4. Một số lưu ý cho các doanh nghiệp tránh các tranh chấp về vốn góp kinh doanh:
– Đăng ký góp vốn: Không đăng ký vốn khống (đăng ký mức vốn quá cao, không hợp lý khi thành lập) nên đăng ký một mức vốn vừa phải để có khả năng góp và góp đủ;
– Trường hợp có thành viên không góp đủ vốn khi hết thời hạn góp vốn: công ty phải ngay lập tức thực hiện thủ tục đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, chấm dứt tư cách thành viên tại công ty của thành viên không góp đủ vốn;
– Xây dựng hệ thống các quy định về quản lý và điều hành chặt chẽ, rõ ràng trong điều lệ và nội quy của công ty (trong đó có các quy định liên quan đến vốn góp, các hạn chế liên quan đến vốn góp).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật doanh nghiệp 2020.