Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai, việc phân bổ và khoanh vùng sẽ theo không gian sử dụng. Vậy đất quy hoạch cây xanh là gì? Có lên thổ cư được không?
Mục lục bài viết
1. Đất quy hoạch cây xanh là gì?
Căn cứ Thông tư 01/2021/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng quy định đất cây xanh bao gồm có:
– Đất cây xanh sử dụng công cộng: Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị chính là đất công viên, vườn hoa, sân chơi, đảm bảo tiếp cận của người dân;
– Đất cây xanh sử dụng hạn chế: Đất cây xanh sử dụng hạn chế chính là đất cây xanh được trồng trong khuôn viên các công trình, công viên chuyên đề do tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng;
– Đất cây xanh chuyên dụng: Đất cây xanh chuyên dụng chính là đất các loại cây xanh trong vườn ươm, đất cây xanh phục vụ nghiên cứu, đất cây xanh cách ly.
Khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai, việc phân bổ và khoanh vùng sẽ theo không gian sử dụng cho những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và từng đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Theo đó, có thể hiểu đất quy hoạch cây xanh là việc phân bổ và khoanh vùng đất cây xanh theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với mỗi một vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Từ đó, có thể hiểu kế hoạch sử dụng đất cây xanh là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất cây xanh theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch cây xanh.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cây xanh của địa phương. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cây xanh trên địa bàn cấp xã.
2. Đất quy hoạch cây xanh có lên thổ cư được không?
Khoản 7 Điều 49 Luật Đất đai 2013 được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14 quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Điều này quy định trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà khi đó chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất hoàn toàn được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Theo đó, nếu như mới chỉ công bố quy hoạch sử dụng đất cây xanh mà chưa có kế hoạch sử dụng đất cây xanh của cấp huyện thì người sử dụng đất vẫn có thể thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất này sang loại đất khác theo quy định của pháp luật. Còn nếu như trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất ở trong khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch có thể được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng người sử dụng đất sẽ không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu như những người sử dụng đất tại khu đất đã có kế hoạch mà có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì buộc phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người sử dụng đất vẫn có thể lên thổ cư được khi mới ban hành quy hoạch sử dụng đất cây xanh, còn nếu như đã có kế hoạch sử dụng đất cây xanh thì người sử dụng đất không thể thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lên đất thổ cư.
3. Nội dung quy hoạch cây xanh:
Nội dung quy hoạch cây xanh cấp huyện bao gồm:
– Định hướng sử dụng đất 10 năm;
– Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất (đất cây xanh) theo loại đất gồm chỉ tiêu sử dụng đất do quy hoạch tỉnh phân bổ cho cấp huyện và chỉ tiêu sử dụng đất theo các nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã;
– Xác định các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng đến từng đơn vị hành chính cấp xã;
– Xác định diện tích các loại đất đã xác định đến từng đơn vị hành chính cấp xã;
– Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;
– Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
4. Chỉ tiêu về quy hoạch đất cây xanh:
4.1. Yêu cầu về đất cây xanh trong đô thị:
Căn cứ mục 2.4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) quy định về yêu cầu về đất cây xanh trong đô thị, Điều này quy định:
– Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị phải đảm bảo thuận tiện cho tất cả người dân được tiếp cận sử dụng. Phải quy hoạch khai thác sử dụng đất cây xanh tự nhiên, thảm thực vật ven sông hồ, ven các kênh rạch, ven biển… để bổ sung thêm đất cây xanh đô thị;
– Các đô thị có những cảnh quan tự nhiên (sông, suối, biển, đồi núi, thảm thực vật tự nhiên) đặc trưng có giá trị cần phải có giải pháp về quy hoạch khai thác và bảo tồn cảnh quan;
– Diện tích tối thiểu đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị (không bao gồm cả đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở) phải tuân thủ như sau:
Loại đô thị | Tiêu chuẩn (m2/người) |
Đặc biệt | 7 |
I và II | 6 |
III và IV | 5 |
V | 4 |
CHÚ THÍCH 1: Diện tích mặt nước nằm trong khuôn viên những công viên, vườn hoa sẽ được quy đổi ra chỉ tiêu đất cây xanh/người nhưng sẽ không được chiếm quá 50% so với tổng chỉ tiêu diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị; CHÚ THÍCH 2: Đối với đô thị miền núi, hải đảo thì chỉ tiêu diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng ở trong đô thị có thể thấp hơn nhưng sẽ phải đạt trên 70% mức quy định trên. |
4.2. Tỷ lệ tối thiểu cây xanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao:
Căn cứ mục 2.5.3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) quy định về sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, Điều này quy định:
– Đất xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao sẽ phải được quy hoạch phù hợp với tiềm năng phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội và những chiến lược phát triển có liên quan của từng địa phương;
– Tỷ lệ các loại đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao phụ thuộc vào loại hình, vào tính chất các cơ sở sản xuất, mô-đun diện tích của những lô đất xây dựng cơ sở sản xuất, kho tàng, nhưng cần phải phù hợp với tỷ lệ tối thiểu đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao mà Bộ Xây dựng quy định;
– Tỷ lệ tối thiểu cây xanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã được Bộ Xây dựng quy định tại Điều này là 1% diện tích toàn khu (không bao gồm đất giao thông, cây xanh trong khuôn viên lô đất các cơ sở sản xuất).
4.3. Tỷ lệ đất trồng cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình:
Căn cứ mục 2.6.5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) quy định tỷ lệ đất trồng cây xanh trong những lô đất xây dựng công trình, phải đảm bảo theo quy định về tỷ lệ tối thiểu đất trồng cây xanh nêu trong bảng sau:
Trong lô đất xây dựng công trình | Tỷ lệ đất tối thiểu trồng cây xanh (%) |
1- Nhà chung cư | 20 |
2- Công trình giáo dục, y tế, văn hóa | 30 |
3- Nhà máy | 20 |
4.4. Quy định về cây xanh tại nông thôn:
Căn cứ mục 2.16.9 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) quy định về cây xanh tại nông thông, Điều này quy định như sau:
– Phải bố trí cây xanh công cộng tại khu trung tâm, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo;
– Kết hợp với quy hoạch trồng cây phòng hộ ngoài đồng ruộng, cây phòng hộ chống cát ven biển, cây chống xói mòn nhằm để tạo thành một hệ thống cây xanh trong xã;
– Không trồng những loại cây có nhựa độc, có hoa quả hấp dẫn ruồi muỗi, cây có gai ở trong trạm y tế, trường học, trường mầm non, cần trồng những loại cây cao, bóng mát và có tác dụng làm sạch không khí;
– Bố trí cây xanh trong khoảng cách ly của cụm công nghiệp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) được ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD;
– Luật Đất đai 2013;
– Luật số 35/2018/QH14.