Lĩnh vực chứng khoán hiện nay rất đa dạng và phát triển mạnh, tuy nhiên thực tế vẫn xảy ra nhiều hành vi vi phạm. Dưới đây là những điểm mới về xử phạt hành chính lĩnh vực chứng khoán:
Mục lục bài viết
1. Tổng quan về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán:
Lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hiện nay đã và đang phát triển mạnh, đồng thời kéo theo đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề là những vi phạm sẽ xảy ra. Đây là lĩnh vực nhạy cảm và có ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế nước nhà. Do đó các quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được đề cao. Hiện nay, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán rất đa dạng, tuy nhiên sẽ tập trung ở một số vi phạm chính, đặc biệt là vi phạm về công bố thông tin. Thực tế, việc xử phạt các cá nhân, doanh nghiệp niêm yết đối với việc sai phạm trong công bố thông tin ngày càng gia tăng.
Theo thống kê hiện nay, từ năm 2020 đến tháng 9/2021, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã xử phạt 659 tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt hơn 34 tỷ đồng; trong đó, xử phạt 11 tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an xác minh, điều tra các vụ việc thao túng trong giao dịch chứng khoán.
Và một sự việc làm náo động cả thị trường chứng khoán là vào đầu năm 2022, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
2. Điểm mới về xử phạt hành chính lĩnh vực chứng khoán:
Trước khi Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực vào ngày 01/01/2021, việc xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định trong Luật Chứng khoán năm 2006, Luật Sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán năm 2010, Luật Xử lý vi phạm hành chính (2012), Nghị định số 108/2013/NĐ- CP (sau đây gọi là Nghị định 108/2013/NĐ-CP) quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 145/2016-NĐ/CP ngày 01/11/2016 và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán được quy định theo Luật Chứng khoán năm 2019.
Hiện nay, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP được ban hành sửa đổi Nghị định số 156/2020/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điểm mới trong việc xử lý vi phạm các hành vi trong hoạt động chứng khoán. Nghị định số 128/2021/NĐ-CP, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP có một số điểm mới so với Nghị định số 108/2013/NĐ-CP và
(1) Đã liệt kê các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Đây là điểm khác biệt đáng kể đầu tiên của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP so với Nghị định số 108/2013/NĐ-CP và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP:
Tại nội dung của Luật chứng khoán năm 2019 cũng đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong luật chứng khoán, ví dụ:
– Kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.
– Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác để thực hiện việc mua bán chứng khoán, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Theo đó, tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP cũng quy định những hành vi trên và quy định cụ thể các chế tài xử lý vi phạm.
(2) Bổ sung quy định chi tiết các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán:
Cụ thể, theo quy định mới hiện nay đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ gồm cá nhân; tổ chức Việt Nam và cá nhân; tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm. Trong đó:
– Tổ chức bị xử phạt bao gồm: công ty đại chúng; doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng; tổ chức phát hành; tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch; tổ chức tư vấn niêm yết, đăng ký giao dịch; tổ chức kiểm toán được chấp thuận; tổ chức tư vấn chào bán, phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành; tổ chức đấu thầu, đại lý phát hành,…
(3) Đã bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020:
Hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì khi đó thời hiệu sẽ được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
Theo đó, nếu như hành vi vi phạm có thể được thực hiện trước đó nhưng một thời gian sau người có thẩm quyền thi hành công vụ mới phát hiện ra được thì từ đó mới được tính là thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Còn đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thức, thời hiệu sẽ được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm đó.
(4) Theo quy định mới đã mở rộng chủ thể có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán:
Theo quy định tại Điều 47, Điều 48 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền.
Ngoài ra, cũng bổ sung thêm đối tượng có thẩm quyền lập biên bản gồm:
+ Công chức thuộc ngành Tài chính đang thi hành nhiệm vụ, công vụ.
+ Công chức, viên chức, người có thẩm quyền đang thi hành nhiệm vụ, công vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính.
(5) Đã tăng mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính.
(6) Bổ sung quy định xử phạt vi phạm quy định phát hành thêm cổ phiếu và không thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ bị phạt mức tối đa là 70 triệu đồng:
Theo đó, đối với công ty đại chúng thực hiện thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa không đúng thời gian quy định: xử phạt từ 30-50 triệu đồng.
Đối với công ty đại chúng không thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc về thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa: xử phạt từ 50-70 triệu đồng.
Trường hợp bán cổ phiếu quỹ trước thời gian quy định; không hoàn thành việc bán cổ phiếu quỹ trong thời hạn quy định: xử phạt từ 50-70 triệu đồng.
Trường hợp đơn vị có hành vi vi phạm quy định về báo cáo: xử phạt từ 100-200 triệu đồng.
3. Đánh giá cơ bản về điểm mới của các quy định trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực chứng khoán:
Nghị định số 128/2021/NĐ-CP và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đưa ra bổ sung rất nhiều những điểm mới trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này góp phần làm tăng mạnh việc quản lý và xử lý những hành vi vi phạm xảy ra.
Tuy nhiên để các quy định này được triển khai hiệu quả thì việc có hay không chấp hành các quy định của các cá nhân, doanh nghiệp là điều tiên quyết. Đồng thời, các cơ quan, bộ phận có thẩm quyền kiểm tra, giám sát và thanh tra trên thị trường chứng khoán cần tích cực phát huy vai trò của mình trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để ngăn chặn sự tác động xấu đến thị trường, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán