Không mang căn cước công dân trong một số trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong đó có hành vi không mang căn cước công dân khi làm việc trên tàu cá. Vậy mức xử phạt, cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Xử phạt người làm trên tàu cá không mang thẻ căn cước:
- 2 2. Mức xử phạt tối đa được áp dụng đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản?
- 3 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thuyền viên, người làm việc trên tàu cá:
- 4 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người làm việc trên tàu cá không mang theo căn cước công dân:
1. Xử phạt người làm trên tàu cá không mang thẻ căn cước:
Căn cước công dân là một trong những giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân trong đó có các thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng, năm, sinh, quê quán, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, đặc điểm nhận dạng và mã số định danh điện tử. Căn cước công dân được sử dụng để chứng minh về các thông tin các cá nhân của một người và để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác vì vậy việc mang căn cước công dân lên tàu cá của thuyền viên hoặc người làm việc trên tàu là điều cần thiết. Do đó, trong trường hợp người làm việc trên tàu thuyền không mang căn cước công dân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong đó vi phạm quy định về thuyền viên, người làm việc trên tàu cá sẽ bị xử phạt như sau:
– Áp dụng hình thức xử phạt tiền đối với trường hợp thuyền viên hoặc người làm việc trên tàu cá không mang theo các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
– Áp dụng hình thức xử phạt tiền đối với trường hợp có thuyền viên trên tàu cá nhưng không có tên trong danh sách sổ danh bạ thuyền viên tàu cá với mức phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng.
– Áp dụng hình thức xử phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng khi có một trong các hành vi dưới đây.
+ Thuyền trưởng hoặc máy trưởng không có đủ điều kiện về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật.
+ Trên tàu cá không có sổ danh bạ thuyền viên theo quy định của pháp luật.
– Áp dụng hình thức xử phạt tiền trong trường hợp chủ tàu không mua bảo hiểm cho thuyền viên tàu cá tùy thuộc vào số lượng thuyền viên không được mua bảo hiểm.Trong đó:
+ Nếu số lượng thuyền viên tàu cá dưới 3 thuyền viên không được mua bảo hiểm thì chủ tàu cá sẽ bị xử phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng.
+ Nếu số lượng thuyền viên tàu cá từ 3 đến dưới 5 thuyền viên không được mua bảo hiểm thì chủ tàu cá sẽ bị xử phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
+ Nếu số lượng thuyền viên trên tàu cá từ 5 đến dưới 10 thuyền viên không được mua bảo hiểm thì chủ tàu cá sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
+ Nếu số lượng thuyền viên trên tàu cá từ 10 thuyền viên trở lên không được mua bảo hiểm thì chủ tàu cá sẽ bị xử phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Như vậy có thể thấy đối với trường hợp người làm việc trên tàu cá không mang thẻ căn cước công dân có thể bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
2. Mức xử phạt tối đa được áp dụng đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền trong hoạt động thủy sản như sau:
Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có mức phạt tiền tối đa được áp dụng là 01 tỷ đồng.
Lưu ý: mức phạt tiền được quy định trong Nghị định 42/2019/NĐ-CP là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân. Còn trong trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì sẽ có mức phạt tiền bằng gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tương tự việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trong Nghị định 42/2019/NĐ-CP được áp dụng với cá nhân. Còn trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức sẽ có mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thuyền viên, người làm việc trên tàu cá:
Căn cứ theo quy định tại các Điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53 và Điều 54 của Nghị định 42/2019/NĐ-CP theo đó cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không mang theo căn cước công dân của người làm việc trên tàu cá bao gồm:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã
– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ
– Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ
– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất
– Chiến sĩ Bộ đội biên phòng
– Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Bộ đội biên phòng
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
– Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng
– Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng
– Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường cấp tỉnh
– Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ
– Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển
– Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển
– Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển
– Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển
– Tư lệnh Cảnh sát biển
– Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản
– Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng Chi cục thủy sản có chức năng quản lý chuyên ngành về thủy sản;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành về thủy sản; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thủy sản
– Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
– Kiểm ngư viên
– Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng xử phạt
– Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng
– Cục trưởng Cục Kiểm ngư
Như vậy, tùy thuộc vào mức tiền xử phạt được áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm và nơi xảy ra hành vi vi phạm để có thể xác định được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không mang theo căn cước công dân của người làm việc trên tàu cá.
4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người làm việc trên tàu cá không mang theo căn cước công dân:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu để được áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là 01 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm trừ một số trường hợp khác trong lĩnh vực vi phạm hành chính về sản xuất nhập khẩu, mua bán, xuất khẩu tàu cá, giống thủy sản, thức ăn thủy sản hoặc các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì sẽ áp dụng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Như vậy, có thể thấy đối với hành vi không mang theo căn cước công dân của người làm việc trên tàu cá không thuộc vào các trường hợp được áp dụng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. Thời hiệu để áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này là 1 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết
– Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản;