Tài sản riêng của vợ chồng được xác định là khối tài sản mà vợ chồng có được trước thời kỳ hôn nhân, hoặc tài sản hình thành từ thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân... Vậy người vợ có được hưởng thừa kế tài sản riêng của người chồng hay không?
Mục lục bài viết
1. Vợ có được thừa kế tài sản riêng của chồng không?
Hiện nay căn cứ theo quy định tại Điều 66 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về việc giải quyết tài sản của vợ chồng khi người đó qua đời. Vấn đề giải quyết tài sản của vợ chồng khi chết được ghi nhận như sau:
– Khi một bên vợ hoặc chồng chết hoặc bị tòa án tuyên bố chết theo quy định của pháp luật, thì bên còn sống sẽ tiến hành hoạt động quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc người chết có chỉ định người khác quản lý di sản theo nguyện vọng của họ hoặc những người thừa kế tự thỏa thuận với nhau để cùng ra một người khác quản lý di sản của người chết;
– Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận riêng về chế độ tài sản phù hợp với ý nguyện của vợ chồng, tài sản của vợ chồng khi chết hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án tuyên bố chết theo quy định của pháp luật sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Như vậy theo như phân tích ở trên thì có thể nói, tài sản riêng của chồng khi chết sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Pháp luật hiện nay có ghi nhận, các chủ thể có thể thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật (trong trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp). Vì thế, vấn đề chia tài sản như thế nào cần phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp chồng chết để lại tài sản riêng, có làm di chúc và di chúc đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của một di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 của Bộ luật dân sự năm 2015, di chúc đó ghi nhận chia tài sản riêng của người vợ cho người chồng thì đương nhiên người vợ sẽ được nhận tài sản riêng của chồng, trừ những trường hợp độ hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc căn cứ theo quy định tại Điều 644 của Bộ luật dân sự năm 2015. Sau khi chia thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì phần còn lại trong phần tài sản riêng của người chồng sẽ đương nhiên thuộc về người vợ theo ý chí của người chết.
Thứ hai, trường hợp người chồng chết để lại tài sản riêng nhưng không có di chúc, hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp chia tài sản riêng của người chồng sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Chia thừa kế trong trường hợp này sẽ được thực hiện theo hàng thừa kế quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể theo thứ tự như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy theo phân tích nêu trên thì người vợ sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do đó, khi người chồng chết không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp thì người vợ vẫn ra được hưởng thừa kế từ tài sản riêng của người chồng và được hưởng một phần di sản bằng với phần di sản của những người đồng thừa kế cùng hàng.
Theo như phân tích ở trên thì có thể nói, người vợ có được hưởng thừa kế từ tài sản riêng của người chồng khi người chồng qua đời.
2. Thủ tục khai nhận thừa kế là tài sản riêng của chồng:
Theo như phân tích ở trên thì khi người chồng qua đời, người vợ có quyền được nhận thừa kế tài sản riêng của chồng, người vợ theo quy định của pháp luật là đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chồng. Thủ tục khai nhận thừa kế đối với tài sản riêng của chồng được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế là tài sản riêng của chồng, bao gồm những giấy tờ cơ bản:
– Giấy kết hôn để chứng minh quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng;
– Giấy tờ liên quan đến tài sản thừa kế là tài sản riêng do chồng để lại;
– Giấy chứng tử của người chồng;
– Chứng minh thư nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người vợ … và một số giấy tờ khác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ tại tổ chức có thẩm quyền công chứng theo quy định của pháp luật. Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ sẽ xem xét tính hợp lý của hồ sơ. Sau khi kiểm tra hồ sơ và nhận thấy hồ sơ đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật thì sẽ tiến hành thụ lý yêu cầu công chứng và ghi vào sổ công chứng.
Bước 3: Niêm yết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là tại Ủy ban nhân dân cấp xã trong phản thời gian 15 ngày. Sau đó, nếu như người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung được ghi nhận trong dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế thì sẽ ký xác nhận vào từng trang của văn bản. Công chứng viên ghi lời chứng và ký tên cụ thể vào từng trang theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Nộp phí theo quy định của pháp luật và nhận giấy hẹn trả kết quả.
3. Những trường hợp vợ được định đoạt tài sản riêng của chồng:
Theo quy định của pháp luật hiện nay, một số trường hợp pháp luật ghi nhận người vợ sẽ được định đoạt tài sản riêng của chồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 44 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định cụ thể về vấn đề chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của vợ chồng. Cụ thể như sau:
– Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, có quyền sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mình theo quy định của pháp luật, vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung;
– Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình tiến hành hoạt động quản lý tài sản riêng, và cũng không thể tiến hành hoạt động ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng, thì bên còn lại có quyền quản lý tài sản đó, nhìn chung thì việc quản lý tài sản cần phải đảm bảo lợi ích và xuất phát từ quyền lợi của người có tài sản;
– Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người sẽ được thanh toán từ tài sản riêng của những người đó;
– Trong trường hợp vợ chồng có tài sản riêng mà hoa lợi và lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình và đảm bảo cho sinh hoạt của toàn gia đình, thì việc định đoạt khối tài sản này cần phải được sự đồng ý của bên còn lại.
Như vậy có thể nói, trong trường hợp người chồng không thể tự quản lý tài sản riêng và tiến hành hoạt động ủy quyền cho người vợ quản lý tài sản thì người vợ đó sẽ được định đoạt tài sản riêng của người chồng nhưng phải xuất phát từ lợi ích của người chồng. Hoa lợi và lợi tức từ tài sản riêng của chồng được xác định là nguồn sống duy nhất của toàn bộ gia đình thì việc định đoạt tài sản đó cần phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Dân sự năm 2015;
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.