Thời gian qua, rất nhiều người dân ở khắp các tỉnh thành trong cả nước bị những nhóm lừa đảo dụ dỗ bỏ tiền mua những sản phẩm với giá cao để được quyền tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Một số thủ đoạn lừa đảo tài sản qua bán hàng đa cấp nên cảnh giác bao gồm những gì?
Mục lục bài viết
1. Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tài sản qua bán hàng đa cấp:
Đầu tiên phải khẳng định rằng, kinh doanh đa cấp được pháp luật Việt Nam thừa nhận là hợp pháp và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ngành nghề này sẽ chỉ được hoạt động khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số người, nhóm người đã lợi dụng mô hình này với mục đích vụ lợi ngay từ đầu, họ tìm mọi cách dụ dẫn người khác đưa tiền cho mình rồi tìm cách tháo chạy an toàn và mang theo số tiền đó.
Thời gian qua, rất nhiều người dân ở khắp các tỉnh thành trong cả nước bị những nhóm lừa đảo dụ dỗ bỏ tiền mua những sản phẩm với giá cao để được quyền tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Chính sự mơ hồ ở trong nhận thức về kinh doanh đa cấp, lòng tham, muốn giàu nhanh và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân đã tạo điều kiện thuận lợi để những đối tượng lừa đảo khai thác, lợi dụng.
Thủ đoạn quen thuộc của những đối tượng lừa đảo tài sản qua bán hàng đa cấp luôn là tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, đại hội hoa hồng…Dùng các phương pháp “truyền khẩu” để lôi kéo đông người đến tham dự. Tại sự kiện, các đối tượng này đánh vào lòng tham, tâm lý hám lợi, muốn thành triệu phú, tỷ phú một cách nhanh nhất của người dân, thông điệp mà đối tượng này đưa ra luôn là những lời quảng cáo bịp bợm, tô vẽ về khả năng sinh lợi khi nạn nhân tham gia vào mạng lưới, những viễn cảnh giàu sang, không cần phải làm gì nhưng mà vẫn được hưởng tiền hoa hồng…để tạo ra cho họ những ảo tưởng về một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận. Người dân bị “mờ mắt” vì cơ hội làm giàu quá nhanh chóng, lợi nhuận cao gấp hàng chục lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, cộng với số tiền hoa hồng khi giới thiệu thêm người mới nên rất dễ “sập bẫy”. Tâm lý đám đông cuồng nhiệt tại những sự kiện, nhiều khi do đám “cò mồi” phát động, khiến nạn nhân từ chỗ còn nghi ngờ về thông tin doanh nghiệp đưa ra, đến chỗ mất khả năng tư duy độc lập, bị thúc đẩy, bị dẫn dụ và làm theo lời kêu gọi tham gia vào mạng lưới đa cấp. Yếu tố tâm lý chi phối các nạn nhân lúc này là sợ mất đi cơ hội kiếm tiền, đồng thời là lòng tin vào thông điệp của doanh nghiệp được xây dựng bởi sự yên tâm vì thấy có nhiều những người khác cũng tham gia. Đặc biệt, các đối tượng thường rất tinh quái khi chúng có mời đến dự sự kiện những người nổi tiếng, hay quan chức để lợi dụng về tên tuổi họ như một sự bảo đảm về tính nghiêm túc trong làm ăn doanh nghiệp, trong sự trung thực của thông điệp đưa ra.
Dưới đây là một số chiêu trò lừa đảo tài sản qua bán hàng đa cấp phổ biến mà người dân nên cảnh giác:
1.1. Kêu gọi góp vốn với con số cực nhỏ:
Để lôi kéo nhiều người cùng tham gia vào mạng lưới bán hàng, thông thường những công ty đa cấp sẽ chào mời người bán với số vốn rất nhỏ và hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn.
Chiêu thức này sẽ đánh vào tâm lý của rất nhiều đối tượng ham làm giàu, các nạn nhân chủ yếu là từ học sinh, sinh viên, đến các bà nội trợ, những người đã về hưu,…
Các công ty đa cấp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những người mới tham gia nhằm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức tinh vi khác nhau như mua hàng của công ty để trở thành hội viên, lấy tiền của người vào sau trả hoa hồng cho người vào trước…
1.2. Yêu cầu đặt cọc, mua hàng:
Bất cứ yêu cầu bắt buộc mua hàng hóa, đặt cọc, phải nộp tiền là điều kiện để nạn nhân được tham gia hệ thống công ty đa cấp đều là biểu hiện của hoạt động đa cấp biến tướng, vi phạm quy định pháp luật. Rất nhiều công ty đa cấp yêu cầu người mới tham gia phải đóng cọc giữ chỗ hoặc phải mua hàng thì mới được hoạt động trong hệ thống, nhưng một khi nạn nhân đã đóng tiền thì sẽ không thể rút lại vốn. Tại đây, những hội viên tham gia bán hàng luôn được đối tượng lừa đảo động viên đóng thêm tiền, đồng thời lôi kéo người khác tham gia. Nếu không, người tham gia sẽ không được rút lại số vốn đã bỏ.
1.3. Liên tục tuyển dụng cộng tác viên:
Đặc trưng của bán hàng đa cấp là phải lôi kéo thật nhiều người vào đường dây của mình để thành lập hội nhóm, nếu số lượng thành viên càng đông thì số tiền được trích hoa hồng sẽ càng nhiều vì mỗi người khi tham gia là thành viên của đường dây đều phải đóng một khoản tiền theo quy định.
Lưu ý, khi được giới thiệu về một doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì cần quan sát các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp đó. Nếu như doanh nghiệp đó chỉ chú trọng vào tổ chức các buổi tuyển dụng mà không tổ chức đào tạo bán hàng cho nhà phân phối thì phải cần cẩn trọng.
Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính chỉ tồn tại nhờ vào số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Công ty thu lợi nhuận từ các khoản tiền này và cũng dùng khoản này để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng.
1.4. Dùng các mỹ từ thuyết phục người tham gia:
Bằng cách mở ra các khóa học, chương trình giúp đỡ khởi nghiệp để trở thành một doanh nhân thành đạt với đồ hiệu, xe sang đã khiến nhiều người trẻ dễ dàng bị thu hút.
Theo đó những công ty đa cấp biến tướng luôn tìm cách tẩy não những người tham gia với các điệp khúc như: tương lai của bạn là do bạn quyết định đừng bao giờ để bị cản trở bởi người khác, muốn thành công thì phải hành động dù đó là những hành động sai trái như lấy tiền của gia đình và nói dối, muốn làm chủ thì phải bỏ tiền đầu tư…
Các công ty đa cấp có một đội ngũ Marketing chuyên nghiệp dễ dàng dẫn dụ được nhiều sinh viên, người ít hiểu biết bị choáng ngợp trước sức mạnh của đồng tiền. Vì thế nên để tránh bị mời gọi và gia nhập các đường dây này, người tham gia cần tìm hiểu rõ thông tin của công ty đó, chủ sở công ty, ngành nghề hoạt động để tránh bị mời gọi tới các địa điểm được dựng lên và liên tục thay đổi. Thông tin của bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng được công bố công khai tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Những biện pháp ngăn ngừa mắc bẫy thủ đoạn lừa đảo tài sản qua bán hàng đa cấp:
Chính sự mơ hồ trong nhận thức về kinh doanh đa cấp, lòng tham, muốn giàu nhanh, thiếu hiểu biết về pháp luật…đã tạo được điều kiện thuận lợi để các đối tượng lừa đảo tài sản qua bán hàng đa cấp khai thác, lợi dụng. Vì thế, một trong những biện pháp hiệu quả là tuyên truyền để trang bị được các kiến thức pháp luật và cảnh báo tội phạm, giúp cho người dân có kiến thức để nhận biết và chủ động phòng ngừa lừa đảo tài sản qua bán hàng đa cấp xảy ra với mình, tránh được những sơ hở, hay những việc làm chứa đựng các nguy cơ, rủi ro, hoặc tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm, bị tội phạm lợi dụng.
Thực tế cho thấy khi người dân được trang bị đầy đủ kiến thức, nắm vững những quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp, hiểu rõ về phương thức thủ đoạn lừa đảo tài sản qua bán hàng đa cấp, thì tự họ sẽ biết cách xa lánh, không tin vào những chiêu trò dụ dỗ của đối tượng lừa đảo.
Cần hướng dẫn người dân những kỹ năng thiết yếu, như trước khi tham gia vào mạng lưới đa cấp thì phải kiểm tra kĩ thông tin về doanh nghiệp mà mình định tham gia, như doanh nghiệp đó có được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay không, doanh nghiệp đó có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý trong quá trình bán hàng đa cấp trước đó hay là chưa. Đặc biệt, người dân cần biết các thông tin về loại sản phẩm, hàng hóa không được phép kinh doanh. Chẳng hạn như, mọi loại hình kinh doanh dịch vụ, sản phẩm số, hoặc những hình thức hợp tác đầu tư, huy động tài chính…đều không được phép kinh doanh đa cấp, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác. Người dân cũng nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của các mặt hàng hóa. Sở Công thương cấp tỉnh, Cục Quản lý cạnh tranh…cần tạo các điều kiện thuận lợi để người dân có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về hoạt động của những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, cũng như việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.
Việc đẩy mạnh công tác truyền thông phải linh hoạt và đa dạng về các phương pháp, gắn với đặc thù tình hình cư dân, địa bàn. Chẳng hạn như tại vùng nông thôn, miền núi, vùng cao, hải đảo xa xôi, nơi mà có trình độ dân trí chưa cao, với bản tính thật thà, dễ tin người…nên họ thường bị các đối tượng mồi nhử, dụ dỗ tham gia vào các mạng lưới đa cấp bất chính.