Trường hợp sau khi ly hôn người mẹ muốn xóa bỏ thông tin người chồng cũ trên giấy khai sinh có hợp pháp không? Điều này được thực hiện khi nào và hồ sơ cần chuẩn bị những gì?
Mục lục bài viết
1. Sau khi ly hôn có thể bỏ tên cha trên giấy khai sinh không?
Câu hỏi: Chị N có gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia như sau: Tôi và chồng tôi kết hôn được 10 năm, hai vợ chồng có 2 con, một bé 15 tuổi, một bé 7 tuổi. Do đời sống chung của 2 vợ chồng có nhiều mâu thuẫn vì vậy, vợ chồng tôi đã ly hôn và tòa án đã xét xử cho tôi được trực tiếp nuôi dưỡng 2 con. Vì đã ly hôn nên tôi muốn bỏ tên chồng cũ của tôi trên giấy khai sinh của con tôi có được không? Mong luật sư giải đáp giúp tôi xin chân thành cảm ơn.
Về vấn đề của chị, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình
Theo đó, một cá nhân sẽ có quyền tự do trong việc kết hôn, ly hôn và có quyền bình đẳng giữa vợ chồng, quyền được yêu cầu xác định cha mẹ con, quyền được nuôi con nuôi, được nhận con nuôi và những quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân và quan hệ giữa cha mẹ con và các thành viên khác trong gia đình.
Đặc biệt cần lưu ý con sinh ra sẽ không bị phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của bố mẹ và mỗi người con sẽ đều có những quyền và nghĩa vụ như nhau đối với bố mẹ của mình.
Và căn cứ theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 việc xác định cha mẹ cho con dựa trên những căn cứ như sau:
– Người con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc trường hợp người mẹ mang thai người con trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ được xác định là con chung của 2 vợ chồng.
– Nếu như trong trường hợp vợ chồng đã ly hôn với nhau và con được sinh ra sau 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân thì vẫn được xem là con trong thời kỳ hôn nhân và xác định người cha là người chồng cũ.
– Nếu con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân mà được bố mẹ công nhận là con chung giữa 2 vợ chồng cũng được xác định là con chung của hai vợ chồng.
– Cần lưu ý, trong trường hợp bố mẹ không nhận con thì phải có các căn cứ chứng minh và được tòa án quyết định bằng bản án hoặc quyết định của tòa án.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 Văn bản hợp nhất số 1843/VBHN-BTP về các điều kiện để được thay đổi, cải chính hộ tịch bao gồm:
– Thứ nhất, đó là việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật hộ tịch thì cần thiết có sự đồng ý của cha mẹ, đồng thời nội dung này cần ghi rõ trong tờ khai; với trường hợp con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của người con mới được thay đổi cải chính hộ tịch.
– Thứ hai, việc cải chính hộ tịch đó chính là việc sửa thông tin cá nhân trong sổ hộ tịch hoặc các giấy tờ như bản chính, giấy hộ tịch điều này chỉ được giải quyết khi có những căn cứ xác minh về việc có các sai sót của công chức, hộ tịch hoặc những người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Như vậy, từ các quy định trên có thể thấy đối với trường hợp yêu cầu xóa tên cha ra khỏi giấy đăng ký khai sinh không thuộc các trường hợp được cải chính hộ tịch.
Trường hợp muốn xóa tên người cha ra khỏi giấy khai sinh thì chỉ được thực hiện đối với trường hợp người cha đã thực hiện các thủ tục không công nhận quan hệ cha con.
Như vậy, đối với trường hợp này chỉ khi chồng cũ của bạn không phải là cha đẻ của con bạn và chồng bạn làm thủ tục không công nhận quan hệ cha con tại cơ quan có thẩm quyền là tòa án nhân dân cấp huyện thì khi có bản án, quyết định của tòa án, bạn sẽ mang bản án, quyết định này lên bộ phận tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã để tiến hành thủ tục cải chính thông tin trên giấy khai sinh cho con của mình. Do đó, trường hợp chồng bạn là cha ruột của con thì sẽ không thể làm được thủ tục xóa tên người cha trên giấy khai sinh cho dù vợ chồng đã ly hôn.
Cần lưu ý để tiến hành thủ tục không công nhận quan hệ cha con thì người cha phải có các căn cứ để chứng minh theo quy định và phải được tòa án xác định bằng bản án hoặc quyết định của tòa. Nếu trong trường hợp bạn không có các căn cứ để chứng minh việc giữa chồng bạn và con của mình không có quan hệ cha con thì việc xóa bỏ tên trên giấy khai sinh là hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân trong gia đình đó là về quyền xác định cha mẹ con.
2. Ly hôn với chồng cũ rồi có đổi họ của con sang họ của mẹ được không?
Câu hỏi: Chị A có gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia như sau: Trong thời kỳ hôn nhân với chồng cũ của tôi có một đứa con trai tôi và chồng cũ đã đi đăng ký khai sinh cho con và để họ của con là họ của chồng cũ tôi. Hiện tại, tôi và chồng cũ đã ly hôn vậy tôi có thể sửa họ của con tôi sang họ của chồng mới được không?
Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia, về vấn đề này, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 26
Đồng thời căn cứ theo quy định Điều 7 Văn bản hợp nhất số 1843/VBHN-BTP về điều kiện thay đổi và cải chính hộ tịch thì:
– Cần có sự đồng ý của cha mẹ đối với trường hợp con dưới 18 tuổi khi thực hiện việc thay đổi cải chính hộ tịch và điều này được thể hiện rõ trong tờ khai riêng đối với từ 9 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của con.
– Cần lưu ý việc cải chính hộ tịch chỉ được thực hiện khi có các căn cứ để xác định rằng có lỗi sai sót của công chức, công tác hộ tịch hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Như vậy, từ các căn cứ trên có thể thấy việc thay đổi thông tin về họ của con bạn cần có sự đồng ý của người chồng cũ nếu như trường hợp chồng cũ của bạn không đồng ý thì bạn không thể tiến hành thủ tục này.
3. Hồ sơ thay đổi thông tin cha trên giấy khai sinh:
Như đã đề cập ở trên chỉ có trường hợp người con không cùng huyết thống với người chồng cũ thì mới có thể làm thủ tục xóa bỏ tên người cha trên Giấy khai sinh. Vậy trường hợp sau khi đã xóa bỏ tên chồng cũ trên giấy khai sinh thì việc cải chính thông tin người cha trên giấy khai sinh cần có những giấy tờ gì để thực hiện?
Căn cứ theo quy định của Luật Hộ tịch khi thay đổi hoặc cải chính hộ tịch cho con cần chuẩn bị những giấy tờ cơ bản sau:
– Tờ khai theo mẫu quy định trong đó có nội dung kê khai các thông tin như đăng ký khai sinh lần đầu
– Bản gốc Giấy khai sinh đã được cấp lần đầu của con cần thay đổi thông tin hộ tịch
– Các giấy tờ để làm căn cứ chứng minh cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có căn cứ có thể bao gồm: Giấy xét nghiệm ADN của các cơ sở y tế, bản án quyết định của tòa án về giải quyết vấn đề xác định cha con hoặc các giấy tờ chứng minh việc nhận con nuôi theo quy định.
– Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu của cha, mẹ
Các văn bản sử dụng trong bài viết
Luật Hộ tịch năm 2014;
Văn bản hợp nhất số 1843/VBHN-BTP năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.