Bảo trì công trình xây dựng là một trong những công việc quan trọng nhằm đảm bảo, duy trì sự an toàn trong quá trình thi công và sử dụng công trình xây dựng. Vậy, khi nào không cần lập quy trình bảo trì công trình xây dựng? Quy trình và trách nhiệm về việc bảo trì công trình được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định chung về bảo trì công trình xây dựng:
Bảo trì công trình xây dựng là một trong những giai đoạn quan trọng được ghi nhận trong Luật Xây dựng. Đây là hoạt động nhằm mục đích đảm bảo cho hoạt động của công trình được diễn ra bình thường, an toàn, hiệu quả. Bảo trì công trình xây dựng có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc với nội dung xoay quanh như: Tiến hành kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng cùng với đó việc bảo dưỡng và sửa chữa công trình cũng phải đảm bảo thực hiện nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình. Thông thường, chủ thầu xây dựng sẽ có trách nhiệm thực hiện việc bảo trì công trình xây dựng và những yêu cầu để việc bảo trì diễn ra theo hướng dẫn tại Điều 126 Luật Xây dựng, gồm:
– Yêu cầu về bảo trì công trình xây dựng được quy định như sau:
+ Theo quy định, để đưa công trình, hạng mục công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng thì công trình này phải được bảo trì định kỳ;
+ Quy trình bảo trì phải được chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt trước khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng; Nội dung xoay quanh việc bảo trì không chỉ đảm bảo hiệu quả khi áp dụng trực tế mà còn phải phù hợp với mục đích sử dụng, loại và cấp công trình xây dựng, hạng mục công trình, thiết bị được xây dựng và lắp đặt vào công trình;
Đặc biệt, đối với sự an toàn của công trình, người và tài sản phải được chú trọng. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng, máy, thiết bị công trình;
– Kế hoạch bảo trì và quy trình bảo trì được lập nên phải có sự phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Chủ thể thực hiện việc bảo trì phải nghiêm túc thực hiện theo đúng kế hoạch bảo trì và quy trình bảo trì được phê duyệt.
2. Các trường hợp không cần lập quy trình bảo trì công trình xây dựng:
Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 31 Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; trường hợp không bắt buộc phải lập quy trình bảo trì riêng cho:
– Trường hợp 1: Đối với việc xây dựng những Công trình cấp III trở xuống; nhà ở riêng lẻ; công trình tạm:
+ Để hiểu công trình cấp III trở xuống được hiểu như thế nào thì bạn đọc có thể tham khảo nội dung quy định trong Thông tư 06/2021/TT-BXD ngày 30 tháng 06 năm 2021. Thông tư này cung cấp các nội dung về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;
+ Nhà ở riêng lẻ được hiểu là nhà ở được tiến hành xây dựng trên một thửa đất ở riêng biệt. Thửa đất được dùng để xây dựng nhà ở phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;
+ Công trình xây dựng tạm là những công trình được xây dựng để phục vụ thi công xây dựng công trình chính.
– Trường hợp 2: Các công trình xây dựng lên nếu có tiêu chuẩn về bảo trì hoặc có quy trình bảo trì của công trình tương tự phù hợp thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có thể áp dụng tiêu chuẩn hoặc quy trình đó cho công trình mà không cần lập quy trình bảo trì riêng.
Pháp luật có những quy định về các trường hợp không cần lập quy trình bảo trì công trình xây dựng nhưng chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng các công trình cũng không được phủ nhận trách nhiệm trong việc bảo trì công trình xây dựng và phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định.
3. Quy trình, trách nhiệm về bảo trì công trình xây dựng:
3.1. Quy trình bảo trì công trình xây dựng được thực hiện ra sao:
Theo Điều 30, 31 Nghị định 06/2021/NĐ-CP việc bảo trì công trình xây dựng được thực hiện theo các bước như sau:
– Tiến hành lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng;
– Lập kế hoạch và đưa ra dự toán kinh phí bảo trì công trình xây dựng;
– Thực hiện bảo trì và quản lý chất lượng công việc bảo trì;
– Tổ chức việc đánh giá an toàn công trình;
– Lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình xây dựng.
3.2. Trách nhiệm lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng:
– Nhà thầu có trách nhiệm trong việc lập thiết kế xây dựng công trình và sau đó thực hiện việc bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì công trình xây dựng, bộ phận công trình để xem xét; đồng thời hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở cũng phải được bàn giao, thông báo cho chủ đầu tư; Trong thời điểm trước khi nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng thì cần thực hiện bước cập nhật quy trình bảo trì cho phù hợp với các nội dung thay đổi thiết kế trong quá trình thi công xây dựng (nếu có);
– Nhà thầu là bên cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình thì sẽ có trách nhiệm trong việc lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì đối với thiết bị do mình cung cấp trước khi lắp đặt vào công trình;
– Việc lập quy trình bảo trì có thể sử dụng sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn khác nên nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị có thể thuê đơn vị tư vấn khác có đủ điều kiện năng lực để lập quy trình bảo trì cho các đối tượng theo quy định và có trách nhiệm chi trả chi phí tư vấn;
– Chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 126 Luật Xây dựng số
– Đối với các công trình xây dựng đã đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng, có thể tổ chức kiểm định chất lượng công trình xây dựng làm cơ sở để lập quy trình bảo trì công trình xây dựng nếu cần thiết. Trong quy trình bảo trì phải xác định rõ thời gian sử dụng còn lại của công trình, các bộ phận, hạng mục công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình.
4. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về bảo trì công trình xây dựng:
Cá nhân có trách nhiệm trong việc thực hiện bảo trì công trình phải thực hiện theo đúng nội dung, trình tự của giai đoạn này. Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 quy định xử phạt hành chính về xây dựng:
+ Cá nhân có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hằng năm nhưng lại không tuân thủ quy định về lập kế hoạch bảo trì công trình thì có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Để khắc phục tình trạng này thì pháp luật cũng quy định rõ rằng: Người thực hiện hành vi bắt buộc phải lập kế hoạch bảo trì xây dựng công trình hằng năm theo quy định;
+ Quy trình bảo trì công trình xây dựng sau khi được cơ quan có thâm quyền phê duyệt thì cần thực hiện theo đúng bản thảo đã được chấp thuận. Bất kỳ hành vi nào thể hiện việc không tổ chức lập quy trình bảo trì công trình xây dựng hoặc không thực hiện bảo trì công trình theo đúng quy trình được duyệt thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, Người thực hiện hành vi vi phạm buộc lập quy trình bảo trì hoặc thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy định;
+ Hành vi không bàn giao, bàn giao chậm hoặc bàn giao không đầy đủ quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt cho chủ sở hữu, đơn vị quản lý sử dụng công trình thì sẽ áp dụng mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, Chủ đầu tư phải áp dụng biện pháp khắc phục là buộc phải bàn giao đầy đủ quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt;
+ Trách nhiệm về việc lập dự toán chi phí bảo trì trong kế hoạch bảo trì được duyệt theo quy định đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP đã được ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế việc không lập dự toán chi phí bảo trì trong kế hoạch bảo trì được duyệt theo quy định đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP vẫn diễn ra khá phổ biến. Với hành vi vi phạm này thì bị phạt tiền được đưa ra là từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Chủ sở hữu, đơn vị quản lý và sử dụng công trình buộc thực hiện lập dự toán chi phí bảo trì trong kế hoạch bảo trì được duyệt.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng 2014, sửa đổi năm 2020;
– Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.