Việc chuyển hóa tội phạm thường diễn ra đối với tội xâm phạm quyền sở hữu. Ở Việt Nam đã có khá nhiều các bản án về chuyển hóa tội phạm. Tổng hợp một số bản án chuyển hóa tội phạm tại Việt Nam như sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Tổng hợp một số bản án chuyển hóa tội phạm tại Việt Nam:
- 1.1 1.1. Bản án số 532/2017/HSPT ngày 26/09/2017 về tội cướp tài sản:
- 1.2 1.2. Bản án số 252/2018/HS-PT ngày 21/06/2018 về tội cướp tài sản:
- 1.3 1.3. Bản án số 36/2017/HSST ngày 30/06/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản:
- 1.4 1.4. Bản án số 40/2017/HSST ngày 11/10/2017 về tội trộm cắp tài sản:
- 1.5 1.5. Bản án số 03/2018/HS-ST ngày 26/01/2018 về tội cướp tài sản:
- 1.6 1.6. Bản án số 37/2017/HSST ngày 12/09/2017 về tội cướp tài sản:
- 1.7 1.7. Bản án số 40/2017/HSST ngày 11/07/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản:
- 1.8 1.8. Bản án số 01/2018/HS-ST ngày 19/01/2018 về tội trộm cắp, cướp tài sản:
- 2 2. Được hiểu như thế nào là chuyển hóa tội phạm:
1. Tổng hợp một số bản án chuyển hóa tội phạm tại Việt Nam:
1.1. Bản án số 532/2017/HSPT ngày 26/09/2017 về tội cướp tài sản:
Bản án số số 532/2017/HSPT ngày 26/09/2017 về tội cướp tài sản như sau:
– Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
– Cấp xét xử: Phúc thẩm.
– Tóm tắt nội dung: Mục đích của bị cáo chính là trộm cắp tài sản, sau khi không tìm thấy tài sản thì bị cáo mới dùng dao khống chế người bị hại để chiếm đoạt số tài sản nên có sự chuyển hóa về tội danh từ tội “Trộm cắp tài sản” sang tội “Cướp tài sản”.
1.2. Bản án số 252/2018/HS-PT ngày 21/06/2018 về tội cướp tài sản:
Bản án số 252/2018/HS-PT ngày 21/06/2018 về tội cướp tài sản như sau:
– Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
– Cấp xét xử: Phúc thẩm.
– Tóm tắt nội dung: Lúc đầu bị cáo chỉ có ý định là cướp giật túi xách của chị Ng, tuy nhiên thì khi chị Ng giằng co giữ lại túi xách, bị cáo đã có hành vi dùng vũ lực để khống chế chị Ng để cố lấy tài sản. Hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội “Cướp tài sản”. Đây chính là trường hợp chuyển hóa tội phạm từ tội “Cướp giật tài sản” sang tội “Cướp tài sản”.
1.3. Bản án số 36/2017/HSST ngày 30/06/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản:
Bản án số 36/2017/HSST ngày 30/06/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:
– Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Bình.
– Cấp xét xử: Sơ thẩm.
– Tóm tắt nội dung: Phan Văn P, Trần Xuân L và Lê Phước S đang thực hiện hành vi trộm cắp gà chọi của ông Toại thì khi đó bị cháu Nguyễn Thị Thu Lệ phát hiện, Phan Văn P đã có lời nói đe dọa đối với cháu Lệ rồi cùng với đồng bọn chiếm đoạt ba con gà chọi có tổng trị giá là 3.975.000đ. Hành vi của những bị cáo chuyển hóa từ tội “Trộm cắp tài sản” sang tội “Cưỡng đoạt tài sản”, trong đó anh Phan Văn P giữ vai trò chính, Trần Xuân L và Lê Phước S là đồng phạm giữ vai trò thực hành.
1.4. Bản án số 40/2017/HSST ngày 11/10/2017 về tội trộm cắp tài sản:
Bản án số 40/2017/HSST ngày 11/10/2017 về tội trộm cắp tài sản như sau:
– Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
– Cấp xét xử: Sơ thẩm.
– Tóm tắt nội dung: Vì hám lợi, muốn có dây tiêu giống giá rẻ để trồng nên là bị cáo đã đồng ý mua dây tiêu mà T và những đồng phạm khác trộm cắp có được. Việc bị cáo đã biết trước và đồng ý tiêu thụ số dây tiêu trộm cắp mà có được đã chuyển hóa hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo sang cùng tội danh là “Trộm cắp tài sản” mà các bị cáo T và đồng phạm khác thực hiện với vai trò giúp sức.
1.5. Bản án số 03/2018/HS-ST ngày 26/01/2018 về tội cướp tài sản:
Bản án số 03/2018/HS-ST ngày 26/01/2018 về tội cướp tài sản như sau:
– Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
– Cấp xét xử: Sơ thẩm.
– Tóm tắt nội dung: Trần Đình V đã có hành vi dùng tay bóp cổ và có những lời nói đe dọa chị A buộc chị A phải đưa cho V 02 nhẫn vàng, 01 lắc đeo tay bằng vàng và 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Sam Sung Galaxy J7 Prime. Hành vi của V thuộc vào trường hợp chuyển hóa tội phạm từ “trộm cắp tài sản” sang “cướp tài sản”.
1.6. Bản án số 37/2017/HSST ngày 12/09/2017 về tội cướp tài sản:
Bản án số 37/2017/HSST ngày 12/09/2017 về tội cướp tài sản như sau:
– Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
– Cấp xét xử: Sơ thẩm.
– Tóm tắt nội dung: Bị cáo H sợ bị phát hiện nên đã dùng tay bịt miệng, bịt mặt bà T, dùng roi điện để chích vào tay, vào cổ của bà T, dùng thanh gỗ đánh vào lưng của bà T để chiếm đoạt tài sản. Hành vi phạm tội của bị cáo đã chuyển hóa từ hành vi trộm tài sản sang hành vi cướp tài sản.
1.7. Bản án số 40/2017/HSST ngày 11/07/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản:
Bản án số 40/2017/HSST ngày 11/07/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:
– Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
– Cấp xét xử: Sơ thẩm.
– Tóm tắt nội dung: Lúc đầu T, H chỉ có mục đích là dùng thủ đoạn gian dối đánh tráo cáp lô để lừa anh N nhưng đã bị anh N phát hiện nên kiên quyết không trả thưởng theo như yêu cầu. Do không lấy được tiền của anh N nên các bị cáo đã nhờ nhiều người đến nhà N để đòi tiền. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của T và H đã chuyển hóa thành hành vi cưỡng đoạt tài sản.
1.8. Bản án số 01/2018/HS-ST ngày 19/01/2018 về tội trộm cắp, cướp tài sản:
Bản án số 01/2018/HS-ST ngày 19/01/2018 về tội trộm cắp, cướp tài sản như sau:
– Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum.
– Cấp xét xử: Sơ thẩm.
– Tóm tắt nội dung: Đang thực hiện hành vi tháo trộm thì bị bà YL tỉnh giấc, phát giác. Liền lúc này thì H giật mạnh lấy được chiếc bông tai bên phải; Bà YL chồm người ngồi dậy thì H đã giật tiếp làm đứt dái tai bên trái, lấy được chiếc bông tai bên trái; Khi bà YL vừa la lớn, vừa tóm vào được cổ áo H thì H đã ngay tức khắc thực hiện hành vi tấn công bà YL,… Hành vi của H là hành vi đã xâm phạm vào quyền sở hữu tài sản của người khác và đã được chuyển hóa từ hành vi “trộm cắp tài sản” sang hành vi “Cướp tài sản”.
2. Được hiểu như thế nào là chuyển hóa tội phạm:
– Pháp luật hình sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn chưa có định nghĩa về chuyển hóa tội phạm. Những quy định về chuyển hóa tội phạm cũng không được quy định cụ thể trong luật, mà đã được Hội Đồng thẩm phán, TANDTC, VKSNDTC và những cơ quan liên quan đưa ra trong quá trình xét xử ở tại Thông tư liên tịch số 02 ngày 25/12/2001 và Nghị quyết số 01/HDTP-NQ năm 1989.
– Khi một người thực hiện hành vi cấu thành tội phạm cụ thể đã được Bộ Luật hình sự quy định thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đó. Tuy nhiên thì diễn biến hành vi phạm tội không phải lúc nào cũng đồng nhất với các hành vi mà Luật định, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, có các hành vi đáp ứng cấu thành tội phạm của nhiều các tội khác nhau. Trong đó, hành vi sau có mức độ nguy hiểm cao hơn so với hành vi ban đầu. Vì thế, nếu xác định tội danh dựa trên hành vi ban đầu sẽ khiến cho tội phạm và hình phạt lại không tương thích với hành vi phạm tội. Chính vì thế, hình thành các quy định về chuyển hóa tội phạm.
– Trong vấn đề chuyển hóa tội phạm thì có một vấn đề liên quan đó là khi thực hiện các hành vi phạm tội thì người phạm tội sử dụng vũ lực đối với nạn nhân nhằm để chiếm đoạt bằng được các tài sản tuy nhiên cũng có những trường hợp mục đích của việc sử dụng vũ lực của người phạm tội không phải nhằm để chiếm đoạt cho bằng được tài sản mà chỉ nhằm để tẩu thoát khỏi sự truy đuổi hô hoán của chủ tài sản hoặc những người xung quanh.
Ví dụ: A lén lút vào nhà B nhằm với mục đích là trộm xe máy, sau khi dắt xe ra tới cổng thì bị B phát hiện nên la hét và giữ chặt tay A lại để A không chạy được. Vì muốn tẩu thoát nên A đã đạp B ngã ra, sau đó bỏ xe lại để chạy thoát thân. Hành vi dùng vũ lực trên của A là không nhằm chiếm đoạt tài sản mà là chỉ nhằm mục đích tẩu thoát nên không có dấu hiệu của chuyển hóa tội phạm.
Việc chuyển hóa tội phạm thường diễn ra đối với tội xâm phạm quyền sở hữu và thường có những dấu hiệu sau đây:
– Bị phát hiện tại thời điểm thực hiện hành chiếm đoạt tài sản.
– Người phạm tội thường dùng vũ lực tấn công hoặc đe dọa dùng vũ lực với nạn nhân hoặc có thể cả người khác.
– Nhằm lấy, giữ, chiếm đoạt bằng được tài sản.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017.