Theo quy định của Luật xây dựng, cá nhân khi tiến hành một số hoạt động xây dựng cần phải có chứng chỉ hành nghề. Vậy đối tượng, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đối tượng nào phải cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng:
Chứng chỉ hành nghề xây dựng được hiểu là một văn bản được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền để nhằm mục đích xác nhận năng lực hành nghề, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của một cá nhân.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 148 Luật xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a Khoản 53 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, các đối tượng khi hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề bao gồm:
– Giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng.
– Chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng.
– Chủ nhiệm khảo sát xây dựng.
– Chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng.
– Tư vấn giám sát thi công xây dựng.
– Chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Lưu ý:
– Cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập theo quy định.
– Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có giấy phép năng lực hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nếu hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 06 tháng hoặc ở nước ngoài nhưng thực hiện các dịch vụ tư vấn xây dựng tại Việt Nam thì giấy phép năng lực hành nghề phải được hợp pháp hóa lãnh sự để được công nhận hành nghề.
Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ.
2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng:
2.1. Điều kiện chung:
Để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cá nhân phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Về trình độ chuyên môn: đảm bảo đáp ứng phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
– Về kinh nghiệm: phải đảm bảo thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc đáp ứng với những nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
– Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề phải qua sát hạch kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
Cụ thể, điều kiện này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 66 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:
– Về năng lực: có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015.
– Thông tin cư trú: có giấy tờ chứng minh nơi cư trú (bao gồm nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú tạm vắng) hoặc đối với trường hợp là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ phải thông qua giấy phép lao động tại Việt Nam.
– Điều kiện về trình độ chuyên môn:
+ Hạng I: đảm bảo trình độ đại học có chuyên ngành phù hợp; có 07 năm trở lên kinh nghiệm tham gia các công việc phù hợp với những nội dung được đề nghị yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề.
+ Hạng II: đảm bảo trình độ đại học có chuyên ngành phù hợp; có 04 năm trở lên kinh nghiệm tham gia các công việc phù hợp với những nội dung được đề nghị yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề.
+ Hạng III: đảm bảo trình độ có chuyên ngành phù hợp.
Đối với cá nhân có trình độ đại học: có 02 năm trở lên kinh nghiệm tham gia các công việc phù hợp với những nội dung được đề nghị yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề.
Đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp: có 03 năm trở lên kinh nghiệm tham gia các công việc phù hợp với những nội dung được đề nghị yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề.
– Đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề: đạt yêu cầu sát hạch.
Đảm bảo về chuyên môn phù hợp:
Đối với hoạt động khảo sát xây dựng:
– Khảo sát địa hình: chuyên môn đào tạo thuộc một số ngành sau:
+ Địa chất công trình.
+ Trắc địa.
+ Công trình.
+ Bản đồ.
+ Các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan.
– Khảo sát địa chất công trình: chuyên môn đào tạo thuộc một trong những chuyên ngành như:
+ Địa chất công trình.
+ Địa chất thủy văn.
+ Các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan.
2.2. Điều kiện chuyên môn riêng:
* Đối với hoạt động khảo sát xây dựng:
Theo quy định tại Điều 68 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng được cấp ngoài những điều kiện chung trên thì phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng chứng chỉ bao gồm:
– Hạng I: cá nhân phải từng làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng nằm trong lĩnh vực yêu cầu cấp chứng chỉ tối thiểu có:
+ Dự án từ nhóm A: số lượng 01 dự án.
+ Hoặc dự án từ nhóm B trở lên: số lượng 02 dự án.
+ Hoặc công trình từ cấp I trở lên: số lượng tối thiểu 01.
+ Hoặc công trình từ cấp II trở lên: số lượng tối thiểu 02.
– Hạng II: cá nhân phải từng làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng nằm trong lĩnh vực yêu cầu cấp chứng chỉ tối thiểu có:
+ Dự án từ nhóm B trở lên: số lượng 01 dự án.
+ Dự án từ nhóm C trở lên: số lượng 02 dự án.
+ Công trình từ cấp II trở lên: số lượng ít nhất 01.
+ Công trình từ cấp III trở lên: số lượng ít nhất 02.
– Hạng III: cá nhân từng tham gia khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ tối thiểu:
+ Dự án nhóm C: 01 dự án.
+ Dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng trở lên: 02 dự án.
+ Công trình từ cấp III trở lên: tối thiểu 01 công trình.
+ Công trình từ cấp IV trở lên: tối thiểu 02 công trình.
* Đối với hoạt động thiết kế xây dựng:
– Hoạt động thiết kế kết cấu công trình: chuyên môn phải thuộc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng liên quan đến kết cấu công trình.
– Hoạt động thiết kế cơ – điện công trình: chuyên môn phải được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến hệ thống kỹ thuật điện, cơ khí, thông gió – cấp thoát nhiệt.
– Hoạt động thiết kế cấp – thoát nước công trình: chuyên môn phải được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến cấp – thoát nước.
– Hoạt động thiết kế xây dựng công trình khai thác mỏ: chuyên môn phải được đào tạo thuộc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến công trình ngầm và mỏ.
– Hoạt động thiết kế xây dựng công trình giao thông: chuyên môn phải được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến công trình giao thông.
– Hoạt động thiết kế xây dựng công trình cấp nước – thoát nước; xử lý chất thải rắn: chuyên môn phải được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến cấp nước, thoát nước, kỹ thuật môi trường đô thị và các chuyên ngành kỹ thuật tương ứng.
– Hoạt động thiết kế xây dựng công trình thủy lợi, đê điều: chuyên môn phải thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều.
* Đối với hoạt động giám sát thi công xây dựng:
– Hoạt động giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình: chuyên môn phải thuộc chuyên ngành về điện, cơ khí, thông gió – cấp thoát nhiệt, cấp – thoát nước, chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến lắp đặt thiết bị công trình.
– Hoạt động giám sát công tác xây dựng công trình: chuyên môn thuộc chuyên ngành về kỹ thuật xây dựng, kinh tế xây dựng, kiến trúc, chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến xây dựng công trình.
* Đối với hoạt động định giá xây dựng: chuyên môn thuộc các chuyên ngành về kinh tế xây dựng, kỹ thuật xây dựng và các chuyên ngành kỹ thuật có liên quan.
* Đối với hoạt động quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: chuyên môn thuộc chuyên ngành về kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, kinh tế xây dựng, chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến xây dựng công trình.
3. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng:
– Đối với chứng chỉ hành nghề hạng I: cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng có thẩm quyền cấp.
– Đối với chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III: Sở xây dựng có thẩm quyền cấp.
– Đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III cho cá nhân là hội viên, thành viên: thẩm quyền cấp thuộc về tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật Xây dựng 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Thông tư 38/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định về mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng, lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư.