Bảo vệ di sản văn hóa và quyền và nghĩa vụ của công dân, góp phần nâng cao đồi sống tinh thần và gìn giữ những giá trị cao đẹp của dân tộc. Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa, sẽ bị xử lý như thế nào? Biện pháp khắc phục hậu quả?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa:
Di sản văn hóa là những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, truyền thống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán,… Đây được xem là những giá trị cao đẹp của các thế hệ trước, cần được lưu truyền và phát triển qua các thế hệ nối tiếp.
Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa quảng cáo, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
– Đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
– Đối với hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Đối với hành vi kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
+ Không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thay đổi chủ sở hữu bảo vật quốc gia;
+ Tẩy xóa, sửa chữa hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung Bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa hoặc giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoặc giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
– Nếu thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
+ Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không đúng nội dung ghi trong giấy phép;
+ Phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể;
+ Tùy tiện đưa vào những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương;
+ Không có văn bản đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh hoặc không có văn bản đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt khi xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II;
+ Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.
– Khi có một trong các hành vi dưới đây sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng:
+ Hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
+ Lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
+ Sử dụng trái phép di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
+ Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà không có giấy phép theo quy định;
+ Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép trên lãnh thổ Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp;
+ Làm hư hại nghiêm trọng hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương.
* Hình thức xử phạt bổ sung:
– Tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm sau:
+ Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không đúng nội dung ghi trong giấy phép;
+ Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà không có giấy phép theo quy định.
– Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm sau:
+ Tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung Bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa hoặc giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoặc giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
+ Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không đúng nội dung ghi trong giấy phép;
+ Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà không có giấy phép theo quy định;
+ Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép trên lãnh thổ Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa:
Để hạn chế những ảnh hưởng gây ra từ hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa, pháp luật đã đề ra quy định đối với từng hành vi vi phạm. Theo quy định tại khoản 9 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa bao gồm:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi: viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định;
– Buộc trả lại đất đã bị lấn chiếm trừ trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định, đối với hành vi: lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
– Buộc tháo dỡ công trình đối với hành vi: xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ mà không có văn bản đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh hoặc không có văn bản đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm:
+ Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không đúng nội dung ghi trong giấy phép;
+ Phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể;
+ Tùy tiện đưa vào những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
+ Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà không có giấy phép theo quy định;
+ Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép trên lãnh thổ Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp;
– Buộc thu hồi giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với hành vi: kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (nếu đã được cấp giấy phép);
– Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi:
+ Tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh;
+ Tùy tiện đưa vào những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
3. Ý nghĩa của việc bảo vệ di sản văn hóa:
Di sản văn hóa là tài sản quý báu của dân tộc, là những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Điều này, tạo ra những đặc trưng riêng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Việc bảo vệ di sản văn hóa góp phần lưu truyền và phát huy những giá trị cao đẹp của dân tộc.
– Xây dựng và thúc đẩy nhận thức văn hóa, tự hào bản sắc dân tộc: Bảo vệ di sản văn hóa có thể giúp người dân có nhận thức sâu sắc hơn về bản thân, của cộng đồng và dân tộc. Tạo ra lòng tự hào và lòng yêu nước, cũng như giúp xây dựng sự hiểu biết và tôn trọng giữa các cộng đồng khác nhau.
– Tạo cơ hội kinh tế: Di sản văn hóa thường là điểm du lịch và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Điều này tạo cơ hội phát triển kinh tế cho người dân khu vực.
– Phục vụ cho giáo dục và nghiên cứu: Bảo vệ di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quý giá cho việc nghiên cứu và giáo dục. Đồng thời giúp người dân cơ hội để hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và truyền thống của thế hệ cha ông mang đến những giá trị cao đẹp cho thế hệ sau.
– Tạo sự liên kết xã hội: Di sản văn hóa có thể làm nối kết cộng đồng, giúp tạo ra một tinh thần đoàn kết và tự hào của thế hệ trẻ và thế hệ cha ông đi trước.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa quảng cáo.