Hiện nay, rất nhiều vụ cháy xảy ra, đặc biệt vụ là các vụ cháy trong khu chung cư gây ra hậu quả nặng nề. Vậy mức xử phạt vi phạm PCCC trong đầu tư xây dựng chung cư như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt vi phạm PCCC trong đầu tư xây dựng chung cư:
1.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ Điều 38 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng chung cư như sau:
Hành vi vi phạm | Mức xử phạt | Căn cứ pháp lý |
Trong quá trình thi công, xây dựng công trình, không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật | Xử phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng | Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP |
Hành vi thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan có thẩm quyền | Xử phạt từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng | Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP |
Khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã thực hiện cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới | ||
Hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoặc giấy tờ khác liên quan đến công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy | ||
Đối với những công trình bắt buộc phải thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy mà thực hiện thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy | Xử phạt từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng | Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP |
Khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy mà thực hiện chế tạo phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy | ||
Khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đã thực hiện đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động | Xử phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng | Khoản 4 Điều 38 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP |
Khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy mà thực hiện đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động | Xử phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng | Khoản 5 Điều 38 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP |
Ngoài ra, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính ngoài bị phạt tiền như trên còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:
– Đối với hành vi khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã thực hiện cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới; khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy mà thực hiện chế tạo phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy: buộc phải thực hiện thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.
– Đối với hành vi khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đã thực hiện đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động: buộc phải thực hiện nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
– Đối với hành vi khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy mà thực hiện đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động: buộc phải thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
– Đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoặc giấy tờ khác liên quan đến công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy: buộc phải nộp lại giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
1.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Tùy vào hành vi và mức độ thiệt hại gây ra, đối tượng vi phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể:
– Khung 1: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
Đối tượng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng chung cư gây hậu quả như sau:
+ Hậu quả làm chết người.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên đối với 01 người.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 121% trở lên đối với 02 người.
+ Gây thiệt hại về tài sản với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
– Khung 2: phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
+ Hậu quả làm chết 02 người.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 122% đến 200% đối với 02 người trở lên.
+ Gây hậu quả làm thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
– Khung 3: phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Hậu quả làm chết số lượng 03 người trở lên.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên đối với 03 người trở lên.
+ Gây hậu quả làm thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
– Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: áp dụng với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả dưới đây và không được ngăn chặn kịp thời:
+ Hậu quả làm chết số lượng 03 người trở lên.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên đối với 03 người trở lên.
+ Gây hậu quả làm thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
– Ngoài áp dụng mức phạt như trên, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Những biện pháp để phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng chung cư:
Tình hình cháy nổ trong nhà dân, các khu chung cư hiện nay đang ngày càng phổ biến. Chính vì vậy cần đòi hỏi các chính sách cũng như các biện pháp đưa ra để phòng chống tình trạng cháy nổ, cụ thể như sau:
– Tuyệt đối không được tích trữ những chất nguy hiểm gây cháy, nổ với số lượng lớn trong nhà (như xăng, dầu, bình ga mini,….)
– Trong các chung cư nên lắp đặt hệ thống điện có cầu dao tự động và các thiết bị bảo vệ khi có sự cố xảy ra, đồng thời sử dụng các thiết bị điện đúng kỹ thuật.
– Các hộ gia đình cần có ý thức khi sử dụng bếp gas cần lưu ý khóa van bình gas sau khi sử dụng, tránh trường hợp rất nhiều người chỉ khóa van bếp mà quên khóa van bình gas.
– Trang bị trong nhà những thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình cứu hoả, quả nổ chữa cháy tự động và ròng rọc thoát hiểm để phòng trường hợp sự cố hỏa hoạn có thể xảy ra.
– Đối với việc thắp hương thờ cúng hay đốt vàng mã vào những ngày lễ, Tết tại mỗi gia đình cần được làm cách xa những nơi có chứa chất nguy hiểm cháy, nổ, bên cạnh đó cần có người canh để chống cháy lan.
– Nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy nổ, phải hô hoán bằng lời hoặc sử dụng các phương tiện báo động khác như: kẻng, loa, phát thanh, nhấn nút chuông báo cháy… để thông báo cho mọi người được biết.
– Thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu khi xảy ra hỏa hoạn: di chuyển đến khu vực để các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, chăn dập cháy… sử dụng chúng để dập tắt đám cháy.
– Gọi điện cho đội phòng cháy chữa cháy (số điện thoại: 114): bấm điện thoại (mã vùng + 114) hoặc bấm trực tiếp 114 và thông báo rõ địa chỉ nơi xảy ra đám cháy, loại công trình đang xảy ra cháy (nhà cao tầng hay nhà chung cư…) và sơ bộ về quy mô của đám cháy.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-VPQH Luật phòng cháy chữa cháy.
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.