Trong thời gian vừa qua trên địa bàn của cả nước liên tục xảy ra các vụ chống đối người thi hành công vụ, mà phần lớn xảy ra đối với lực lượng cảnh sát giao thông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình. Vậy hành vi chống đối cảnh sát giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chống đối cảnh sát giao thông bị xử phạt như thế nào?
Hiện nay trên thực tế, nhiều cán bộ cảnh sát giao thông đã bị người dân chống đối dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều người có góc nhìn sai lầm, về việc mình chống đối cảnh sát giao thông cũng không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng được xác định là người thi hành công vụ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, người thi hành công vụ là khái niệm để chỉ cán bộ công chức, viên chức hoặc sĩ quan, hạ sỹ quan hoặc các lực lượng chiến sĩ thuộc bộ phận vũ trang nhân dân được cơ quan tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giao nhiệm vụ thực hiện quyền hạn theo quy định của pháp luật, người thi hành công vụ sẽ được pháp luật bảo vệ để phục vụ cho lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhân dân và lợi ích của toàn xã hội nói chung. Vì vậy hành vi chống đối cảnh sát giao thông sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi chống đối cảnh sát giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định về mức xử phạt đối với các đối tượng có hành vi cản trở hoặc chống lại quá trình thanh tra kiểm tra, kiểm soát người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ cho người thi hành công vụ. Theo đó thì hành vi chống đối cảnh sát giao thông sẽ bị xử phạt với mức cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi môi giới hoặc giúp sức cho các cá nhân và tổ chức thực hiện hành vi trốn tránh quá trình thanh tra kiểm tra, trốn tránh quá trình kiểm soát của người thi hành công vụ.
Thứ hai, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với những đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật sau đây:
– Có hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra kiểm tra, kiểm soát và nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
– Có lời nói và hành động đe dọa, nhầm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm của người thi hành công vụ;
– Tổ chức hoặc xúi giục, giúp sức và có hành vi lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành theo yêu cầu thanh tra kiểm tra và kiểm soát của người thi hành công vụ.
Thứ ba, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chống đối người thi hành công vụ;
– Cây thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về phương tiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc của người thi hành công vụ đó;
– Có hành vi đưa tiền hoặc đưa tài sản và các loại lợi ích vật chất khác, các loại lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
Như vậy có thể nói, người nào có hành vi chống đối cảnh sát giao thông như không chấp hành kiểm tra, có lời nói hoặc hành động đe dọa xúc phạm danh dự nhân phẩm của cảnh sát giao thông … thì hoàn toàn có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên. Ngoài ra, nếu như các đối tượng nào có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, gây thiệt hại về tài sản hoặc phương tiện của cảnh sát giao thông Phật cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chống lại quá trình thanh tra kiểm tra và các nhiệm vụ khác của cảnh sát giao thông thì có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên. Tuy nhiên căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, mức phạt này sẽ được áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm hành chính.
2. Chống đối cảnh sát giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Người nào có hành vi chống đối cảnh sát giao thông tùy từng trường hợp khác nhau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng. Rõ nét nhất là, hành vi chống đối cảnh sát giao thông là một trong những hành vi chống đối người thi hành công vụ, vì vậy người nào có hành vi chống đối cảnh sát giao thông nếu như gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên thực tế thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ căn cứ theo quy định tại Điều 330 của Bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi khách quan của tội chống người thi hành công vụ được quy định là hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc phải thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. Người phạm tội trong trường hợp này biết tính chất hành vi của mình thực hiện là trái quy định của pháp luật cũng như biết đối tượng mà mình đã cản trở là người thi hành công vụ nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm đó và mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra. Khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với các đối tượng trong trường hợp này đó là 07 năm tù giam.
3. Quy định về trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông:
Pháp luật hiện nay cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của người dân trong quá trình tham gia giao thông đường bộ. Theo đó thì mỗi người dân cần phải luôn luôn nâng cao ý thức trách nhiệm và ý thức tuyệt đối chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, cần phải tuân thủ theo hiệu lệnh và yêu cầu của các lực lượng chức năng trong quá trình thi hành công vụ của mình. Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bộ Công an ban hành có hiệu lực từ ngày 15/01/2020, có quy định về trách nhiệm của nhân dân trong quá trình tham gia vào hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó người dân cần phải có ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, chấp hành đầy đủ hiệu lệnh và hướng dẫn của người điều khiển an toàn giao thông đường bộ và người kiểm soát các phương tiện giao thông theo quy định của pháp luật. Theo đó thì có thể kể đến một số trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông đường bộ như sau:
– Người dân cần phải tự giác nâng cao hoạt động chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, người dân cần phải chấp hành đầy đủ hiệu lệnh và hướng dẫn của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và người có thẩm quyền kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ;
– Cần phải tham gia hoạt động cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn trong quá trình tham gia giao thông đường bộ và bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông;
– Bảo vệ các công trình giao thông đường bộ và các thiết bị an toàn giao thông trên đường bộ, trong trường hợp phát hiện ra các công trình và thiết bị có dấu hiệu không đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và các thiết bị hư hỏng, các thiết bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau thì cần phải nhanh chóng thực hiện biện pháp cần thiết để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết và khẩn trương thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân nơi gần nhất và công an nhân dân nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời;
– Phát hiện và ngăn chặn, có hành vi tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ;
– Thông báo về các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông trên đường bộ gây cản trở phương tiện đi lại, các hành vi đua xe trái phép và gây rối trật tự công cộng, phạm pháp hình sự làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, người nào có hành vi đặt chướng ngại vật cản cho an toàn giao thông đường bộ hoặc vận chuyển trái phép chất cháy nổ, vận chuyển trái phép chất ma túy và các loại hàng hóa bị cấm lưu hành, có hành vi giả danh công an nhân dân lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có hành vi chống đối người thi hành công vụ và các hành vi khác gây mất trật tự an toàn giao thông đường bộ;
– Tham gia và hưởng ứng các phong trào gìn giữ trật tự an toàn giao thông đường bộ để xây dựng nền văn hóa giao thông lành mạnh;
– Tuyên truyền giáo dục và nhắc nhỏ các thành viên trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó thì hành vi chống đối cảnh sát giao thông trong quá trình tham gia giao thông đường bộ là một trong những hành vi vi phạm trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông theo phân tích nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bộ Công an ban hành có hiệu lực từ ngày 15/01/2020;
– Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.