Tội phạm nói chung diễn ra ở các giai đoạn khác nhau thì mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng sẽ khác nhau. Nhiều người thắc mắc, chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích có phải đi tù không?
Mục lục bài viết
1. Chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích có phải đi tù không?
Chuẩn bị phạm tội trong pháp luật hình sự là chính sách của đảng và nhà nước ta trong việc xử lý giùm mình những hành vi nguy hiểm cho xã hội và các hành vi phạm tội trên thực tế. Việc quy định chế định chuẩn bị phạm tội nói chung và chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích nói riêng đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội ở nhiều giai đoạn phạm tội khác nhau, qua đó ngăn ngừa có hiệu quả hành vi chuẩn bị phạm tội để làm giảm bớt tác hại của các hành vi phạm tội xảy ra trong xã hội. Bộ luật hình sự quy định việc xử lý nghiêm minh trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội thể hiện việc ngăn ngừa và phòng chống tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đồng thời việc hỗ trợ công tác giáo dục và tuyên truyền kiến thức về pháp luật để thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật là trình độ văn hóa trong tầng lớp nhân dân, tạo thói quen tôn trọng và tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về việc chuẩn bị phạm tội. Theo đó thì, chuẩn bị phạm tội là việc tìm kiếm và sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện thuận lợi để thực hiện tội phạm trên thực tế hoặc thành lập và tham gia một nhóm tội phạm để thực hiện hoạt động phạm tội, trừ những trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định cụ thể tại Điều 109 của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, và khoản 2 Điều 113 của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, và khoản 2 Điều 299 của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội khủng bố.
Đáng chú ý là Điều 14 của Bộ luật hình sự năm 2015 cũng nêu rõ, người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các Điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, tội cố ý gây thương tích quy định tại hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 – Điều luật được quy định rõ người chuẩn bị phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì thế, có thể nói, chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích có phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau: Người nào có hành vi chuẩn bị vũ khí, chuẩn bị các loại vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, axit nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khung hình phạt cho việc chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích là cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Các hình thức của hành vi chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích:
Thứ nhất, tìm kiếm công cụ và phương tiện thực hiện tội phạm là hành vi của người chuẩn bị phạm tội được thể hiện bằng việc mua vũ khí hoặc bất kỳ con đường hợp pháp nào khác, có thể là mượn vũ khí trong một khoảng thời gian nhất định … để có thể nhận được công cụ hay phương tiện thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích dùng mọi cách thức khác nhau và khả năng của mình để có được những công cụ và phương tiện với mục đích thực hiện tội phạm cố ý gây thương tích đến cùng. Công cụ thực hiện tội phạm là bất cứ vật dụng gì được sử dụng để trực tiếp thực hiện tội cố ý gây thương tích. Phương tiện là những vật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành tội phạm cố ý gây thương tích trên thực tế.
Thứ hai, sửa soạn công cụ và phương tiện thực hiện tội phạm là hành vi của người chuẩn bị phạm tội được thể hiện bằng việc chế tạo hoặc thay thế hình dạng, kích thước của các công cụ và phương tiện, vũ khí để có thể giúp cho việc thực hiện tội phạm cố ý gây thương tích, hoặc che giấu tội phạm cũng như người phạm tội. Hành vi của người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích là xem công cụ gây án sắp tới có dùng được hay không, sửa chữa và tân trang với mục đích thực hiện tội phạm được dễ dàng hơn.
Thứ ba, cố ý tạo ra những điều kiện khách quan để thực hiện tội phạm được thuận lợi, có thể là tổ chức hoặc lập thành băng nhóm phạm tội, soạn thảo và chuẩn bị kế hoạch kĩ lưỡng, nghiên cứu địa điểm phạm tội và thời gian, lộ trình phạm tội và quy luật đi lại của nạn nhân, tìm kiếm đồng phạm và bàn bạc với nhau, phân công công việc cụ thể … tức là làm mọi công việc để chuẩn bị cho việc thực hiện tội phạm cố ý gây thương tích cho người khác.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn Đạt rất thích chị Lê Thị Hồng, hai người học cùng lớp đại học với nhau, qua nhiều lần tán tỉnh nhưng chị Hồng vẫn không đồng ý, anh đã tỏ ra rất chán nản và vô vọng. Vì tình yêu và lòng ganh ghét do không được chị Hồng đáp trả lại tình cảm cho nên anh Đạt đã có suy nghĩ phải trả thù chị Hồng. Để thực hiện được ý đồ đó, anh Đạt đã ra chợ để mua một cây gậy sắt, để trong người, sau đó có ý định rủ chị Hồng đi uống nước nói chuyện và anh ta sẽ lợi dụng thời cơ để thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy hành vi mua vũ khí của anh Đạt chính là hành vi chuẩn bị phương tiện công cụ phạm tội của mình.
Trong những dạng hành vi chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích nêu trên, chúng ta thấy hành vi tìm kiếm và sửa soạn công cụ phạm tội là phổ biến nhất, vì nhìn chung thì đó là những điều cần thiết và mang tính chất bắt buộc để thực hiện tội phạm cố ý gây thương tích theo như mong muốn.
3. Vai trò của chế định chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích:
Việc quy định về chế định chuẩn bị phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015 nói chung và chuẩn bị phạm tội đối với hành vi cố ý gây thương tích nói riêng có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, như sau:
Thứ nhất, việc quy định chế định chuẩn bị phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015 và người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích có thể phải chịu trách nhiệm hình sự thể hiện chính sách hình sự nghiêm minh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, cụ thể là hành vi xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác.
Thứ hai, việc quy định chế định chuẩn bị phạm tội đối với hành vi cố ý gây thương tích thể hiện sự đánh giá khách quan và toàn diện về hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội cần thiết phải được xử lý bằng chế tài hình sự. Đồng thời thể hiện chính sách phân hóa trách nhiệm hình sự trong việc xử lý đối với hành vi phạm tội được quy định tại Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Thứ ba, việc quy định chế định chuẩn bị phạm tội đối với hành vi cố ý gây thương tích tạo ra cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vấn đề xử lý nghiêm minh và triệt để hành vi vi phạm này ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, nhận thấy có tính nguy hiểm cho xã hội và nâng cao mức răn đe trong cuộc sống.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).