Trên thực tế, hiện nay vẫn còn một số trường hợp bị cấp sai thông tin về sổ đỏ. Khiến người dân phải hoang mang và lo lắng về vấn đề này. Bài viết dưới đây sẽ chia sẽ thông tin liên quan về thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị sai.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị sai:
Câu hỏi: Chào Luật Dương Gia. Tôi được nhà nước cấp sổ đỏ nhưng ban đầu chỉ số kích thước các mặt không đúng với diện tích đất của tôi đang sử dụng. Tôi đã yêu cầu cán bộ địa chính xã sửa lại, họ đồng ý và bảo gửi lên phòng tài nguyên môi trường của huyện, sau đó tôi cũng đã được cấp lại, nhưng lạicấp cho tôi sổ đỏ cũ và tẩy xóa số kích thước rồi in số mới đè lên. Như vậy tôi hỏi họ làm như vậy có đúng không? Sổ đỏ của tôi có hợp lệ với kích thước mới? Xin trân trọng cảm ơn!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật Dương Gia xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 106
-Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sẽ có trách nhiệm thực hiện việc đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
+ Có sai sót về thông tin như tên gọi, các giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người đang sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó;
+ Có sai sót về thông tin về thửa đất, các tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, các tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra và xác nhận.
– Trong các trường hợp sau đây thì nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp:
+ Nhà nước sẽ thu hồi toàn bộ các diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;
+ Cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp;
+ Người đang sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động của đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng về đối tượng sử dụng đất, không đúng về diện tích đất, không đủ các điều kiện được cấp, không đúng về mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai
– Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp được quy định tại điểm d khoản 2 Điều này sẽ do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định cụ thể tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
Cũng căn cứ tại quy định Điều 86
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải nộp trực tiếp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Đối với trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất sẽ phải có đơn đề nghị để được đính chính.
+ Đối với trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì sẽ có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
– Văn phòng đăng ký đất đai sẽ có trách nhiệm về việc kiểm tra; lập biên bản để kết luận về nội dung và nguyên nhân về việc đã có sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời phải chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
– Đối với trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có thực hiện yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, dựa vào các quy định nêu trên thì đối với trường hợp của bạn, xét thấy rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bạn đã bị tẩy xóa số kích rồi in số mới đè lên không phải do phòng tài nguyên điều chỉnh thì bạn có thể làm đơn kèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được xác nhận các thông tin điều chỉnh có chính xác hay không. Đã được chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai chưa.
2. Trình tự thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất thực hiện trực tiếp tại cấp huyện như thế nào?
Căn cứ tại Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1085/QĐ-BTNMT năm 2023 có hướng dẫn về trình tự thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất thực hiện tại cấp huyện như sau:
Bước 1: Cá nhân, hộ gia đình , cộng đồng dân cư phải thực hiện khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc đã bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ là cơ quan có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.
Bước 2: Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối thì với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ để đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bước 3: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
– Kiểm tra về hồ sơ;
– Trích lục lại bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất;
– Lập lại hồ sơ trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
– Chỉnh lý và cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
– Trao lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Quy định về thẩm quyền cấp sổ đỏ hiện nay:
Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Luật Đất đai 2013 quy định về Thẩm quyền cấp sổ đỏ cụ thể như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp để thực hiện việc cấp sổ đỏ.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
– Đối với những trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật đất đai.