Việc công nhận bệnh binh là thủ tục cần thiết để người bệnh binh có cơ sở hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định. Dưới đây là hướng dẫn hồ sơ, quy trình công nhận bệnh binh mới nhất:
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn hồ sơ, quy trình công nhận bệnh binh mới nhất:
Theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạnh 2020 quy định bệnh binh là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể ≥ 61% khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và được cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” khi thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Theo đó, nhiệm vụ cấp bách được hiểu là các nhiệm vụ chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu; đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; chống khủng bố, bạo loạn; trực tiếp trấn áp, bắt giữ tội phạm; chữa cháy; ứng cứu thảm họa thiên tai hay thực hiện giải thoát con tin;… (căn cứ tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP).
Để được công nhận là bệnh binh thì cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện theo quy trình, thủ tục như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị.
– Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án trong ngày hoặc ngay sau ngày thực hiện nhiệm vụ thể hiện quá trình điều trị bệnh do có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên.
– Phiếu khám sức khỏe định kỳ hoặc phiếu kiểm tra sức khỏe được xác nhận trong thời gian 01 năm sau khi thực hiện nhiệm vụ có ghi nhận tình trạng bệnh có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm (áp dụng với trường hợp chưa điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ như trên, cá nhân nộp hồ sơ đến Công an đơn vị, địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ công tác trước khi xuất ngũ, thôi việc.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận đủ hồ sơ của người có yêu cầu, công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xác lập, hoàn thiện các giấy tờ trong vòng 12 ngày tính từ ngày nhận đủ hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: cấp giấy chứng nhận bị bệnh (theo mẫu số 36 Phụ lục I đính kèm Nghị định số 131/2021/NĐ-CP) và
– Công an đơn vị, địa phương có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị công nhận bệnh binh gửi đến Cục Tổ chức cán bộ trong vòng 05 ngày, tính từ ngày tiếp nhận biên bản giám định y khoa.
– Cục Tổ chức cán bộ có trách nhiệm thẩm định, ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi trong vòng 10 ngày, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Sau đó thực hiện chuyển hồ sơ cùng với quyết định, giấy chứng nhận về Công an đơn vị, địa phương nơi lập hồ sơ đề nghị để di chuyển hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi bệnh binh thường trú.
2. Bệnh binh được hưởng các chế độ gì?
Thứ nhất, hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng:
– Trợ cấp hàng tháng dựa vào tỷ lệ tổn thương cơ thể như sau:
+ Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% – 50%: hưởng trợ cấp 1.695.000 VNĐ/tháng.
+ Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 51% – 60%: hưởng trợ cấp 2.112.000 VNĐ/tháng.
+ Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% – 70%: hưởng trợ cấp 2.692.000 VNĐ/tháng.
+ Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 71% – 80%: hưởng trợ cấp 3.103.000 VNĐ/tháng.
+ Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% – 90%: hưởng trợ cấp 3.714.000 VNĐ/tháng.
+ Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 91% – 100%: hưởng trợ cấp 4.137.000 VNĐ/tháng.
– Trợ cấp đối với người phục vụ bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình: 1.624.000 VNĐ/tháng.
– Đối với bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được hưởng phụ cấp hàng tháng: 815.000 VNĐ/tháng.
– Đối với bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có bệnh đặc biệt nặng sẽ được hưởng phụ cấp đặc biệt hàng tháng: 1.624.000 VNĐ/tháng.
Thứ hai, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Thứ ba, được điều dưỡng phục hồi sức khỏe 02 năm/lần.
Trường hợp bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.
Thứ tư, bệnh binh sẽ được cấp các phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên.
Thứ năm, được hưởng chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở.
Thứ sáu, được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất theo quy định của
Thứ bảy, bệnh binh được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ tám, được miễn hoặc giảm thuế trên cơ sở quy định của pháp luật.
Thứ chín, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh.
3. Thân nhân của bệnh binh được hưởng những chế độ nào?
Căn cứ Điều 28 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH 14 ưu đãi người có công với cách mạng quy định thân nhân của bệnh binh được hưởng những chế độ ưu đãi như sau:
– Hưởng chế độ bảo hiểm y tế: đối tượng được hưởng gồm:
+ Người phục vụ bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.
+ Đối tượng là cha mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
– Thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tuất khi bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết:
+ Đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng: áp dụng đối với cha mẹ đẻ; vợ hoặc chồng đủ tuổi hưởng lương hưu; con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.
+ Đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng: cha mẹ đẻ sống cô đơn; vợ hoặc chồng đủ tuổi hưởng lương hưu sống cô đơn; con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.
– Đối với con của bệnh binh: được hưởng chế độ ưu tiên trong việc tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để được học đến đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
– Được chế trợ cấp một lần: khi bệnh binh đang hưởng trợ cấp hàng tháng chết thì thân nhân được hưởng như sau:
Mức hưởng = 03 tháng trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng hiện hưởng.
– Được hưởng chế độ mai táng: khi bệnh binh đang hưởng trợ cấp hàng tháng chết thì người nào hoặc tổ chức nào thực hiện mai táng sẽ được hưởng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
– Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
– Thông tư số 14/2023/TT-BCA hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của bộ công an.
– Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.