Hiện nay, đất đai là lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội của người dân, lần chiếm đất đai là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Vậy hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp bị xử phạt thế nào?
Hành vi lấn chiếm đất nói chung và lấn chiếm đất phi nông nghiệp nói riêng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt tùy vào mức độ hậu quả gây ra trên thực tế. Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ), có ghi nhận về mức xử phạt đối với hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp (tại khu vực nông thôn), cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích đất lấn chiếm dưới 0,05 héc ta;
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích đất lấn chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100 triệu đồng nếu có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích đất lấn chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
– Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng nếu có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích đất lấn chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
– Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng nếu có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích đất lấn chiếm từ 01 héc ta trở lên.
Bên cạnh đó, trong trường hợp các đối tượng được xác định là cá nhân có hành vi lấn chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, và lấn chiếm loại đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng nêu trên, và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ) quy định như sau: Mức phạt tiền quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Tóm lại, khi có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp thì sẽ phải chịu mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thứ nhất, đối với đất phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn, như sau:
– Cá nhân có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp trên 1 hécta sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
– Tổ chức có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp trên 01 hécta sẽ bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.
Thứ hai, đối với đất phi nông nghiệp ở khu vực đô thị. Theo quy định thì mức xử phạt sẽ bằng 02 lần mức xử phạt đối với hành vi lấn chiến đất nông thôn. Do đó đối với hành vi lấn chiếm đất đất phi nông nghiệp thuộc đất đô thị với diện tích hơn 01 hécta thì:
– Cá nhân lấn chiếm đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
– Tổ chức lấn chiếm đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp:
Căn cứ khoản 7 Điều 14 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ), có quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp. Theo đó thì các chủ thể có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình hoặc phục vụ cho nhu cầu cá nhân có thể sẽ bị áp dụng những biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn chiếm;
– Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22
– Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
3. Hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi lấn chiếm đất khi đồng nghiệp hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai căn cứ theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi khách quan được điều luật quy định là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lí, sử dụng đất đai, thể hiện dưới các dạng:
– Hành vi lấn chiếm đất trái với quy định về quản lí, sử dụng đất đai. Đây là hành vi lấn chiếm đất thuộc quyền quản lí, sử dụng của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc cá nhân khác như lấn chiếm đất thuộc các công trình di tích lịch sử, văn hoá, tôn giáo đã được Nhà nước công nhận;
– Hành vi chuyển quyền sử dụng đất trái với quy định về quản lí, sử dụng đất đai như chuyển nhượng, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất trái phép …;
– Hành vi sử dụng đất trái với quy định về quản lí, sử dụng đất đai như đã khai thác bừa bãi, không đúng mục đích làm xói mòn, biến chất đất hoặc cố ý huỷ hoại đất làm ô nhiễm đất …
Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 02 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Khung hình phạt bổ sung được áp dụng là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo quy định, người nào lấn chiếm đất trái với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
– Nghị định số 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.