Việc nộp thuế đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì cộng đồng, kích thích phát triển kinh tế, và giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn khai, nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Mục lục bài viết
1. Trình tự, thủ tục cấp mã số thuế:
Để thực hiện kê khai, nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì người nộp thuế phải được cơ quan thuế cấp mã số thuế (nếu người nộp thuế đã được cơ quan thuế cấp mã số thuế thì sẽ vẫn được tiếp tục sử dụng trong việc thực hiện kê khai, nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với ngân sách nhà nước). Thủ tục cấp mã số thuế đối với hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh được thực hiện như sau:
Bước 1: Gửi hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế đến chi cục thuế, hồ sơ bao gồm:
Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (tờ khai theo mẫu số 01/TK-SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư
Chứng minh thư nhân dân/CCCD (Bản chụp) hoặc hộ chiếu đối với người nước ngoài nhưng phải có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nơi nộp hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế được quy định như sau:
– Trường hợp người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có nhiều hơn một thửa đất thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế tại một trong những Chi cục Thuế nơi có thửa đất phải chịu thuế đất phi nông nghiệp.
– Trường hợp nơi đăng ký hộ khẩu của người nộp thuế trùng với nơi có thửa đất chịu thuế đất phi nông nghiệp thì người nộp thuế sẽ phải thực hiện nộp hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế tại Chi cục Thuế nơi có hộ khẩu thường trú.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ
Chi cục Thuế nơi nhận hồ sơ cấp mã số thuế căn cứ hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế thực hiện việc cấp mã số thuế và thông báo mã số thuế cho người nộp thuế.
Mã số thuế cấp cho hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh sẽ được cơ quan thuế ghi trên Thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
2. Chuẩn bị hồ sơ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:
Có hai phương thức khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đó là khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp của năm và khai tổng hợp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, mỗi phương thức khai thuế sẽ có hồ sơ khác nhau, cụ thể:
– Đối với trường hợp khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp của năm, hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
+ Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho từng thửa đất chịu thuế theo các mẫu sau:
++ Mẫu số 01/TK-SDDPNN kèm theo Thông tư
++ Mẫu số 02/TK-SDDPNN kèm theo Thông tư 153/2011/TT-BTC (áp dụng cho tổ chức khai thuế);
+ Các giấy tờ liên quan đến thửa đất chịu thuế (bản chụp) như:
++ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
++ Quyết định giao đất;
++ Quyết định hoặc Hợp đồng cho thuê đất;
++ Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
+ Các giấy tờ chứng minh thuộc diện được miễn, giảm thuế, nếu như có (Bản chụp).
– Đối với trường hợp khai tổng hợp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, hồ sơ khai thuế có Tờ khai tổng hợp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (tờ khai theo mẫu số 03/TKTH- SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư 153/2011/TT-BTC).
3. Thực hiện khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:
Đối với tổ chức:
Người nộp thuế thực hiện kê khai và nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại Chi cục Thuế nơi có đất chịu thuế.
Đối với hộ gia đình, cá nhân:
– Đối với đất ở:
+ Trường hợp người nộp thuế có quyền sử dụng đối với một thửa đất hoặc có quyền sử dụng đối với nhiều thửa đất tại cùng một quận, huyện nhưng có tổng diện tích đất chịu thuế không vượt hạn mức đất ở tại nơi mà có quyền sử dụng đất thì người nộp thuế thực hiện lập tờ khai thuế cho mỗi thửa đất, nộp tại UBND cấp xã và không phải lập tờ khai thuế tổng hợp.
+ Trường hợp người nộp thuế có quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất ở tại những quận, huyện khác nhau nhưng không có thửa đất nào mà vượt hạn mức và tổng diện tích các thửa đất chịu thuế không vượt quá hạn mức đất ở nơi đang có quyền sử dụng đất thì người nộp thuế sẽ phải thực hiện lập tờ khai thuế cho mỗi thửa đất, nộp tại UBND cấp xã nơi có đất chịu thuế và không phải lập tờ khai tổng hợp thuế.
+ Trường hợp người nộp thuế có quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất ở tại những quận, huyện và không có thửa đất nào vượt hạn mức nhưng có tổng diện tích các thửa đất chịu thuế vượt quá hạn mức đất ở nơi mà có quyền sử dụng đất: người nộp thuế sẽ phải thực hiện lập tờ khai thuế cho mỗi thửa đất, nộp tại UBND cấp xã nơi đang có đất chịu thuế và lập tờ khai tổng hợp thuế nộp tại Chi cục Thuế nơi mà người nộp thuế chọn để làm thủ tục kê khai tổng hợp.
+ Trường hợp người nộp thuế đang có quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất ở tại những quận, huyện khác nhau và chỉ có một thửa đất vượt hạn mức đất ở nơi đang có quyền sử dụng đất thì người nộp thuế sẽ phải thực hiện lập tờ khai thuế cho mỗi thửa đất, nộp tại UBND cấp xã nơi mà có đất chịu thuế và phải lập tờ khai tổng hợp tại Chi cục Thuế nơi có thửa đất ở vượt hạn mức.
+ Trường hợp người nộp thuế mà có quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất ở tại những quận, huyện và có thửa đất vượt hạn mức đất ở nơi đang có quyền sử dụng đất thì người nộp thuế sẽ phải thực hiện lập tờ khai thuế cho mỗi thửa đất và nộp tại UBND cấp xã nơi có đất chịu thuế; đồng thời người nộp thuế lựa chọn Chi cục Thuế nơi có đất chịu thuế vượt hạn mức để thực hiện lập tờ khai tổng hợp;
+ Chậm nhất là ngày 31/3 của năm dương lịch tiếp theo thì người nộp thuế lập Tờ khai tổng hợp thuế (tờ khai tổng hợp thuế theo mẫu số 03/TKTH-SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư 153/2011/TT-BTC) gửi Chi cục Thuế nơi mà người nộp thuế thực hiện kê khai tổng hợp và tự xác định phần chênh lệch giữa số thuế phải nộp theo đúng quy định với số thuế phải nộp trên Tờ khai mà người nộp thuế đã kê khai tại các Chi cục Thuế nơi có đất chịu thuế.
– Đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 2 Thông tư 153/2011/TT-BTC mà sử dụng vào mục đích kinh doanh thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi mà có đất chịu thuế hoặc tại tổ chức, cá nhân đã được cơ quan thuế ủy quyền theo quy định của pháp luật.
4. Nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:
Đối với hộ gia đình, cá nhân:
– Căn cứ Tờ khai của người nộp thuế mà đã có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
+ Căn cứ Tờ khai của người nộp thuế mà đã có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thuế sẽ tính, lập Thông báo nộp thuế (thông báo theo mẫu số 01/TB-SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư 153/2011/TT-BTC).
+ Chậm nhất là ngày 30 tháng 9 hàng năm thì Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi Thông báo nộp thuế tới người nộp thuế.
+ Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày người nộp thuế đã nhận được Thông báo nộp thuế của cơ quan thuế thì người nộp thuế có quyền phản hồi (sửa chữa, kê khai bổ sung) về những thông tin trên Thông báo và gửi tới nơi nhận hồ sơ khai thuế. Khi đó, cơ quan thuế có trách nhiệm trả lời trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày đã nhận được ý kiến phản hồi của người nộp thuế. Trong trường hợp người nộp thuế mà không có ý kiến phản hồi thì số thuế đã ghi trên Thông báo được coi là số thuế phải nộp.
+ Người nộp thuế phải có trách nhiệm nộp đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo thời hạn pháp luật quy định.
– Trường hợp thuộc diện kê khai tổng hợp: Căn cứ vào tờ khai tổng hợp thì người nộp thuế phải nộp ngay số thuế chênh lệch tăng thêm vào ngân sách nhà nước; trong trường hợp phát sinh số tiền thuế nộp thừa thì được xử lý theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và những văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với tổ chức:
Người nộp thuế phải có trách nhiệm tính và nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo thời hạn sau:
– Thời hạn nộp tiền thuế hàng năm chậm nhất là vào ngày 31 tháng 12 hàng năm. Người nộp thuế sẽ được quyền lựa chọn nộp thuế một lần hoặc hai lần trong năm và người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ thuế chậm nhất là vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.
– Trường hợp trong chu kỳ ổn định 5 năm mà người nộp thuế có đề nghị được nộp thuế một lần cho nhiều năm thì hạn nộp thuế sẽ chậm nhất là vào ngày 31 tháng 12 của năm đề nghị.
– Đối với trường hợp phát sinh những sự việc dẫn đến có sự thay đổi về người nộp thuế thì người chuyển quyền sử dụng đất phải có trách nhiệm hoàn tất việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước nơi mà có đất chịu thuế trước khi thực hiện những thủ tục pháp lý. Trong trường hợp thừa kế, nếu như chưa hoàn tất việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì người nhận thừa kế phải có trách nhiệm hoàn tất việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
5. Thu thuế, nộp thuế:
Sau khi nhận tiền thuế từ người nộp thuế thì cơ quan thuế hoặc là tổ chức/cá nhân đã được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế phải thực hiện cấp biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho người nộp thuế hoặc cấp giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước cho người nộp thuế.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 10/VBHN-BTC năm 2017 do Bộ Tài chính ban hành hợp nhất Thông tư hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.